Trồng hoa tầm xuân
Trồng hoa tầm xuân
Gia đình 2 bác Nguyễn Văn Hương và Lê Thị Thanh ở đội 4, xã Thọ An, huyện Đan Phượng Hà Tây đã gắn bó với nghề trồng hoa hơn chục năm qua. Cách đây 1 năm, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi từ một vài hộ trồng hoa giàu kinh nghiệm ở làng Đăm (xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội) bác Hương là người đầu tiên ở Thọ An trồng thành công giống hoa tầm xuân mới có nguồn gốc từ Trung Quốc mà bà con nơi đây quen gọi là giống hoa đào Tàu. Được hỏi về đầu ra, bác Thanh cho biết: Hoa tầm xuân dễ trồng, ít sâu bệnh, đầu tư chi phí thấp (khoảng 200nghìn đồng tiền mua hom giống, phân bón và thuốc trừ sâu bệnh), giá bán bình dân mà lại chơi được lâu nên nhiều người ưa chuộng, dễ bán, dễ tiêu thụ do đó cho thu nhập cao. Năm 2003, một số hộ trong đó có gia đình con gái của bác Thanh ở Tây Tựu đã cho thu nhập trên 10 triệu đồng/sào. Các lái hoa thu gom tại nhà lúc đắt lên tới 2.000 đồng/cành rồi đóng gói, vận chuyển về Hà Nội và các tỉnh xa, gia đình không phải mang đi bán lẻ.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa tầm xuân: - Chuẩn bị đất : Chọn đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất giàu mùn, dễ thoát nước, cao ráo, có cấu tượng tốt. Cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ, bón lót nhiều phân hữu cơ, phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh trước khi lên luống. Nếu đất chua, độ pH < 4,5 phải bón thêm vôi. Hoa cát tường không ưa đất chua, dễ bị bệnh thối thân do nấm, chết hàng loạt. Lên luống rộng 1,4-1,5m, cao 25-30cm. -Thời vụ: Trồng vào tháng 2, tháng 3 âm lịch (sau Tết Nguyên đán, khi trời ấm lên là tốt nhất). - Cách trồng: Chọn những cành khoẻ mạnh, tròn đều, mầm ngủ nổi rõ, cắt bỏ đoạn ngọn non và đoạn gốc già vì mầm sẽ mọc yếu. Mỗi cành chặt làm nhiều hom dài khoảng 25cm bằng dao sắc để tránh xơ xước dễ làm hom mất nước và dễ nhiễm khuẩn khi trồng. Cắm hom nghiêng 450, sâu 5cm theo hàng ngang cách nhau 50cm, cây cách cây 30cm trên mặt luống. Nén chặt gốc, tủ cỏ khô, rơm rạ và tưới đủ ẩm.
- Chăm sóc: Thường xuyên làm sạch cỏ, xới xáo nhẹ bằng bay nhỏ. Hoa tầm xuân không cần bón nhiều phân, nếu bón lót đầy đủ (khoảng 100 kg/sào phân hữu cơ vi sinh) thì sau 3 tháng bón thúc cũng bằng phân hữu cơ vi sinh bằng cách rạch hàng giữa các hàng rắc phân và tưới nước. Tỉa bỏ bớt những mầm, chồi nhỏ, mỗi khóm chỉ nên giữ lại 7-8 cành dài, khoẻ nhằm nâng cao chất lượng cành hoa. Hàng tháng nên làm sạch cỏ, xới xáo và tưới thêm nước phân chuồng pha loãng cùng với kali vào tháng 9, tháng 10 giúp cho cây phân hoá mầm hoa được tốt, mầm hoa to, khoẻ. Chú ý phòng trừ sâu cuốn lá, rệp muội khi cây còn non và tránh bệnh thối gốc cho cây bằng cách không để ruộng bị úng ngập.
- Thu hái: Từ tháng 8 tầm xuân bắt đầu rụng lá, đến tháng 11-12 âm lịch thì lá đã rụng hết, nụ hoa đã sẵn sàng. Chọn những ngày nắng ráo, vào lúc chiều mát để cắt cành sát gốc đem về xếp ủ vào chỗ tối khoảng 2-3hôm thì bóc mắt và nhuộm phẩm màu. Đặc điểm của hoa tầm xuân là chỉ có nụ trắng do đó sau khi bóc nụ cho hé lộ cánh thì dùng phẩm màu để nhuộm thành các màu đỏ, hồng, vàng, xanh v.v… theo thị hiếu người mua. Bó lại từng bó 20 cành rồi đem đi tiêu thụ. Hoa được cắm trong bình nước sạch khoảng 10 cành/bình với các màu khác nhau rất sinh động để chơi suốt trong dịp Tết cổ truyền.
Nguồn tin: NNVN
|