Phòng trừ mối hại cà phê
Cây cà phê là một trong những cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh
tế cao nhưng côn trùng phá hoại cũng không ít. Trong công tác bảo vệ thực vật
cây cà phê, vấn đề mối hại cà phê ít được đề cặp đến. Thực tế cho thấy trong
những năm gần đây, mối đã xuất hiện trên các vườn cà phê và phá hoại nghiêm
trọng. Mối hại có mặt ở các lứa tuổi cây cà phê như: vườn ươm, giai đoạn kiến
thiết cơ bản, giai đoạn kinh doanh và phục hồi, nhưng nghiêm trọng và đáng chú ý
nhất là ở giai đoạn cà phê kinh doanh. 1. Một số đặc điểm sinh học: Mối là loại
côn trùng miệng nhai, thức ăn chủ yếu là xác thực vật. Mối sống thành tập đoàn,
thuộc bộ cánh màng. Mối trưởng thành có cánh trên thân màu nâu nhạt. Mối có kích
thước ngang thân khoảng 2,5-3cm. Mối sinh sản rất nhanh.
2. Tác hại:
Mối có mặt ở các tuổi cà phê.
- Ở vườn ươm: Mối khoét bầu, hại rễ, làm cho rễ bị dị dạng, hạn chế sự
hút nước, có khi làm chết cả cây con. Mối cắn rách bầu làm cho vỡ bầu trong quá
trình vận chuyển, ảnh hưởng đến cà phê.
- Ở giai đoạn kiến thiết cơ bản: ít thấy mối xuất hiện, nếu có
không đáng kể.
- Ở giai đoạn kinh doanh: Đây là giai đoạn mối hại nghiêm
trọng.
Nguyên nhân tồn tại: Trong khu vực khai hoang trồng mới có sẵn
các ổ mối, trong những năm đầu, ở dưới đất còn sót lại một số gốc cây. Mối sử
dụng các loại gốc rễ đó làm thức ăn. Sau thời gian kiến thiết cơ bản chuyển sang
giai đoạn kinh doanh (vườn cà phê ở tuổi năm thứ 4, thứ 5 trở đi), mối đã sử
dụng hết gốc rễ mục đó ở dưới đất và trực tiếp hại cà phê. Mối hại nghiêm trọng
trong mùa khô.
* Đối với thân: Mối bám xung quanh thân, ăn sạch lớp biểu bì
vỏ. Mối ăn tới đâu thì có lớp đất bám xung quanh đến đó. Mối ăn rất nhanh, có
cây trung bình trong một ngày đêm, mối ăn 15-20cm, làm cho cây bốc thoát hơi
nước mạnh. Mối còn ăn đến điểm sinh trưởng, cắn đứt điểm sinh trưởng, làm hạn
chế sinh trưởng của cây cà phê.
* Đối với rễ: Mối làm tổ ở dưới khu vực rễ, đục khoét rễ, gây nên những
vết thương, tạo điều kiện cho những loại nấm bệnh xâm nhập, làm hạn chế sự hút
nước và dinh dưỡng của cây. Làm cho cây héo dần, chết rũ.
- Ở giai đoạn phục hồi: Trên những vườn có cây che bóng, ngoài
việc hại rễ như ở giai đoạn kinh doanh, sau khi cưa đốn, mối đem đất đắp xung
quanh gốc, vừa ăn sạch lớp biểu bì, vừa che mất ánh sáng. Thiếu ánh sáng, mầm
không nẩy được hoặc nẩy mầm được thì mối cũng ăn sạch. Ngoài ra, tại các vườn cà
phê có trồng cây che bóng, như keo đậu, muồng... mối cũng khoét gốc rễ làm cho
cây suy yếu. Khi có gió, cây bị đổ, ảnh hưởng đến vườn cà phê.
3. Biện pháp phòng trừ:
Sử dụng các biện pháp canh tác, lý học và hóa học, nhưng cơ bản
là biện pháp hóa học.
Trong quá trình khai hoang trồng mới, nên cày sâu, phơi ải đất,
kết hợp với xử lý đất trước khi trồng bằng thuốc 666.
Ở trong vườn, nếu rải rác có những cây bị mối hại nặng thì tiến
hành nhổ gốc, đào đất, chất lửa đốt sạch để tiêu diệt triệt để.
Ở vườn ươm, dùng thuốc 666 bột để rải. Ở giai đoạn kinh doanh
và cưa phục hồi, nên dùng hỗn hợp 666.
Thuốc 666 còn gọi là BHC, HCH và có công thức cấu tạo: C6H6CL6.
Thuốc 666 là loại thuốc nhóm gốc Clor. Thuốc 666 kỹ nghệ là một
hỗn hợp gồm nhiều đồng phân 666 như a, b, g, nhưng trong đó chỉ có đồng phân g
là giết sâu, còn các đồng phân khác không có độc tính. Đồng phân g - 666 trong
thuốc kỹ nghệ chỉ chiếm 12-14 %, còn lại là các đồng phân khác. Thuốc 666 dễ bị
phân hủy trong môi trường kiềm nên khi sử dụng thuốc 666 không nên trộn với vôi
hoặc tro bếp. Thuốc 666 có tác dụng tiếp xúc xông hơi và có độ độc mạnh.
Thuốc 666 có hai dạng chế phẩm là thuốc sữa và thuốc bột thấm
nước. Thuốc bột thấm nước thường đóng thành bịch 5kg. Dùng thuốc bột thấm nước
làm thành hỗn hợp sền sệt quét lên thân cây hoặc rải xuống gốc.
Làm sạch cỏ gốc, xới gốc sâu 10cm, dùng thuốc 666 rải, trộn đất
kỹ. Dùng hỗn hợp 666 -6% g (1 phần) + nước (15 phần) quét lên thân cây cà phê.
Phương pháp này có hiệu quả cao, vừa trừ mối vừa trừ sâu đục thân.
Nguồn: Thông tin khoa học kỹ thuật Lâm Đồng
|