Sử dụng chất thải biogas để trồng chè sạch
Ngoài ưu điểm năng suất tăng, chi phí giảm, điều đặc biệt là trồng chè
theo công thức sử dụng chất thải tận dụng của bể biogas còn làm giảm lượng thuốc
BVTV xuống khoảng 60%. Đây chính là ưu điểm của dự án bởi hiện nay vấn đề thuốc
trừ sâu, phân hóa học là vấn đề nan giải nhất của ngành chè. Tân Cương là vùng
chè nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên cũng như của cả nước về chất lượng, nhưng
cũng từng nhiều bận lao đao vì hiện tượng chè sụt giá, "chè bẩn"- không an toàn.
Thế nhưng từ ngày tham gia dự án SNV (chương trình phát triển
Hà Lan) với mục đích sử dụng chất thải của bể biogas để chăm bón cho chè thì
những mối lo trên đã cơ bản được xóa bỏ. Nhà anh Phạm Văn Tiến xóm Hồng Thái
(Tân Cương, Thái Nguyên) hôm nay nhộn nhịp hẳn vì cánh tư thương từ dưới thành
phố lên cất chè. Từ hồi được dự án hỗ trợ một phần tiền để xây dựng bể biogas và
hệ thống tưới tự động thì gia đình anh đã thực sự đổi đời. Trước đây nhà anh
Tiến một năm nuôi từ 1-1,5 tấn lợn hơi nên vấn đề ô nhiễm môi trường do chất
thải của gia súc và của người đã trở nên hết sức trầm trọng. Có bể biogas, chất
thải được thu gom, xử lý triệt để.
Hơn thế khí phát sinh dùng để nấu bếp rất tốt đã giúp gia đình
anh Tiến tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ trước đây giành cho việc mua
củi, chất đốt. Không những giúp gia đình anh Tiến giải quyết triệt để được mối
lo ô nhiễm môi trường, giúp tận dụng khí thải để đun nấu, công trình biogas còn
cung cấp một lượng bã thải, nước thải lớn, rất tiện cho việc tưới, bón cho chè.
Vì thế mà lượng phân hóa học, thuốc BVTV cũng bớt hẳn. Đặc biệt chất lượng, năng
suất của chè cũng tăng lên thấy rõ.
Anh Tiến cho biết: "Nhà tôi có 9 sào chè mỗi năm thu hái 9-10
lứa chè, mỗi lứa được chừng 170-200 kg chè khô. Trước đây, do lo ngại dư lượng
phân hóa học, thuốc trừ sâu nên chè Tân Cương nổi tiếng là thế mà chỉ bán được
30-40.000 đ/kg, nay thì chè đạt tiêu chuẩn an toàn, bán 70-80.000 đ/kg, có bao
nhiêu thương lái cũng mua hết. Cộng cả thu nhập từ chăn nuôi và trồng chè, gia
đình tôi thu được 60 triệu đồng/năm trong đó thực lãi được khoảng hơn 20 triệu.
Dự án đã tiến hành được 2 năm nay và sẽ kết thúc vào năm 2007, hiện đã xây dựng
được 1.300 mô hình. Mỗi công trình SNV hỗ trợ 1 triệu đồng để xây bể và làm
đường ống tưới.
Phần còn lại của công trình chừng 4-5 triệu chủ hộ phải bỏ ra.
Lúc đầu những người dân tham gia vào dự án còn nhiều băn khoăn nhưng nay do đã
hiểu biết được những ích lợi của việc kết hợp công trình biogas để chăm bón cho
chè thì chính họ lại là người hăng hái, chủ động nhất. Trong quá trình sử dụng
bã thải của bể biogas để bón, tưới cho chè người nông dân luôn được các cán bộ
khuyến nông, cán bộ dự án SNV hướng dẫn tỷ mỉ kỹ thuật chăm sóc, thu hái sao cho
khoa học. Chính vì vậy, tuy lượng phân vô cơ giảm 70% nhưng năng suất chè lại
tăng lên 20-30%, chất lượng chè tăng, cho nên giá thành của sản phẩm bán ra cao
hơn cũ rất nhiều.
Nguồn tin: NNVN |