Bệnh Phytop và V.S.D hại ca cao
Bệnh Phytop (thối lá, loét thân- chảy nhựa, thối trái
khô): Do nấm Phytopthora Palmivora gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào
mùa mưa, ẩm độ cao trên 75%, đất ẩm thấp; bào tử nấm ở trái bệnh phát tán nhờ
gió, nước mưa, côn trùng hay do mầm bệnh có sẵn trong đất bị côn trùng mang theo
lên cây và mưa làm đất văng mầm bệnh lên thân, lá; hoặc do trồng xen với những
cây có cùng nguồn bệnh như dừa, sầu riêng...
Triệu chứng: Trên lá: Gây hại nghiêm trọng
ở giai đoạn cây con, làm các đuôi lá non và gân chính bị phỏng chuyển sang màu
xám- nâu- đen, sau đó làm lá khô cháy đến chết cây.
Trên thân là vết loét chảy nhựa đỏ ươn ướt tạo vết loang lớn
dần, đầu tiên chết lớp da sau đó đến gỗ làm cho chất dinh dưỡng không vận chuyển
được, cây suy kiệt rồi chết.
Trên trái: Thường ở trái lớn, vết bệnh xuất hiện ở chóp hoặc
đuôi, có khi ở giữa trái, thường nơi có sẹo hoặc bị vết thương; trái lúc đầu là
những đốm nhỏ đục liên kết nhau, kế đến tạo thành từng mảng có màu sôcôla và sau
đó làm trái thối đen, khô cứng. Khi trời ẩm có lớp nấm mốc bao quanh vết
bệnh.

Phòng trị: Chọn giống kháng bệnh, vệ sinh
vườn- thu gom cành trái, tàn dư thực vật bị nhiễm bệnh chôn hoặc đốt; tỉa cành,
tạo tán cho thông thoáng, có cách tưới- thoát nước tốt để tạo ẩm độ phù hợp; phủ
gốc hoặc quét vôi cho cây để tránh đất văng bám lên thân- lá; trồng cây khoẻ
(đợt tược có 4-5 lá trở đi, lá to dần, cây cứng cáp, ít sâu bệnh hại), bón phân
cân đối (lúc cây nhỏ, bón NPK 30-20-15: 30-50g/cây; cây lớn (cho trái) dùng NPK
30-20-30: 100-200g/cây); dùng thuốc vi sinh có chủng Trichoderma trộn đất ngừa
bệnh; dùng thuốc trừ nấm Aliette, Agiphos 400 phun xịt trên lá, đối với cây lớn
cạo vết bệnh bôi thuốc vào, dùng ống chích chuyên dụng, chích thuốc cho cây như
Phosphonate (10ml/cây có đường kính thân 10-20cm, 20ml/cây có đường kính thân
trên 20cm).
Bệnh VSD (cây chết ngược): Do nấm Oncobasidium
Theobromae gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa, ẩm độ cao (trên 80%), đất
ẩm thấp. Bào tử phát tán lúc còn sương sớm (3-8 giờ sáng) xâm nhập vào đợt tược
non, ăn sâu vào lõi thân, phá hại mạch dẫn trong cành từ 2 đến 3 tháng mới biểu
hiện ra ngoài.
Triệu chứng: Gây hại nặng ở giai đoạn cây con,
đầu tiên cành - lá bị bệnh sẽ còi cọc; kế đến đợt tược chót có một hay vài lá
biểu hiện màu vàng lẫn những đốm xanh (hoa lá); nhìn đoạn thân sần sùi như mụn
cóc; đọt ra nhiều nhưng hư; vạt nơi sẹo lá bị rụng có 2-3 chấm đen, sau đó cây
khô chết ngược từ ngọn vào, nếu cắt đoạn thân bệnh lột vỏ-chẻ dọc thấy những sọc
nâu đen.
Phòng trị: Tỉa cành tạo tán, tưới tiêu hợp lý,
tạo ẩm độ vừa phải (dưới 70%), loại ngay những cây bệnh tuổi còn nhỏ khoảng 1
năm tuổi (cả trong vườn ươm và cây đã trồng). Đối với cây lớn, khi thấy triệu
chứng bệnh, phải tỉa bỏ ngay, vết cắt nên xử lý thuốc Rydomyl, Copper Zine...
Dùng giống kháng bệnh như TD6, tuy giống này nảy mầm sớm nhưng năng suất cao và
kháng bệnh VSD rất mạnh.
Nguồn tin: Nguyễn Hùng Nhân (Báo kinh tế nông
thôn) |