"Biết làm thì lợn nuôi, không biết làm thì mình nuôi lợn"
"Biết làm thì lợn nuôi, không biết làm thì mình nuôi lợn", chị Vũ Thị Quế, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) đã thổ lộ như vậy…
Đất nhà chị rộng nhưng không trồng được hoa màu vì chuột phá phách. Nguồn thu nhập chính của gia đình 5 miệng ăn vẫn trông vào vài sào ruộng khoán và cái chuồng lợn rộng 6m2. Tích góp dần, chị cũng có số vốn để tăng đàn lợn lên 7-9 con/lứa. Tuy thức ăn cho lợn chỉ là tận dụng thức ăn thừa, cây chuối, bèo tây... nhưng sau 3-4 tháng, mỗi con chị cũng lãi từ 100-200 nghìn đồng. "Nếu nhà mình nuôi nhiều lợn, chịu khó nhặt, ắt có ngày chặt bị" -chị bàn bạc với chồng. Vậy là 2 vợ chồng nhất trí "cắm" sổ đỏ, vay vốn ngân hàng, đầu tư xây dựng chuồng trại, mua lợn giống mở rộng quy mô chăn nuôi.
Hơn 200m2 đất ven luỹ bấy lâu bỏ hoang vì nạn chuột được anh chị cải tạo lại để xây dựng 12 ô chuồng và 1 nhà kho làm nơi dự trữ và chế biến thức ăn cho lợn. "Quá tự tin với kế hoạch của mình, ngay lứa đầu tiên, tôi quyết định nuôi gần 100 con lợn thịt"- chị nhớ lại. Nhưng lứa lợn ấy đã không thành công như kế hoạch của chị, ngược lại, nó làm vợ chồng chị gần như "khuynh gia bại sản". Đầu tư một lúc hàng trăm triệu đồng để làm chuồng trại, mua giống, thức ăn nhưng gần 4 tháng sau chị mới có thu nhập. Hơn nữa, do nhập ồ ạt hàng trăm con lợn giống, không chọn lọc kỹ nên số lợn bị bệnh, còi cọc, chết dịch cũng làm chị "cụt" 1/3 số vốn. Những con khoẻ thì tỷ lệ mỡ nhiều, khó tiêu thụ. Cũng thời điểm này, dịch "lở mồm long móng" xuất hiện càng làm chị hoang mang. Chị phải bán tống, bán tháo cả đàn lợn với cái giá "bán như cho".
"Điêu đứng vì lợn, nếm đủ mùi cay đắng khi phải ôm nợ, tôi càng quyết tâm bằng mọi giá phải thu lại khoản tiền đã mất"- chị tâm sự. Giao lại việc nhà cho chồng con, chị ngược xuôi sang Thái Bình, lên Hải Dương, Hưng Yên, tìm đến những trang trại chăn nuôi lợn có tiếng ở Hải Phòng để tìm hiểu kinh nghiệm. Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, gần này, chị mua lợn giống thành nhiều đợt kế tiếp nhau. Mỗi đợt cách nhau 20-30 ngày. Bởi vậy, vốn quay vòng của chị nhiều hơn, có thể bóc ngắn nuôi dài. Chị cũng khắt khe hơn trong khâu chọn giống. Nghe đâu có lợn giống nguồn gốc tốt, đạt tiêu chuẩn nạc cao, chị mua về gây nái để chủ động hoàn toàn về giống.
Sau 1 năm, trang trại của chị không phải nhập giống từ bên ngoài. Chị cũng thuê cán bộ thú y tiêm phòng định kỳ cho đàn lợn, hạn chế dịch bệnh. Chế độ ăn uống của chúng cũng được chị nghiên cứu kỹ để hạn chế lãng phí. Cuối cùng thì bài toán "đầu ra, đầu vào, phát triển đàn lợn đã được chị tìm ra lời giải. Chị cho biết: "Đối với lợn lai nội địa, nếu chăn nuôi 100% theo phương pháp công nghiệp thì chỉ còn cách "treo cổ người nuôi" vì giá thành sản phẩm cao. Để hạ giá thành, tôi mua ngô, cám, cá biển, đậu tương khô sẵn có ở địa phương về tự chế biến và chỉ kết hợp cho lợn ăn một phần thức ăn công nghiệp. Nhờ đó, giá đầu tư giảm từ 300-500 đồng/kg. Khi giá lợn hơi trên thị trường xuống đến mức thấp nhất khoảng 8.000 đồng/kg, mình vẫn thu lãi 1.000 đồng/kg".
Tính toán cẩn thận từng khâu, nên trong những năm 2001-2002, mỗi tháng trại lợn của chị bán ra thị trường từ 1,5- 2 tấn lợn. Bình quân mỗi năm hơn 20 tấn, trừ chi phí, chị lãi từ 30-35 triệu đồng. Cũng trong năm 2001, chị đưa vào nuôi thí điểm giống lợn nái siêu nạc để thăm dò thị trường và tìm đầu mối xuất khẩu. Ngay trong năm đó chị đã xuất hơn 3 tấn lợn hướng nạc ra thị trường nước ngoài...
Nắm bắt được nhu cầu lợn hướng nạc xuất khẩu của thị trường, chị nâng cấp trang trại, chuyển sang nuôi toàn lợn hướng nạc. Trong 8 tháng đầu năm 2004, chị bán ra thị trường hơn 70 tấn lợn hơi, thu lãi 120 triệu đồng. Qua "kênh" bán hàng của chị, nhiều ND ở Xuân Trường và các huyện lân cận đã tìm được "đầu ra" để phát triển đàn lợn. Chị Quế tâm sự: "Mục tiêu của tôi những năm tới là mở rộng quy mô chăn nuôi, đưa vào sản xuất những con giống chất lượng cao. Để làm được, tôi rất mong được hợp tác với các ngành, được trợ giúp thường xuyên về thông tin giá cả thị trường, tránh bị tư thương ép giá".
Theo Xuân Mai (Báo nông thôn) |