Quản lý cỏ dại tổng hợp vụ lúa ĐX
Cỏ dại có tác hại rất lớn trên ruộng lúa vì: Cạnh tranh dinh dưỡng,
nước, ánh sáng với cây lúa, là nơi cư trú và là nguồn thức ăn của sâu bệnh. Cỏ
dại làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm (gạo xuất khẩu có lẫn hạt cỏ sẽ bị
loại ngay). Sau đây là các biện pháp cần thực hiện:
1. Loại bỏ hạt cỏ trong nguồn giống gieo sạ:
- Sử dụng giống không có lẫn hạt cỏ: Giống nông dân tự để nhưng
có chuẩn bị kỹ từ vụ trước, trong ô ruộng giống đã tiến hành khử lẫn triệt để,
cắt gặt, phơi hết sức cẩn thận không để bị lẫn cơ giới;
- Dùng giống xác nhận: Mua ở các trung tâm hay viện, trường
hoặc những nơi sản xuất giống có uy tín để gieo sạ. Hạt giống xác nhận phải đạt
không quá 10 hạt cỏ dại trong 1 kg hạt giống;
- Loại bỏ hạt cỏ còn sót lại trước khi gieo sạ: Trước khi ngâm
ủ, cần sàng sảy lại để loại bỏ hạt cỏ hoặc đãi trong nước nhiều lần để loại hạt
cỏ và những hạt lúa lép, lửng. Nếu số hạt cỏ hơi nhiều >10 hạt/kg hạt giống
thì nên tiến hành đãi bằng dung dịch nước muối 15% cách làm như sau:
Cách loại hạt cỏ gạo (lồng vực) và loại lép lửng bằng dung dịch
nước muối:
Do đặc điểm của hạt cỏ có lớp vỏ kitin chậm hút nước hơn lúa
nên có thể sử dụng biện pháp sau: Lúa giống ngâm nước sạch 24-36 giờ (lúa đã no
nước) hạt cỏ thì chưa. Pha dung dịch nước muối có tỷ trọng = 1,13 xử lý giống sẽ
loại bỏ toàn bộ hạt lép lửng và hạt cỏ gạo. Phương pháp tiến hành:
- Cân 1,5 kg muối tốt, hòa tan trong 10 lít nước sạch, khuấy
mạnh cho tan hết muối; thả 1 quả trứng gà mới đẻ nếu quả trứng nổi lập lờ là đạt
yêu cầu, nếu trứng nổi hẳn thì tỷ trọng quá cao cần thêm nước, nếu quả trứng
chìm trong nước là thiếu muối cần thêm muối.
- Một thể tích lúa giống cần 3 thể tích dung dịch muối đã pha.
- Xử lý nhanh sau đó đem lúa giống đãi với nước sạch nhiều lần
(cho hết muối) mới đem đi ủ.
- Sau mỗi lần xử lý cần thêm 5% tổng lượng muối đã hòa để làm
tiếp hoặc thử trứng lại lần nữa.
2. Áp dụng biện pháp làm đất diệt cỏ và dùng nước ém cỏ.
+ Ruộng khô bơm nước vào, ruộng ngập thì rút nước ra nhử cỏ mọc
lên cao 5-10cm, cày vùi lấp toàn bộ cỏ sau đó bừa trục kỹ mới gieo sạ lúa.
+ Ở ruộng cấy, sau khi cấy xong đưa nước vào ngập ruộng 5cm ém
cỏ rất tốt.
3. Biện pháp thủ công: Nguyên tắc quan trọng là phải diệt cỏ
sớm không để cỏ cạnh tranh với lúa. Nên áp dụng sạ hàng sẽ dễ dàng khử lẫn. Thăm
đồng thường xuyên, mỗi lần ra đồng nên đeo theo một cái bao tải hoặc bao xác rắn
(vỏ bao phân urê) + cái liềm + cái cuốc để diệt cỏ trên ruộng, ven bờ, trong
kênh mương, cắt các bông cỏ còn sót trên ruộng, không để cỏ kết hạt và rơi rụng
là tai họa cho vụ sau.
Đặc biệt cần quan tâm đến ruộng để giống cho vụ sau: Cần quy
hoạch 1/20 diện tích để làm giống cho vụ sau. Chọn ruộng có mặt bằng tốt, gần
nhà, tiện đi lại, chăm sóc, khử lẫn triệt để từ giai đoạn lúa đẻ nhánh, loại bỏ
những bụi cỏ hoặc bụi lúa có hình dạng hay màu sắc bất thường như cây cao hơn
hoặc thấp hơn, xanh đậm hay lợt hơn, gốc tím, … cắt bỏ những bông lúa có râu, vỏ
trấu tối màu, lức đỏ vì đây là những cây lúa cỏ sẽ rụng sớm và lưu tồn cho vụ
sau.
4. Luân canh cây trồng cạn nên bố trí chen vào giữa 2 vụ lúa là
một vụ màu: Bắp, rau, đậu…. để cắt đứt chu kỳ của một số loại cỏ dại quan trọng.
5. Áp dụng biện pháp hóa học là chủ yếu (cần xịt 2 lần):
Nông dân ĐBSCL trồng lúa với diện tích lớn, không đủ công lao
động để nhổ cỏ bằng tay kịp thời, hơn nữa nếu để cỏ lên cao mới nhổ thì thiệt
hại rất lớn do vậy trong quản lý tổng hợp cỏ dại thì biện pháp hóa học được xem
là chủ lực.
Xịt đợt 1: Nên dùng các loại thuốc trừ cỏ sớm (tiền nảy mầm,
hậu nảy mầm sớm) để trị cỏ trong vòng 10 ngày đầu đây là đợt phun xịt diệt cỏ
quan trọng nhất (chủ lực)
Xịt đợt 2: Từ 10-16 ngày quan sát trên ruộng lúa nếu còn cỏ
(xịt sót, tái sinh) xịt vét đợt 2 bằng một số loại thuốc hậu nảy mầm như Facet,
Clincher, Whip’s… để diệt luôn cỏ lá rộng sử dụng hỗn hợp Clincher + SunRice có
hiệu quả cao.
Nguyên tắc quan trọng của việc sử dụng thuốc trừ cỏ là theo 4
đúng, tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn kỹ thuật của nhà sản xuất mới có hiệu
quả cao.
Diễn đàn Khuyến nông @ Công nghệ.
Nguồn tin: NNVN
|