Phú Thọ: câu lạc bộ chè sạch xã Gia Điền chỗ dựa của nông hộ.
Sau 5 năm thành lập và đi vào hoạt động, CLB sản
xuất chè an toàn xã Gia Điền đã và đang đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người
dân làm chè.Nơi đây cung cấp cho nông hộ những thông tin cần
thiết, giúp người dân yên tâm sản xuất và phát triển cây chè, nâng cao
trình độ thâm canh tăng năng suất.
Gia Điền là một xã miền núi của huyện Hạ Hòa, tỉnh
Phú Thọ diện tích ruộng ít, đồi rừng nhiều. Cây trên đồi chủ yếu là cây chè,
chiếm 90% số hộ có diện tích chè từ 5 sào trở lên, nhiều hộ có diện tích hơn 1
ha chè. Ngành nghề phụ ở đây hầu như không có, đời sống của nông dân còn nhiều
thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu, lãnh đạo Đảng
ủy, chính quyền xã đã có những trăn trở phải làm gì tìm ra hướng đi cho nông dân
để vươn lên xóa đói giảm nghèo ngay trên chính quê hương mình. Xác định cây chè
là cây chủ lực của địa phương, xã cũng đã có nhiều chủ trương đầu tư. Tuy vậy,
trước đây cây chè ở Gia Điền không được người dân quan tâm nhiều hộ đã phá chè
trồng sắn và trồng các cây lâm nghiệp khác. Bên cạnh đó sử dụng thuốc bảo vệ
thực vật chưa đúng làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và môi trường sinh
thái, sức khỏe người tiêu dùng. Để đảm bảo ổn định cho người nông dân yên tâm
sản xuất và cây chè có uy tín chất lượng trên thị trường, sản phẩm làm ra có nơi
tiêu thụ.
Năm 2001, được sự giúp đỡ của dự án Dialogs của tổ chức phi
chính phủ và UBND xã Gia Điền, tổ khuyến nông xã cùng 20 hộ nông dân có nhu cầu
tự nguyện tham gia thành lập câu lạc bộ (CLB) sản xuất chè an toàn. Với mục tiêu
của CLB đề ra như sản xuất chè an toàn có giá trị và hiệu quả cao, an toàn cho
người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người nông
dân. Từ những mục tiêu đó đến năm 2005, đã có tổng số 72 hộ với 72 thành viên
tham gia vào CLB và bầu ra 4 người vào ban quản lý. Ngay từ những ngày đầu thành
lập CLB đã xây dựng kế hoạch hoạt động như cải tạo và thâm canh 12 ha chè từ 6
đến 15 năm tuổi có năng suất từ 5 tấn/năm lên 8 đến 10 tấn/năm, phấn đấu đạt
tổng sản lượng từ 90 đến 120 tấn chè búp tươi/năm, giá thu nhập bình quân của
mỗi hội viên từ 5 đến 8 triệu đồng/năm. Song song với xây dựng kế hoạch, CLB
cũng xây dựng nội quy hoạt động như thường xuyên sinh hoạt vào 15 hàng tháng với
85% đến 95% các hội viên tham gia. Các buổi sinh hoạt nội dung đánh giá kết quả
hoạt động trong tháng, thông báo giá chè, tình hình sâu bệnh, tháo gỡ những khó
khăn thắc mắc của hội viên, tìm ra giải pháp trong tháng tiếp theo, tổ chức thăm
hỏi động viên kịp thời những hội viên khi ốm đau, thân nhân qua đời.
Trong 5 năm qua, CLB đã kết hợp với các dự án, ban, ngành tổ
chức được 13 buổi tập huấn với 655 lượt người tham gia. Qua các lớp tập huấn này
các hội viên đã nắm được một số kỹ thuật cơ bản để thâm canh tăng năng suất chè.
Xây dựng được 5 mô hình bón phân vi sinh và 13 mô hình thâm canh năng suất có
11/18 hộ tham gia, các hộ tham gia đều thực hiện đúng theo mục tiêu đề ra nên
kết quả đạt cao. Từ những việc làm thiết thực này đã giúp cho hội viên thay đổi
được tập quán canh tác cũ đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất cây chè, góp phần đưa
năng suất và chất lượng sản phẩm chè ngày càng cao.
Với số quỹ hiện có gần 6 triệu đồng, CLB cho vay quay vòng
trong năm lấy số lãi hàng tháng chi thăm hỏi ốm đau. Với những kết quả đạt được,
CLB vẫn còn một số tồn tại như một số hội viên chưa đầu tư cho cây chè theo đúng
quy trình kỹ thuật, do giá cả thị trường không ổn định, lên xuống thất thường,
thời tiết diễn biến phức tạp. Để tiếp tục duy trì hoạt động, CLB đã xây dựng kế
hoạch từ nay đến năm 2009 như thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thâm canh theo
các mô hình thực hiện theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM quốc gia,
ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến từ 120 đến 150
tấn/năm, duy trì các mô hình đã được triển khai khuyến cáo nhân ra diện rộng, tổ
chức các buổi tập huấn kỹ thuật cho hội viên.
Sau 5 năm thành lập và đi vào hoạt động, CLB sản xuất chè an
toàn xã Gia Điền đã và đang đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân làm chè,
giúp người dân yên tâm sản xuất và phát triển cây che, nâng cao trình độ thâm
canh tăng năng suất. Dẫu biết rằng còn nhiều điều trăn trở cho người dân trồng
chè, mà phần thua thiệt đổ lên đầu họ như tình trạng ép giá trong thu mua, sử
dụng thuốc bảo vệ thực vật kém phẩm chất, sự độc hại khi thường xuyên tiếp xúc
với hóa chất... nhưng trong tương lai gần các việc đó chắc chắn sẽ được khắc
phục và đất Gia Điền vẫn mãi xanh màu xanh vô tận của những đồi chè, màu xanh
của sự ấm no trên quê hương anh hùng.
Nguồn:TTXVN-bannhanong.vietnetnam.net (17/2/2006)
|