Vàng xanh của biển
Thực phẩm-thuốc

Theo tài liệu của Phân Viện Khoa học vật liệu tại Nha Trang,
rong biển là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh. Rong biển có
hàm lượng iode cao hơn so với các thực phẩm khác, kể cả các thực phẩm có nguồn
gốc từ biển.
Ngoài ra, rong biển rất giàu chất khoáng, chứa đến trên 20 loại
yếu tố vi lượng, 13-20 loại axit amin tự do -trong đó có nhiều loại cần thiết
cho cơ thể con người- cùng nhiều loại vitamine như A, B1, B2, B6, C, D, E,...
Rong biển còn có tác dụng nhuận trường, hấp thu các chất độc hại trong cơ thể
con người (đặc biệt là các kim loại nặng, các chất phóng xạ như chì, Carmi,
Arsenic, Stronti...) và được thải ra ngoài qua đường bài tiết. Vì vậy, rong biển
không chỉ là nguồn thực phẩm phòng chống suy dinh dưỡng, bướu cổ cho đồng bào
vùng cao mà còn rất cần cho người dân ở các đô thị, khu công nghiệp... Các loại
rau rong biển còn là món ăn tiện lợi cho cán bộ, chiến sĩ ở đảo xa, nơi không có
điều kiện trồng rau xanh.
Dùng rong biển làm thức ăn hàng ngày đã và đang phổ biến ở
nhiều nước, kể cả những nước có nền kinh tế phát triển. Ở nhiều vùng trên đất
Nhật, rong biển và thực phẩm chế biến từ nó đã trở thành món ăn hàng ngày không
thể thiếu của người dân. Ở nước ta, rong biển được dùng như rau, dưa hoặc chế
biến dưới dạng bột canh, bột dinh dưỡng, kẹo mềm, cốm…; tuy nhiên, số người dùng
chưa là bao.
Rong biển có khả năng hấp thu và tích lũy kim loại nặng từ môi
trường. Như vậy, ăn rong biển có thể lại đưa thêm kim loại nặng vào cơ thể? Ông
Huỳnh Quang Năng, phó phân viện trưởng Phân viện Khoa học vật liệu tại Nha
Trang, cho biết:
-Rong biển ở những khu vực ô nhiễm nặng không được dùng làm
thực phẩm trực tiếp, mà dùng làm nguyên liệu sản xuất keo rong biển, rất cần cho
nhiều ngành công nghiệp như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, công nghệ sinh học…
Còn rong biển dùng làm thực phẩm trực tiếp phải được khai thác ở những thủy vực
chưa bị nhiễm bẩn. Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Phân Viện khoa học vật
liệu tại Nha Trang, mức độ nhiễm bẩn kim loại nặng ở các thủy vực ven biển miền
Trung và miền Nam nước ta chưa đáng kể. Hàm lượng kim loại nặng trong các loại
rong ở những vùng biển nêu trên đạt tiêu chuẩn cho phép. Do đó, có thể yên tâm
khi dùng rong biển hoặc thực phẩm chế từ rong biển đang bán trên thị trường.
Phân bón và môi trường
Theo ông Huỳnh Quang Năng, rong biển chứa khá đầy đủ và với hàm
lượng cao các loại đường, chất khoáng đa lượng và vi lượng, các axit amin,
vitamin, các chất điều hoà sinh trưởng… nên có tác dụng kích thích sự phát triển
của cây. Ở nhiều nước, rong biển được dùng làm phân bón dưới hai dạng: trộn rong
biển theo một tỉ lệ thích hợp với các loại phân hữu cơ khác rồi bón vào gốc cây;
hoặc dùng chất chiết rút từ rong biển phun lên lá (phân bón lá).
Kết quả cho thấy: phân bón từ rong biển làm tăng khả năng nảy
mầm (số lượng nhiều và nhanh) của các loại hạt (lúa, rau, hoa…); tăng năng suất
và chất lượng các loại rau, hoa (lan, hướng dương…), cây có củ (khoai tây, củ
cải…), cây có quả (cam, chanh, cà chua, dứa, tiêu, dưa chuột, đậu…), ngũ cốc;
tăng khả năng chịu sương muối của cây (cà chua, ngũ cốc…), hạn chế sự phát triển
sâu bệnh và nấm ở cây; tăng khả năng hấp thụ các muối dinh dưỡng (N.P.K) từ đất
của cây, tăng hàm lượng N trong nông sản; kéo dài thời gian bảo quản và hạn chế
sự hư thối của các loại rau, quả… Rong biển còn chứa chất hữu cơ dạng keo nên có
tác dụng tăng độ xốp, giữ độ ẩm và màu cho đất.
Ở một số vùng duyên hải nước ta, nông dân dùng rong biển như
phân xanh, bón khoai lang, hành, tỏi, ớt… cho năng suất cao và hạn chế nước bốc
hơi từ đất. Ở Tây Nguyên, nhiều vùng cà phê thường bị rụng lá trong mùa khô hạn,
ảnh hưởng đến năng suất. Thí nghiệm cho thấy, dùng phân hữu cơ chế biến từ rong
biển bón gốc và phun lên lá cà phê có tác dụng hạn chế cây rụng lá. Việc dùng
phân hữu cơ từ rong biển bón cho cà phê, cao su, chè… chắc chắn sẽ đem lại hiệu
quả tốt, không những góp phần cải tạo thổ nhưỡng, tăng năng suất và chất lượng
nông sản mà còn không ảnh hưởng xấu tới môi trường. Ngoài ra, có thể dùng rong
biển làm vật chỉ thị sinh học để theo dõi độ nhiễm bẩn môi trường bởi các kim
loại nặng; hoặc dùng chúng như một chất hấp thụ sinh học để làm sạch nước thải ở
hồ nuôi tôm, vùng nước ven biển… Nghĩa là rong biển có thể góp phần làm cho nền
nông nghiệp sạch và bền vững.
100 triệu đồng/ ha/ năm
Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2002 của Bộ Nông
nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Phan Văn Khải tỏ ý không hài lòng
trước tình trạng bình quân đất nông nghiệp nước ta chỉ làm ra hơn 1.000 USD/ ha/
năm, thấp hơn mức 10.000 USD/ ha/ năm ở các nước. Trong khi đó, tại vùng biển
Phú Quốc (Kiên Giang), trồng rong sụn dự tính có thể đem lại doanh thu khoảng
100 triệu đồng/ ha/ năm.
Theo tài liệu khoa học, biển Việt Nam không phải là xứ sở của
rong sụn. Loài rong này được đưa từ Philippine về nước ta mới mấy năm nay. Trồng
rong sụn rất đơn giản, chỉ việc đóng cọc xuống biển, giăng dây rồi buộc giống và
không phải chăm bón gì cả. 1 ha cần khoảng 10 tấn giống, giá 500.000 đồng-
1.000.000 đồng/ tấn. Nếu điều kiện thuận lợi, sau 2 tháng sản lượng đạt khoảng
100 tấn/ ha; để lại 10 tấn làm giống, sẽ thu hoạch chừng 90 tấn rong tươi, tương
đương hơn 10 tấn rong khô, trị giá khoảng 50 triệu đồng. Mỗi năm có thể thu
hoạch từ 2-3 vụ như thế. Vì vậy, nhiều người nói trồng rong sụn "làm chơi ăn
thật", "một lời mười". Mặt khác, trồng rong sụn còn tận dụng được lao động nhàn
rỗi; người già, trẻ em, phụ nữ đều làm được. Mỗi ha rong có thể tạo việc làm cho
1-2 hộ, từ 5-10 người. Bởi thế, rong sụn còn được xem như "cây xoá đói giảm
nghèo".
Ông Huỳnh Quang Năng cho biết: Cuối năm 1999, dự án thử nghiệm
trồng rong sụn được triển khai tại vùng biển thuộc ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh,
huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Những gia đình tham gia trồng được hỗ trợ
dây ni- lông và rong giống. Sau một thời gian, thấy trồng rong sụn có lời, nhiều
hộ khác đã tiến hành trồng. Đến nay, ấp Bãi Vòng đã có 30 ha trồng rong sụn và
xu hướng diện tích sẽ mở rộng. Việc đánh bắt hải sản hiện nay không ổn định do
nguồn lợi cạn kiệt. Vì vậy, trồng rong sụn đã tạo ra chỗ dựa mới về kinh tế cho
ngư dân. Thời gian gần đây, đầu ra cho rong sụn khá thuận lợi. Nhiều thương nhân
trong và ngoài nước đã đến Phú Quốc tìm mua rong.
Công nghiệp rong biển
So với các loại keo chế biến từ rong biển như Aginat (từ rong
mơ), agar (từ rong câu) thì carrageenan chiết xuất từ rong sụn ngày càng được sử
dụng rộng rãi hơn. Carrageenan được dùng trong nhiều ngành công nghiệp quan
trọng như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt… Hiện nay trên thế giới, nhu cầu
carrageenan ngày càng nhiều. Ở nước ta, rong sụn chỉ thích hợp với điều kiện tự
nhiên ở các vùng biển phía nam từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu và Kiên Giang; đặc biệt
thuận lợi là ở Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, Kiên Giang… Diện tích có
thể nuôi trồng rong sụn ở các vùng này ước chừng khoảng 5.000 ha, với năng suất
10- 20 tấn rong khô/ ha/ vụ, mỗi năm có thể trồng bình quân 3 vụ. Đây là nguồn
nguyên liệu rất lớn cho công nghiệp chế biến rong biển.
Theo ông Huỳnh Quang Năng, đầu ra cho rong sụn rất khả quan.
Đơn cử, chỉ riêng Trung Quốc đã có khoảng 20 nhà máy sản xuất carrageenan, mà
điều kiện tự nhiên nước này lại không thích hợp với việc trồng rong sụn.
Những năm trước đây, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và một
số nước châu Âu thường nhập rong sụn chủ yếu từ Philippine, Indonesia. Thời gian
gần đây, các thương gia Trung Quốc, Nhật Bản đã tìm đến Việt Nam. Lý do: nước ta
có tiềm năng sản xuất nguyên liệu rong sụn, người dân cần cù, khoảng cách vận
chuyển gần hơn, tình hình chính trị- xã hội ổn định hơn. Tuy nhiên, theo ông
Huỳnh Quang Năng, công nghệ chế biến carrageenan ở nước ta chưa phát triển.
Do đó, để thúc đẩy nghề nuôi trồng rong sụn, trước mắt cần liên
doanh với các nhà đầu tư nước ngoài để sản xuất rong nguyên liệu và tiến tới đầu
tư xây dựng nhà máy chế biến carrageenan ở nước ta.
Nguồn tin: xuanhoanews.com |