Huyện Càng Long -Trà Vinh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển.
Huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh là huyện thuần nông,
không có cơ sở công nghiệp lớn, kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính.
Để tạo sức bật mới, xây dựng và phát triển kinh tế, huyện đã phát huy nội lực,
lấy nông nghiệp làm nền tảng, tập trung cao cho công tác chuyển dịch cơ cấu cây
trồng, vật nuôi, và đã đạt được những thắng lợi bước đầu, thu nhập bình quân đầu
người trong huyện lần đầu tiên đạt mức trên 6 triệu đồng/ năm.
Đặc biệt là ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản
xuất có thu nhập cao từ nông nghiệp. Để công tác chuyển dịch cơ cấu mang lại
hiệu quả, chính quyền các cấp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ
tầng. Trong đó hai cống đập lớn là Láng Thé, xã Đại Phước và Cái Hóp, xã Đức Mỹ,
thuộc dự án ngọt hóa Nam Măng thít, kết hợp với hòan chỉnh hệ thống đê bao, cống
bọng gắn với xây dựng đường giao thông nông thôn... đã tạo điều kiện thuận lợi
cho sản xuất và công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi.
Huyện đã chú trọng xây dựng nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới,
vừa hoạt động có hiệu quả, vừa tập hợp được nhiều nông dân tham gia, tạo thành
khối thống nhất trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu, tạo nền tảng cho các hộ nông
dân tham gia. Trong đó đã giành được kết quả tốt nhất là ở hợp tác xã trồng xòai
Châu Nghệ, ở ấp Dừa Đỏ 3, Xã Nhị Long, hợp tác xã quýt đường Thuận Phú ở ấp Long
Trị, Xã Bình Phú, hợp tác xã Hạnh Phúc ở xã Đại Phúc. Ông Lê Quốc Long, Bí thư
huyện ủy huyện Càng Long cho biết: công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa
bàn huyện đã được sự đồng tình hưởng ứng của nhiều người dân. Bà con đã xác định
được chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện
tích canh tác, sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp trở thành sản phẩm hàng hóa phù
hợp với thị trường tiêu thụ hiện nay.
Trên lĩnh vực thủy sản, huyện Càng Long đã có 72 điểm áp dụng
mô hình nuôi tôm càng xanh, nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi thủy sản luân canh với
trồng lúa, nuôi thủy sản trong mương vườn... ở các xã Phương Thạnh, Bình Phú, An
Trường, Mỹ Cẩm, Đức Mỹ, Nhị Long... trong số này đã có đến 50% mô hình đạt thu
nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm, còn lại cũng đều đạt mức từ 30 triệu đồng đến 45
triệu đồng/ha. Cùng với việc hoàn thiện các công trình thủy lợi, tạo cơ sở ban
đầu cho người dân về nguồn nước ngọt ổn định cho sản xuất, công tác chuyển dịch
cơ cấu cây trồng cũng nhanh chóng được thực hiện. Nhiều mô hình đã có hiệu quả
cao hơn từ những vùng chuyên làm vườn trước đây như vùng trồng xoài Châu Nghệ ở
xã Nhị Long, trồng cây quýt đường ở Xã Bình Phú, trồng cây lác ở xã Đức Mỹ...
được chuyển đổi theo hướng tăng thêm vụ sản xuất, nhiều nhất là luân canh nuôi
thủy sản trong mương vườn. Mô hình của ông Thân Văn Tánh ở ấp Dừa Đỏ 3, xã Nhị
Long Phú đưa thêm vụ nuôi tôm càng xanh luân canh trên đất vườn, đã mang lại lợi
nhuận từ 120 triệu đồng đến 170 triệu đồng/ha/năm, tăng gần 45 triệu
đồng/ha/năm.
Ông Lữ Văn Thum, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Càng Long cho
biết: khi bắt thực hiện phong trào chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây
trồng, bà con chưa hưởng ứng vì chưa hiểu. Nhưng khi có những mô hình điểm, đạt
hiệu quả cao, bà con đã đồng tình hưởng ứng thành phong trào. Từ việc làm cho
dân thông, dân hiểu, ngành nông nghiệp huyện cũng đã xây dựng nhiều mô hình khác
nhau, trên các vùng đất khác nhau, để nông dân có thể tự liên hệ với điều kiện
sản xuất của mình mà ứng dụng, ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn tiếp theo các bước
về kỹ thuật ứng dụng nuôi cá, nuôi bò, nuôi lợn và trồng trọt, làm vườn theo
dạng luân canh, tăng vụ.
Hiện nay huyện đã hình thành cánh đồng lúa cao sản, trên diện
tích gần 3.500 ha, cánh đồng lúa cao sản năm nào cũng trúng mùa, năng suất luôn
tăng hơn, riêng trong vụ đông xuân 2005- 2006, vùng lúa cao sản đã thu hoạch trà
lúa sớm, năng suất đạt trên 6,5 tấn/ha. Để đạt được kết quả nầy, huyện cũng đã
có bước chuẩn bị với 100 điểm thực hiện mô hình trồng lúa cao sản bằng giống lúa
mới nguyên chủng, giống lúa xác nhận như OMCS 21, OM 1490, MTL 258, kết hợp thực
hiện biện pháp kỹ thuật 3 tăng, 3 giảm, biện pháp kỹ thuật sạ lúa theo hàng...
vì vậy, mà hạn chế được tình trạng sâu bệnh, rầy nâu đang hòanh hành ở các nơi.
Tạo được sự đồng thuận từ người dân, giúp cho dân hiểu và thấy được hiệu quả
của mô hình sản xuất theo hướng chuyển đổi, sản xuất tổng hợp, huyện Càng Long
đã xây dựng được nhiều điển hình trong việc tăng nguồn thu nhập trên đất thuần
nông, trong đó có trên 1.350 ha đạt mức thu nhập cao và ổn định từ 50 triệu
đồng/ha/năm trở lên.
Nguồn:TTXVN-bannhanong.vietnetnam.net (20/2/2006)
|