Biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc- gia cầm
Các biện pháp đó là:
1. Phòng bệnh bằng vệ sinh tiêu độc:
Đây là biện pháp tiên quyết, có thực hiện tốt biện pháp này thì
vật nuôi mới sung mãn và các biện pháp kế tiếp mới phát huy tác dụng. Nội dung của biện pháp này là thực
hiện 3 sạch: Ăn sạch, ở sạch, uống sạch.
- Ăn sạch: Cho ăn thức ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, cho ăn
đúng khẩu phần định lượng theo từng độ tuổi sinh trưởng phát triển của vật nuôi.
Thức ăn phải luôn mới, không bị ôi, thiu, không nhiễm nấm mốc, nhiễm độc. Cho ăn
bữa nào hết bữa đó, không để thức ăn dư thừa, lưu trữ trong máng, phải rửa sạch
máng ăn hàng ngày.
- Uống sạch: Cho uống nước sạch, mát. Nước không bị nhiễm phèn,
mặn và kim loại nặng. Tốt nhất là sử dụng nước máy, nước mưa. Nếu phải sử dụng
nước cây, nước đìa phải lắng phèn và xử lý bằng Chlorin B. Nên sử dụng máng uống
chuyên dụng hoặc vòi uống tự động. Mỗi lần thay nước mới phải rửa sạch sẽ máng
uống.
- ở sạch: Hàng ngày phải dọn dẹp phân, chất thải gom vào hố ủ
(hoặc hầm Biogas). Tắm heo, rửa chuồng để giảm thiểu khí độc, bụi trong chuồng
nuôi; định kỳ khai thông cống rãnh, sát trùng tiêu độc bằng hoá chất: Biodin,
Vikon hoặc Chlorin B... để giảm thiểu mật số vi sinh vật, ký sinh trùng gây
bệnh. Giữ cho chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát nhưng tránh mưa tạt, gió lùa.
Đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho từng loại vật nuôi.
2. Biện pháp ngừa bằng hoá dược:
Định kỳ bổ sung vào thức ăn nước uống kháng sinh, sinh tố tổng hợp để
nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi những khi có nguy cơ bị stress cao (Chuyển
chuồng, tách bầy, tiêm phòng...). Các loại kháng sinh có thể dùng là: Ampicoli
hoặc Coli tetravet, Tiacomplex... Định kỳ tẩy sên, ký sinh trùng ngoài da cho
vật nuôi.
3. Phòng ngừa bằng Vaccin:
Để biện pháp tiêm chủng Vaccin phát huy được hiệu lực cần lưu ý
những vấn đề sau:
- Ưu tiên bắt buộc tiêm chủng vaccin đối với những bệnh do
virus gây ra (những bệnh này không có thuốc đặc hiệu).
- Tiêm phòng đầy đủ vaccin đối với những bệnh thường xảy ra ở
trong vùng.
- Tiêm ngừa đúng độ tuổi của vật nuôi, chỉ tiêm ngừa khi gia
súc, gia cầm thật sự khoẻ mạnh, sung mãn.
- Đối với vật non, sau khi tiêm lần đầu thì 2-4 tuần sau phải
tiêm lặp lại lần thứ 2 để nâng cao và kéo dài tính miễn dịch.
- Phải tiêm đúng liều quy định đối với từng loại vaccin. Không
tiêm dưới liều hoặc trên liều vừa không phát huy hiệu lực vừa gây lãng phí.
- Phải kiểm tra chai vaccin trước khi sử dụng. Chỉ dùng những
chai vaccin còn đầy đủ nhãn mác, còn trong hạn sử dụng và màu sắc, đặc tính vật
lý đúng với từng loại vaccin.
- Đối với vaccin dạng đông khô khi pha phải pha đúng loại nước
pha quy định.
- Sau khi tiêm ngừa xong phải ghi chép lại ngày chích, loại
vaccin, số lô và ngày tháng sản xuất, hạn dùng của loại thuốc. Phải kiểm tra vật
nuôi để can thiệp kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Đỗ Kháng (Trung tâm khuyến nông Kiên Giang) |