Nuôi cá rô phi trên vùng đất nhiễm mặn
Nhận thấy Hoằng Hoá có hàng trăm hecta đất nhiễm mặn cấy lúa
kém hiệu quả, sau khi tham gia một số lớp tập huấn về nuôi cá nước ngọt do Trung
tâm Khuyến ngư tỉnh Thanh Hoá tổ chức và tìm hiểu kinh nghiệm từ các mô hình làm
ăn có hiệu quả trong và ngoài tỉnh, ông Lê Tiến Dũng ở xã Hoằng Châu đã tiến
hành nuôi cá rô phi trên 10ha mặt nước của gia đình. Ông chia làm 6 ao: 2 ao
ương cá giống (1.000 m2/ao), 4 ao nuôi cá thịt (2.000m2/ao).
Năm 2004, ông thả ương lứa cá rô phi hồng đầu tiên với số lượng
5 vạn con. Sau 20 ngày ương,ông xuất bán 3 vạn cá giống cho các hộ lân cận, còn
lại thả đều ra các ao để nuôi lớn. Cuối năm ông thu được 3,5 tấn, trung bình cá
nặng 300g/con. Sau khi trừ chi phí, lãi 20 triệu đồng. Năm 2005, ông mở rộng
diện tích nuôi thêm 1,5ha và thả nuôi 4 vạn cá rô phi hồng, 16 vạn cá rô phi
Ucni. Hiện cá đang phát triển tốt, trọng lượng trung bình 200-300g/con.

Xin giới thiệu kinh nghiệm của ông Dũng
Xây dựng và cải tạo ao nuôi
Ao nuôi luôn giữ mực nước 1,2-1,4m, cấp - thoát nước dễ dàng.
Sau khi xây dựng xong, tiến hành cải tạo: thau rửa, bón 5-7kg vôi/100m2 rồi phơi
ao. Vì ao mới xây dựng nên ông chú trọng khâu tạo nguồn thức ăn tự nhiên bằng
cách cày làm tơi xốp đáy; bón lót 50kg phân chuồng /100m2. Lượng nước lấy vào ao
lúc đầu là 0,8-1m. Vài ngày sau màu nước chưa đạt yêu cầu thì bón 5-10kg phân
gà/100m2 để gây màu nước, khi nước có màu nõn chuối hoặc vỏ đậu xanh thì thả
cá.
Giống, chăm sóc
Cá thả nuôi phải là cá khoẻ mạnh, đồng đều, không có dị tật. Cá
được nhập từ Trung Quốc.
Giai đoạn đầu ông dùng thức ăn tự chế dạng bột gồm: 30% bột cá,
70% bột ngô, đậu tương, lúa. Trong quá trình ương, ông thường xuyên giữ nước màu
xanh vỏ đậu. Sau 20 ngày ương, cá đạt chiều dài thân 5-6cm thì thả ra ao
nuôi.
Giai đoạn nuôi cá thịt luôn giữ mực nước trong ao 1-1,4m, tuỳ
từng thời kỳ phát triển của cá mà điều chỉnh mực nước thích hợp. Kết hợp giữa
thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế dạng bột nhằm giảm chi phí và tận dụng
nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Cá rô phi có tập tính ăn nổi nên ông dùng
lưới dày (rộng 6m2), cắm lưng chừng mặt nước ở 2 đầu ao để cho cá ăn. Cách làm
này hạn chế tối đa thức ăn dôi thừa, thất thoát. Cho cá ăn 2 lần/ ngày. Sau 5
tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 300g/con, cỡ khá đồng đều. Theo ông
Dũng, cá rô phi có khả năng chịu lạnh nên có thể nuôi qua đông nếu mực nước ao
đạt 1,3-1,5m. Tuy nhiên, cá rô phi hồng hiện nay vẫn còn khó tiêu thụ, nhất là
cá dưới 300g.
Về giống cá rô phi Ucni nhập từ Trung Quốc về, theo ông là dòng
cá lai có tốc độ lớn nhanh, kích thước và trọng lượng vượt trội so với những
giống cá rô phi hiện nay và hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường
nếu đạt trọng lượng trên 400-500g/con sau khi nuôi 5-6 tháng.
Nguồn tin: Kinh tế nông thôn |