Bón phân khoáng cho lúa xuân
Phân khoáng (đạm, lân, kali, canxi, magiê, vi lượng) có ảnh hưởng lớn tới năng suất lúa. Do vậy, bà con cần chú ý tới một số kỹ thuật chính sau:
Chọn loại phân bón
Nếu bón đạm, lân, kali dưới dạng phân đơn trong điều kiện nóng, ẩm, mưa nhiều, lượng phân bị thất thoát khá lớn (60-80%), thời gian sử dụng ngắn (15-20 ngày). Bà con nên chọn các loại phân bón đảm bảo chất lượng, nhất là phân tổng hợp NPK của các nhà máy phân lân nổi tiếng trong nước (Văn Điển, Lâm Thao, Hà Bắc...).
Cách bón
- Đối với đất cát pha bạc màu, thành phần cơ giới nhẹ, chua (độ pH 4,5-5,5%), hàm lượng dinh dưỡng thấp, nghèo đạm, lân, kali, vi lượng. Loại đất này nên bón theo tỷ lệ 1 đạm: 1 lân: 1 kali, cần bón vôi mỗi năm một lần vào vụ xuân (18-20kg/sào), bón thúc phân khoáng làm 2-3 lần, kết hợp phun phân vi lượng cho lúa 2-3 lần/vụ.
- Đối với đất thịt, đất phù sa có thành phần dinh dưỡng trong đất khá, bón phân khoáng theo tỷ lệ 1 đạm: 0,5-0,7 lân: 0,5-0,7 kali, nên bón thúc 1-2 lần/vụ.
- Đối với đất lầy thụt, đất thường xuyên ngập nước, thường chua, giàu đạm, nghèo lân, kali, cần bón thêm vôi, lân, kali, vi lượng và giảm đạm theo tỷ lệ 0,3-0,5 đạm: 1 lân: 1 kali.
Bón thúc cho lúa xuân cần căn cứ vào tình hình sinh trưởng của lúa, có thể dựa vào màu sắc của lá lúa để quyết định lượng phân, loại phân cần bón. Bón thúc đòng (trước trổ 30-32 ngày) là quan trọng nhất đối với tất cả các loại đất trồng lúa. Nếu lá lúa xanh vừa đến xanh vàng, bón đạm và kali theo tỷ lệ 1 đạm: 1-2 kali (1-2kg đạm và 1-4kg kali/sào), lá lúa xanh đậm là thừa đạm, thiếu kali, nên bón 4-5kg kali/sào, không được bón đạm, bón đến khi lúa trổ bông, lá có màu xanh vàng là đạt yêu cầu.
Về lượng phân khoáng cần bón phải căn cứ cụ thể vào từng loại đất, từng giống lúa để bón với lượng 7-12kg đạm, 15-25kg lân, 5-12kg kali.
Nguồn tin: NTNN |