Khuyến nông theo cách mới.
Từ khi có NĐ 13/CP về triển khai các cơ quan khuyến
nông nhà nước, đến năm 2004, đã có 64 trung tâm khuyến nông trực thuộc Sở Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn, 40 trung tâm khuyến ngư trực thuộc Sở thuỷ
sản.
Tổng số cán bộ khuyến nông cấp tỉnh là 1.446 người, bình quân
22,6 cán bộ khuyến nông/tỉnh; 520/637 huyện có trạm khuyến nông, chiếm 81%.
Hệ thống khuyến nông cơ bản đã đồng nhất về tổ chức bộ máy ở
cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên, ở cấp xã lại rất khác nhau: Câu lạc bộ khuyến
nông, tổ khuyến nông, khuyến nông viên.
Nhưng sự bất cập thể hiện ở chỗ, các cơ quan triển
khai khuyến nông tuỳ thuộc vào mối quan hệ mà chọn đối tác tại cơ sở. Có khi là
hợp tác xã, có khi là hộ nông dân, hội phụ nữ. Bất cập nhất là về nhu cầu, nội
dung khuyến nông, bởi vì có rất nhiều cơ quan, tổ chức khác cũng tham gia hoạt
động khuyến nông bên cạnh hệ thống khuyến nông nhà nước.
Các chi cục (thú y, trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nông
thôn...), các phòng chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sở
khoa học – công nghệ – môi trường, các đoàn thể, các hội đều có chương trình,
kinh phí hoạt động riêng. Nhưng họ thường không liên kết với nhau, địa phương
cũng không chú ý đến điều này, nên xảy ra tình trạng chồng chéo trong hoạt động
khuyến nông cùng một địa phương.
Từ thực tế đó, dự án “Phương pháp và tổ chức hệ thống khuyến
nông” của Bộ môn hệ thống nông nghiệp (Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam), được
sự tài trợ của tổ chức APEFE (Bỉ), đã nghiên cứu và áp dụng phương pháp khuyến
nông hoàn toàn mới, đạt hiệu quả cao ở 2 tỉnh Hải Dương và Hà Nam.
TS Đào Thế Anh, Chủ nhiệm bộ môn, Chủ nhiệm dự án, trình bày
quan điểm và phương pháp nghiên cứu: “Chúng tôi không nghĩ ra nội dung khuyến
nông, mà cùng với nông dân và chính quyền địa phương thu thập và phân tích thông
tin, nhằm xác định các điều kiện sản xuất nông nghiệp và những khó khăn mà nông
dân gặp phải trong sản xuất. Từ đó mới có thể lên kế hoạch xây dựng nội dung
khuyến nông phương pháp tiến hành, hệ thống tổ chức khuyến nông phù hợp với thực
tế từng địa phương”.
Việc thu thập thông tin chung về xã rất tỉ mỉ, công phu, từ các
loại môi trường xã hội, tự nhiên, công nghệ, căn cứ trên bản đồ ra thực địa,
tiếp xúc để nắm vững dân số, diện tích từng loại đất, đến phân tích các dịch vụ
nông nghiệp trong xã thuộc nhiều lĩnh vực: cung ứng vật tư, làm đất, khuyến
nông, bảo vệ thực vật, dịch vụ thú y.
Tiếp đến, phải phân vùng xã có điều kiện sản xuất nông nghiệp
tương đồng, để xác định các hệ thống hoạt động trong từng vùng. Từ căn cứ đó sẽ
chọn lựa các hệ thống hoạt động cần ưu tiên phát triển đối với từng vùng. Đây là
bước quan trọng quyết định, vì nó ảnh hưởng rất lớn đến chương trình khuyến
nông.
Cho nên, không thể thiếu được ý kiến của người dân và chính
quyền địa phương. Bởi vì, chính họ quyết định chọn ra một số hệ thống trồng
trọt, chăn nuôi, hoặc chế biến nông sản cần ưu tiên phát triển trong từng vùng
cụ thể. Sau đó, cần trao đổi với mọi người, để bổ sung những điều cần thiết,
tránh rủi ro từ các yếu tố bên ngoài.
Chỉ sau khi đã làm thật kỹ khâu chẩn đoán nông nghiệp xã, mới
xác định được nội dung khuyến nông phù hợp, cũng như các loại hình khuyến nông
thích hợp như CLB khuyến nông, nhóm sở thích, nhóm liên kết,... Công việc bồi
dưỡng, tư vấn cho các thành viên, nhất là nông dân hạt nhân đòi hỏi phải thật cụ
thể và thiết thực.
TS. Đào Thế Anh nhấn mạnh: “Khuyến nông là hoạt động chuyển
giao tiến bộ kỹ thụât về nông nghiệp, nông thôn và phổ biến kinh nghiệm về sản
xuất, quản lý kinh tế, cơ chế chính sách, giá cả thị trường... nhằm giúp nông
dân có đủ khả năng giải quyết những vấn đề của bản thân và cộng đồng, thúc đẩy
nông nghiệp phát triển, cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp đa dạng, theo hướng
hàng hoá, nên rất cần có cán bộ khuyến nông hiểu biết rộng, có kỹ năng thực hiện
các phương pháp khuyến nông một cách hiệu quả”.
Chính vì thế, dự án đã quan tâm đặc biệt tư vấn cho cán bộ
khuyến nông cơ sở về nhiều mặt: kế hoạch mua giống, mua nguyên liệu, kế hoạch
bán sản phẩm, hướng dẫn các thành viên ghi chép sổ sách, thực hành sản xuất theo
qui trình kỹ thụât chung khi thay đổi cơ cấu giống, thay đổi phương thức chăm
sóc nuôi dưỡng..., xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng thông qua hội nghị
đầu bờ, tìm ra những chủ đề thiết thực trong sinh hoạt nhóm, tập huấn kỹ thuật,
kiểm tra định kỳ để tư vấn thực hành, hạch toán mẫu cho các thành viên áp dụng,
tham quan, tìm dịch vụ đầu vào và thị trường đầu ra, theo dõi tài chính, kế toán
của nhóm, tìm hiểu cơ chế chính sách của địa phương, tổng kết, phổ biến kết quả
hoạt động, tổ chức hội nghị khách hàng.
Cán bộ khuyến nông được dự án đào tạo thật sự trở thành người
nghiên cứu nông nghiệp, nông thôn, nông dân, người chuyển giao và huấn luyện
tiến bộ kỹ thụât cần thiết nhất đối với nhu cầu thực tế của nông dân, người bồi
dưỡng kiến thức thị trường cho nông dân. Cán bộ khuyến nông thật sự là cầu nối
quan trọng giữa nông dân với nhà nước, là bộ phận hữu cơ không thể thiếu được
trong hệ thống chính quyền nông thôn.
Dự án còn mở ra một tư duy mới trong thời kỳ công nghiệp hóa,
hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Đó là: xây dựng nông nghiệp và nông thôn
cần phải có thay đổi gấp, không nên áp đặt từ trên xuống, mà phải từ nhu cầu
thực tế của nông dân và nông thôn.
Nguồn:VNeconomy-bannhanong.vietnetnam.net (11/2/2006)
|