Nuôi cò bắt ruồi
Tại tỉnh Trà Vinh, một số hộ chăn nuôi gia súc người Khmer đã có sáng kiến nuôi loài cò ruồi (loài cò trắng mỏ vàng chuyên bắt ruồi).
Da của trâu bò có mùi đặc trưng rất hấp dẫn ruồi nhặng. Chúng thường đeo bám hút máu trên da trâu bò gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khoẻ, sự tăng trưởng của gia súc. Để diệt ruồi nhặng, người ta thường dùng tay hay cành lá, vật dụng để đập chúng, hiệu quả không cao. Nhưng nếu biết sử dụng loài cò ruồi vào công việc này thì đơn giản hơn nhiều. Chúng bắt ruồi hết sức nhẹ nhàng, thao tác hết sức chính xác, khi đã nhắm vào con mồi chỉ mổ cộc một cái, khó có con ruồi nào thoát. Không phải chỉ có ruồi mà rận, ve cũng đều bị cò ruồi tìm kiếm diệt sạch.
Trọng lượng của loài cò ruồi này không lớn. Con trưởng thành chỉ nặng 300g. Người ta thường bẫy cò ruồi vào mùa nước nổi và mang đi bán. Khi bắt, mua cò ruồi về, để cò quen dần với môi trường mới, dùng dây buộc chúng vào chuồng trâu bò 1-2 ngày, sau đó dùng kéo xén một bên lông cánh rồi thả ra, cò sẽ quen dần, chỉ đi quanh quẩn trong chuồng. Sau này nếu lông cánh có mọc trở lại, cò cũng không bay đi nơi khác. Không chỉ bắt ruồi tại chỗ, cò còn đi kiếm ruồi ở các chuồng trại kế bên, nhưng tối đến vẫn tìm về nhà chủ. Nhiều người dân ở Trà Vinh còn nuôi cò ruồi thân thiện như nuôi chim cảnh.
Với việc sử dụng cò bắt ruồi, lượng ruồi và ký sinh trùng ở trâu bò và các chuồng trại nuôi gia súc giảm hẳn, vừa vệ sinh, ít gây dịch bệnh và không ảnh hưởng đến sức khoẻ gia súc nuôi.
Hôm qua 28-3, Hội nghị toàn quốc về khoa học và công nghệ thủy sản (KH&CN TS) đã diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ TS Nguyễn Việt Thắng cho biết, thành tựu nổi bật nhất của KH&CN TS thời gian qua là ngày càng đáp ứng kịp nhu cầu giống của nông dân và từng bước nâng cao chất lượng giống. Đến nay, ngành TS đã cung cấp lượng cá bột đạt trên 1,5 tỉ con; cung cấp đủ giống các loài cá nước ngọt chủ yếu (riêng giống cá tra, basa đạt 3 tỉ con); sản lượng tôm giống các loài đạt gần 26 tỉ con... Kết quả là thúc đẩy nuôi trồng TS cả nước năm 2004 đạt tới 1.150.100 tấn so với năm 2001 là 845.856 tấn.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng, ngành TS cần tập trung đầu tư phát triển vào CN sinh học, coi đây là mũi nhọn để đi tắt đón đầu về các CN, tạo tập đoàn giống mới có chất lượng sinh học cao, phù hợp với điều kiện VN, đáp ứng các đòi hỏi về lượng và chất của thị trường. Thông qua ứng dụng CN sinh học để giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay về dịch bệnh, loại bỏ được các dư lượng hóa chất bị cấm...; từ đó xây dựng các CN tiên tiến cho nuôi hàng hóa các đối tượng TS chủ lực hiện nay.
Nguồn tin: NTNN |