Khuyến nông - cầu nối đưa khoa học, kỹ thuật đến với nông dân Hòa Bình.
Qua đánh giá hoạt động của các CLB KNKL thôn, bản,
đến nay đã xoá được 245 hộ đói, giảm hộ nghèo và có hàng trăm hộ vươn lên làm
giàu; 100% hộ hội viên đều đạt gia đình văn hoá.
Đưa chúng tôi đi tham quan một số hộ nuôi dê Bách
Thảo hiệu quả cao trên địa bàn xóm Đông Yên, xã Yên Bồng huyện Lạc Thuỷ (Hoà
Bình), ông Đinh Công Ánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm (CLB
KNKL) Đông Yên vui vẻ cho biết: với thế mạnh đồi núi rộng, chăn nuôi dê được xác
định là thế mạnh trong phát triển kinh tế ở xã Yên Bồng với tổng đàn trên 2.000
con, bình quân mỗi nhà nuôi từ 2 đến 3 con, có nhà nuôi hàng trăm con.
Từ năm 1997, xóm thành lập CLB KNKL với 16 hộ tham gia, chủ yếu
là nuôi dê Bách Thảo. CLB sinh hoạt hàng tháng, nội dung tham khảo tài liệu do
Trạm KNKL huyện cung cấp về phương pháp chăn nuôi hiệu quả, cách phòng - chữa
bệnh cho dê. Để nâng cao kiến thức cho hội viên, CLB thường xuyên tổ chức cho
hội viên đi tham quan các mô hình chăn nuôi hiệu quả trong và ngoài địa bàn. Từ
đó rút kinh nghiệm, ứng dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình. Từ năm 1997 đến
2002, huyện Lạc Thuỷ mới có 3 CLB KNKL được thành lập với 64 hộ tham gia. Trong
năm 2005, Trạm KN-KL huyện đã phối hợp với Đảng uỷ, chính quyền các xã, thị trấn
hướng dẫn thành lập được 35 CLB KNKL thôn, bản, nâng tổng số CLB toàn huyện lên
38 CLB với 1.520 hội viên. Đây thực sự là lực lượng nòng cốt đi đầu trong mọi
hoạt động, nhất là phong trào thi đua sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển
kinh tế hộ gia đình, góp phần xoá đói - giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Qua đánh giá hoạt động của các CLB KNKL thôn, bản, đến nay đã
xoá được 245 hộ đói, giảm hộ nghèo và có hàng trăm hộ vươn lên làm giàu; 100% hộ
hội viên đều đạt gia đình văn hoá. Cùng với các hoạt động chuyển giao khoa học,
kỹ thuật, các CLB đã quan tâm đến việc xây dựng quỹ hội, mức đóng góp 50.000
đồng/hội viên được 76 triệu đồng. Số vốn quỹ này được đầu tư hỗ trợ cho các hội
viên vay để phát triển sản xuất với lãi suất 1% tháng, thời hạn từ 6 đến 12
tháng cho 600 lượt hộ hội viên vay. Nhìn chung, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng
mục đích, phát huy được hiệu quả đồng vốn. Ngoài ra, các CLB còn ký hợp đồng với
các HTX, UBND xã nhận khoán những công việc như: đắp đường, nạo vét kênh mương,
đấu thầu sản xuất, xây dựng các mô hình trồng trọt... Để xây dựng quỹ hội, đưa
tổng số quỹ hội lên 150 triệu đồng.
Từ những kết quả đạt được cho thấy, hoạt động của các CLB KNKL
thôn, bản ở Lạc Thuỷ thực sự là cầu nối chuyển giao khoa học, kỹ thuật tới nông
dân.
Nguồn:TTXVN-bannhanong.vietnetnam.net
(16/2/2006)
|