Ghép chồi để nâng cao chất lượng cà phê
Theo một điều tra tại các vườn cà phê vối tại tỉnh Đăk Lăk cho
thấy, tỉ lệ vườn cà phê đạt tiêu chuẩn loại A chỉ chiếm 30%, trong 1ha vườn cà
phê có tới 30- 35% số cây cho năng suất rất thấp, cần phải loại bỏ. Để thay thế
các vườn cà phê này, người trồng phải đốn bỏ để trồng lại cây mới. Việc làm này
rất tốn kém mà hiệu quả kỹ thuật không cao, phải đợi 3 năm sau mới cho thu hoạch
và các cây cà phê trồng lại rất dễ bị bệnh thối rễ, còi cọc hoặc chết.
Để khắc phục tình trạng trên và giúp nâng cao năng suất cây cà phê vối,
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu và đưa vào áp dụng
phương pháp ghép chồi, cải tạo vườn cây bằng cách chọn những cây cà phê cho năng
suất quá thấp, cưa ngang gốc rồi ghép bằng các dòng cà phê cao sản chất lượng
tốt. Kỹ thuật ghép chồi gồm các bước: Chọn lọc cây cà phê đầu dòng, điều tra xác
định cây cần cải tạo, xây dựng vườn sản xuất cây ghép và vườn nhân chồi dòng
chọn lọc.
Sau một năm áp dụng phương pháp này tại một số vùng trồng cà
phê trọng điểm ở Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng... có đến 80% số cây ghép đạt chiều
cao hãm ngọn 1,2m và đến năm thứ 2 đã cho quả. Nếu so với thực sinh trồng bằng
hạt cùng thời điểm thì sinh trưởng của cây cà phê ghép tăng từ 30- 50% về chiều
cao, cũng như về số cặp cành và đường kính gốc. Những giống cây mới có ưu điểm
cho năng suất cao kháng được bệnh rỉ sắt và kích cỡ hạt cải thiện rõ rệt, cao
hơn các giống cũ trồng bằng hạt từ 20- 60%. Kỹ thuật ghép chồi trên cà phê vối
dễ thực hiện, mức độ thành công cao, thay cho các cây cà phê bị bệnh rỉ sắt cho
kết quả tốt.
Sử dụng phương pháp cải tạo này, năng suất cà phê bình quân
tăng 0,5 tấn nhân/ha/năm, đồng thời tiết kiệm chi phí sử dụng thuốc trừ sâu
bệnh, kích cỡ hạt được cải thiện, cà phê loại A chiếm tỉ lệ cao, góp phần tăng
năng suất đáng kể mà không cần mở rộng diện tích trồng.
Nguồn tin: NTNN |