Chống bệnh héo rũ vi khuẩn bằng cách ghép ngọn
Bệnh héo rũ vi khuẩn (HRVK) được coi là rất nguy hiểm đối với
cây trồng nói chung và cây cà chua nói riêng. Bệnh có thể làm chết cây từ 20 -
30%, thậm chí có nơi bị nặng, tỷ lệ cây chết là 100%. Đã có nhiều nghiên cứu đưa
ra các biện pháp phòng chống bệnh này như: Sử dụng thuốc hoá học, dùng giống
kháng, luân canh cây trồng… tuy nhiên hiệu quả không cao, gây ô nhiễm môi
trường, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ năm 2002, nhóm nghiên cứu do Ngô Quang Vinh, Ngô Xuân Chinh
- Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam thực hiện việc ghép cà chua với cà tím hoặc một
giống cà chua khác có tính kháng bệnh HRVK.
Phương pháp ghép như sau: 2 mặt vát của gốc ghép (chống bệnh
HRVK) và ngọn ghép được áp vào nhau và ôm sát bằng một đoạn ống cao su. Tại xã
Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, trên diện tích 700m2, thí nghiệm
được thực hiện với 6 giống cà làm gốc ghép, bao gồm 4 giống cà tím: EG203, Mũi
Né, Kalenda, East-West, 1 giống cà chua HW96 và 1 giống cà cảnh. Giống cà chua
địa phương (Củ Chi) được sử dụng làm ngọn ghép. Tại thị trấn Liên Nghĩa, Đức
Trọng, Lâm Đồng, trên diện tích 1.500m2, ngoài 6 giống trên còn sử dụng 2 giống
cà chua F1 mới là: TI-ARC 128 và TI-ARC 130 làm gốc ghép. Giống cà chua 386 đang
trồng rộng rãi ở Lâm Đồng được sử dụng làm ngọn ghép.

Kết quả nghiên cứu từ 2002 - 2004 cho thấy: Tại Củ Chi, TP. Hồ
Chí Minh trên chân đất bị nhiễm nặng bệnh HRVK, ở diện tích đối chứng (không
ghép), tỷ lệ cây chết là 100%. Trong khi đó ở những diện tích có cây ghép, tỷ lệ
cây chết từ 0 - 19,5%. Đặc biệt gốc ghép là những giống cà tím: EG203, Mũi Né,
Kalenda có tỷ lệ cây chết rất thấp (tương ứng 0%, 4,2%, 6,2%). Trên những diện
tích có gốc ghép, năng suất cà chua đạt từ 17,0 - 22,0 tấn/ha. Tại Đức Trọng,
Lâm Đồng, thí nghiệm cũng thu được kết quả tương tự. Tỷ lệ chết của cà chua 386
ghép với cà tím EG203 là 0%, East-West 1,2% và các cặp ghép khác từ 2,6 - 10,6%.
Trong khi đó ở công thức đối chứng tỷ lệ chết là 82,2%. Cũng tại đây, năng suất
của giống cà chua 386 ghép đạt từ 41,4 - 56,0 tấn/ha.
Đặc biệt 2 gốc ghép là 2 giống cà chua TI-ARC 128 và TI-ARC 130
cho năng suất cao nhất (56,0 và 49,9 tấn/ha), trong khi đó ở khu đối chứng năng
suất chỉ đạt 9,6 tấn/ha. Tính theo thời giá năm 2003, thì bình quân 1 ha cà chua
ghép tại Lâm Đồng cho tăng thêm thu nhập 35 triệu đồng so với không ghép. Nhờ
tính hiệu quả cao của biện pháp nên đến tháng 9/2005, diện tích cà chua ghép ở
Lâm Đồng đã tăng lên 1.500 ha, kèm theo đó là 30 trại sản xuất cà chua ghép được
hình thành và phát triển.
Kỹ thuật ghép cà chua là biện pháp phòng chống bệnh HRVK không
dùng hoá chất, hiệu quả nhất hiện nay, có thể áp dụng được ở nhiều nơi. Biện
pháp này hiện đang được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản, Đài Loan… Từ tháng 8/2004,
biện pháp ghép cà chua chống bệnh HRVK đã được Hội đồng khoa học Bộ Nông
nghiệp-PTNT công nhận là TBKT.
Nguồn tin: NNVN |