Kinh nghiệm thâm canh mạ xuân sớm
Chọn hạt mẩy:
Có tác dụng làm cho các dảnh mạ đồng
đều, lúa đẻ nhánh, trỗ, chín tập trung, tăng năng suất thêm 7-10%. Dùng phương
pháp tỷ trọng để loại trừ hạt lửng, hạt lép, cách làm đơn giản như sau: Lấy bùn
ao pha loãng với nước cho vào thùng nhựa, chum vại có dung tích khoảng 20-30
lít. Dùng quả trứng gà tươi làm dụng cụ đo tỷ trọng, khi nào thấy quả trứng nổi
nằm ngang lập lờ trên mặt nước, phần nổi bằng khoảng đồng xu kim loại là vừa
(nếu trứng chìm cần cho thêm bùn, ngược lại trứng nổi nhiều cần cho thêm nước),
khi đó ta đổ thóc giống vào, các hạt chắc mẩy chìm xuống đáy giữ lại, hạt lửng,
hạt lép nổi lên trên mặt nước, vớt bỏ.
Khử trùng hạt giống:
Dùng nước vôi trong 2-3% ngâm thóc trong 10-12 giờ để diệt mầm
bệnh von, bệnh thối mộng mạ. Cách làm như sau: Lấy 0,2-0,3 kg vôi cục hoặc
0,3-0,5 kg vôi tôi (chú ý là vôi mới tôi khoảng 30-40 ngày trở lại mới có giá
trị diệt mầm bệnh) hoà trong 10 lít (kg) nước sạch, lọc lấy 6-7 kg nước vôi
trong, ngâm được 6-7 kg thóc giống trong 10-12 giờ. Vớt thóc ra đãi sạch nước
vôi, tiếp tục ngâm thêm nước lã sạch trong 60 giờ, ngày thay nước 2 lần (ngâm cả
nước vôi và nước lã là 72 giờ). Đãi sạch, đem ủ ấm trong nhiệt độ 28-32 độ C
trong 30-40 giờ là hạt nảy mầm.
Chọn đất gieo mạ: Chọn loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, chân
vàn đến vàn thấp, chủ động tưới tiêu, khuất gió bắc. Nếu là chân đất lúa thì cần
cắt hết rạ, cày, bừa ngâm nước cho thối hết gốc rạ và hạt thóc rụng. Tỷ lệ đất
mạ so với đất lúa là 1/7-1/9 (một sào mạ cấy 7-9 sào lúa).
Bón lót cho 1 sào mạ: 5 tạ phân chuồng hoai mục trước khi bừa
lần cuối, bón lót mặt 15-20 kg supe lân+3 kg đạm ure+3kg kali clorua trước khi
trang luống mạ. Chia luống rộng 1,2-1,5 m theo chiều rút nước của ruộng, trang
phẳng mặt luống sao cho không đọng nước ở mặt luống.
Gieo: Lượng gieo tính cho 1 sào Bắc bộ, đất tốt gieo 4-4,5 kg
hạt giống mẩy (tương đương với 4,5-5,0 kg thóc giống chưa xử lý loại bỏ hạt lép
lửng). Đất xấu 4,5-5,5 kg hạt giống mẩy (tương đương với 5,5-6 kg thóc chưa xử
lý). Gieo làm hai ba lần cho đều mộng mạ trên mặt luống mạ. Nên gieo vào buổi
sáng, sau khi gieo nên tháo cạn nước cho mạ ngồi được thuận lợi.
Chăm sóc: Phun thuốc trừ cỏ dại, dùng thuốc trừ cỏ Sofit với
lượng 35ml pha vào 10 lít nước phun đều cho 1 sào mạ vào ngày thứ 2 sau khi
gieo. Cần phun toàn bộ ruộng mạ kể cả rãnh để diệt triệt để cỏ lồng vực và các
loại cỏ khác trong ruộng mạ.
Bón phân thúc cho mạ: Mạ được 2,1 lá bón thúc lần 1 với lượng
bón 3 kg đạm urê+3 kg kali clorua cho 1 sào mạ, mạ được 4,1 lá bón thúc tiếp 4
kg urê+1 kg kali, sau lần bón này mạ đồng loạt đẻ nhánh, khi mạ ra 6,1 lá thật
thúc lần cuối bằng 2 kg urê. Chú ý chỉ bón đạm thúc cho mạ khi nhiệt độ ngoài
trời >15 độ C.
Tưới nước: Sau khi bón thúc lần 1 đưa nước vào ruộng mạ láng
qua mặt ruộng. Sau khi bón thúc lần 2 đưa nước ngập 1/5-1/4 chiều cao cây mạ và
luôn giữ đủ nước để ruộng mạ mềm bùn. Ruộng mạ tốt là khi trời trở rét đậm (cuối
tháng 12 đầu tháng 1), cây mạ sinh từ 1 hạt thóc ra đã có 4-6 nhánh, cứng cây lá
dày xanh, bộ rễ phát triển mạnh và đang trong thời kỳ tiếp tục đẻ nhánh. Số lá
trên thân chính đạt 6-6,5 để khi cấy có từ 7,5-8 lá, với số nhánh trung bình là
6-7 nhánh.
Khi cấy, nhổ mạ rửa qua bùn, xếp nhẹ nhàng lên quang gánh tránh
làm dập thân cây, cấy mỗi khóm 1 dảnh cái (mọc từ 1 hạt thóc) có từ 5-7 dảnh
con.
Chú ý: Chỉ bón phân đạm thúc khi nhiệt độ ngoài trời >15 độ
C để tránh mạ bị chột khi gặp rét đậm.
Nguồn tin: NNVN |