Làm sao phòng bệnh gà rù
Bệnh Newcastle thực chất là bệnh dịch tả gà: Bệnh được
Perroncito phát hiện và mô tả đầu tiên ở ý năm 1878. Đây là bệnh nguy hiểm nhất
so với tất cả các bệnh của gà thả vườn, bệnh do virus thuộc nhóm Paramy-xovirus
gây ra. Gà bị bệnh này thường có các triệu chứng sau đây ở tất cả các lứa tuổi
gà:
- Gà tiêu chảy phân xanh, trắng.
- Gà lừ đừ, xà cánh (khoác áo tơi), thở khò khè, có dịch nhờn
chảy ra ở mũi và mắt, mồng, mào, tích bị tím tái.
- Gà đẻ giảm sản lượng trứng vỏ trứng mềm.
- Mổ khám gà thấy bệnh tích điển hình là xuất huyết đường ruột,
đặc biệt là dạ dày tuyến (cuống mề).
Tỷ lệ chết khi gà bị bệnh từ 50-90% tùy theo bầy sau 3-4 ngày ở
thể cấp tính. Những con không chết thì có triệu chứng thần kinh như mổ lung
tung, đi quay tròn...

Để phòng ngừa cho đàn gà không bị bệnh gà rù, người nuôi cần
thực hiện tốt các điểm chính sau:
1- Phòng ngừa bằng Vaccin theo đúng lịch trình cho đàn gà lúc
gà hoàn toàn khỏe mạnh.
- Đối với Vaccin sản xuất tại Việt Nam:
+ Lần 1 : Nhỏ mắt, mũi cho gà bằng vaccin hệ 2 lúc gà 3 ngày
tuổi.
+ Lần 2: Pha Vaccin Lasota cho gà uống lúc gà 18-21 ngày tuổi.
+ Lần 3: Tiêm dưới da gà bằng Vaccin hệ 1 lúc gà 2 tháng tuổi.
Sau 4-6 tháng thì tái chích lại 1 lần.
- Đối với Vaccin ngoại nhập (Pestos, Imopest...): bảo quản và
sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thí dụ loại Imopest.
+ Lần 1 (1 ngày tuổi) : chích 0,1 cc/con.
+ Lần 2 (8-10 ngày tuổi): Chích 0,3 cc/con.
+ Lần 3 (trước khi đẻ hai ba tuần): chích 0,3 cc/con.
2- Để Vaccin có hiệu lực, cần phải chấp hành đúng các hướng dẫn
khi pha chế, bảo quản và sử dụng Vaccin. Đặc biệt, phải tránh ánh nắng mặt trời
chiếu trực tiếp vào Vaccin. Nước dùng pha Vaccin phải sạch, không dùng nước
chua, phèn để pha cho gà uống.
3- Gà chết do bịnh cần phải đem chôn và xử lý kỹ. Không được
ném vứt xác gà, kể cả lông gà xương gà chết lung tung trên đất, xuống sông ngòi,
ao hồ để tránh lây nhiễm cho các đàn gà khác.
Nguồn tin: KS. NGUYỄN VĂN BẮC (Trại Vigova - Gò Vấp
) |