Kinh nghiệm nuôi nhím của anh Phòng
Không khó khăn lắm khi tôi tìm đến nhà anh Đỗ Văn Phòng ở Tiên Hưng -
Đức Thắng - Hiệp Hoà - Bắc Giang vì ở đây ai cũng biết anh là một người chuyên
nuôi, cung cấp giống nhím và bán nhím thịt. Để nuôi được nhím thì theo anh cũng
cần phải chú ý đến một số vấn đề sau:
Chọn giống
Cần phải chọn những con to khoẻ, nhanh nhẹn, không bệnh tật. Để
nuôi nhím cho năng suất cao thì phải nuôi ghép đôi một đực, một cái là tốt nhất.
Tuy nhiên nếu thiếu con đực thì có thể ghép hai cái với một đực. Anh cho biết
cách chọn đực cái như sau: Nếu là nhím trưởng thành thì con đực có mỏ dài, đầu
nhọn thân hình thon dài, đuôi dài hơn con cái, dưới háng có hai dịch hoàn và
dương vật nhô ra phía trước bụng. Nhím cái có mỏ ngắn, đầu hơi tròn, thân ngắn
mập hơn con đực, dưới bụng có hai hàng vú nổi rõ. Nếu nhím còn nhỏ thì công việc
chọn đực cái bằng cách: Để ngửa con nhím dùng hai ngón tay cái vạch lỗ sinh dục
ra nếu thấy có gai giao cấu thì đấy là con đực, còn nếu không thấy gai giao cấu
là con cái. Cần phải quan sát kỹ vì gai giao cấu hơi nhỏ.
Chuồng trại
Theo anh thì chuồng trại phải cao ráo, sạch sẽ, ấm áp về mùa
đông, thoáng mát về mùa hè, chuồng cần làm nửa sáng, nửa tối. Nền chuồng có độ
dốc vừa phải, cần phải lát bằng gạch hoặc đổ bê-tông dày khoảng 5-7 cm để không
cho nhím đào nền chui ra ngoài. Hệ thống cống rãnh được thiết kế phía sau chuồng
nuôi. Mỗi một ô chuồng cần 2m2 (cho 2 con) có chiều rộng 1m, dài 2m, giữa hai ô
chuồng có tường cao khoảng 20-30 cm (để tránh cho nhím ở hai chuồng cắn chân
nhau) sau đó chăng lưới thép B40 lên trên tường cao khoảng 1- 1,5m. Phía trước
có cửa để hàng ngày đi vào dọn vệ sinh. Trong tự nhiên nhím hay ở trong hang nên
trong chuồng cần tạo ra một cái hang nhân tạo (có thể dùng tấm đan bê tông hoặc
tấm ngói Fibrô-ximăng) để cho nhím chui vào đó.
Chăm sóc nuôi dưỡng
Trung bình nhím tăng được khoảng gần 1kg/tháng, nuôi trong vòng
9-10 tháng nhím đạt khoảng 8-10kg thì bắt đầu sinh sản. Khi nhím được 7-8 tháng
tuổi anh thả con đực vào nuôi cùng con cái (nếu chưa ghép đôi) để đến thời điểm
sinh sản chúng có thể giao phối được. Nhím cái động dục khoảng 2 ngày và thời
gian mang thai là 3 tháng (90-94 ngày) một lứa nhím đẻ 1-3 con, thường là 2 con.
Sau khi đẻ 3 ngày là nhím mẹ lại động dục trở lại tiếp tục cho chu kỳ sinh sản
tiếp theo. Để bảo toàn cho nhím con thì sau khi phối giống tách nhím bố ra khỏi
đàn con tránh hiện tượng nhím bố cắn chết nhím con. Sau 2-2.5 tháng (lúc cai sữa
nhím con) thì lại thả nhím bố vào nuôi cùng nhím mẹ.
Trong thời gian nhím mẹ nuôi con, anh bổ sung thêm các loại
thức ăn giàu chất dinh dưỡng như: Thóc, ngô, đỗ tương… để tăng khả năng tiết sữa
của nhím mẹ và đủ dinh dưỡng nuôi thai.
Bổ sung thường xuyên một vài mẩu xương to cứng, ngoài ra anh
cũng có thể dùng sắt, hoặc hòn đá liếm của trâu bò để nhím mài răng nhưng tốt
nhất vẫn là xương của trâu bò. Bổ sung cho nhím đực thóc mầm, rễ cây các loại để
kích thích nhím đực phối giống.
Hàng ngày cho nhím ăn tự do, không hạn chế các loại rau, củ,
quả hạt ngoài ra cần bổ sung thêm thức ăn tinh khác.
Phòng và điều trị bệnh cho Nhím
Theo kinh nghiệm nuôi nhím lâu năm của anh Phòng thì nhím rất
ít bệnh, chủ yếu là bệnh đường ruột và bệnh ngoài da. Nếu nhím mắc bệnh đường
ruột thì anh bổ sung vào thức ăn thuốc chữa đi ỉa và cho ăn thêm thức ăn chát,
đắng như lá ổi xanh, rễ dừa... Còn trường hợp nhím mắc bệnh ngoài da anh dùng
thuốc ghẻ của gia súc để bôi, để hạn chế bệnh này thì cần phải vệ sinh chuồng
trài sạch sẽ, hàng ngày hót sạch phân, chuồng trại luôn khô ráo.
Nguồn tin: Nguyễn Hải Lý Báo nông
nghiệp |