Tp.HCM:Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp- lập chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản
Bỏ lúa trồng lan, phát triển đàn cá sấu, cá cảnh,
ba ba..., chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp Tp.HCM đã mang lại giá trị
sản xuất gần 4.000 tỷ đồng trong năm qua, tăng 1,8% so với năm 2004. Mục tiêu số
1 của nông nghiệp thành phố trong 5 năm tới là xây dựng chuỗi các ngành hàng để
tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết nông nghiệp thành phố vào giữa
tháng 1 năm 2006, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh yêu cầu,
đối tác chính hiện nay của ngành nông nghiệp thành phố sẽ là Viện khoa học Nông
nghiệp miền Nam, trường Đại học Nông lâm, công ty Giống cây trồng thành phố,
Liên hiệp hợp tác xã thương mại Sài Gòn (Saigon Co-op), Tổng công ty thương mại
Sài Gòn (SATRA)...
"Chuỗi liên kết 4 nhà từ nông dân đến nhà khoa học và kinh
doanh bán lẻ, sẽ nâng cao chất lượng bắt đầu từ khâu giống, đồng thời kích thích
tiêu thụ nông sản", ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, công tác xúc tiến thương mại nông sản hiện nay đã bước
một chân vào chuỗi liên kết, hình thành được nhiều kênh phân phối tiêu thụ nông
sản qua các doanh nghiệp thương mại. "Tuy nhiên, chuỗi liên kết phát triển chưa
đồng bộ và chỉ mới tập trung tiêu thụ ở thị trường nội địa", ông Nhân nhận xét.
Trên thực tế, nhiều mô hình tiêu thụ nông sản hàng hóa thông
qua hợp đồng đã xuất hiện tại Tp.HCM. Điển hình như quy trình tiêu thụ sữa tươi
của Vinamilk, sản xuất và tiêu thụ bắp lai tại công ty giống cây trồng miền Nam,
nuôi và chế biến da cá sấu ở quận 12...
Có đến 23 hợp đồng đã được doanh nghiệp trực tiếp ký kết với
nông dân ngay trong Hội nghị tiêu thụ nông sản vào tháng 11.2005. Điều này chứng
tỏ nhiều doanh nghiệp cũng như nông dân cũng đã ý thức được mối liên kết chuỗi,
chủ động tìm nhau đển đặt hàng sản xuất và tiêu thụ những nông sản sạch.
Từ những thành công của chương trình chuyển đổi cơ cấu nông
nghiệp năm 2005, ông Nhân chỉ ra 5 bài học lớn của thành phố và sẽ tiếp tục áp
dụng trong kế hoạch 5 năm đến 2010 là: quyết tâm bỏ cây lúa; chuyển quy mô sản
xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa có hợp đồng và kênh phân phối, tiêu thụ; tổ chức
lại quy mô giống...
Đồng thời tập trung khai thác các dự án quan trọng mà thành phố
đã đầu tư như trung tâm thủy sản Cần Giờ, trung tâm giống cây trồng, trung tâm
tư vấn phát triển nông nghiệp...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Phước
Thảo cũng cho biết, mặc dù ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu
kinh tế Tp.HCM, nhưng việc xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản vẫn là vấn đề
quan trọng.
"Rau an toàn, giống heo hướng nạc, cá sấu, giống cá rô phi toàn nạc...
là những đối tượng đã được lập kế hoạch phát triển thành thương hiệu chủ lực của
thành phố", ông Thảo khoanh vùng để đầu tư có trọng điểm.
Theo số liệu thống kê 5 năm 2001-2005, ngành thủy sản đã tăng
vọt bình quân 22,7%/năm, dẫn đầu trong cơ cấu phát triển nông nghiệp Tp.HCM.
Ngành chăn nuôi tăng 5,1%/năm, đứng hàng thứ 2, trong khi trồng trọt đã giảm dần
3,5%/năm. Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố sẽ
tiếp tục tập trung phát triển thủy sản theo mô hình thực hành nuôi tôm tốt (GAP)
và triển khai thêm các "con" như hàu, cá bống mú...
Năm 2006, thành phố sẽ giảm thêm 3.000 ha trồng lúa so với năm
2005, nhưng tăng 100 ha diện tích trồng cây kiểng và tăng gần gấp đôi số con
nuôi.
Nguồn: SGTT
|