Ốc hại cây trồng và biện pháp IPM
Tại vùng ĐBSCL có 3 loài ốc gây hại cây trồng thường xuyên với mật số cao, hình dạng, kích thước, màu sắc rất giống nhau, thật khó phân biệt. Đó là ốc bươu vàng (OBV), ốc bươu và ốc lác thường sống ở nơi có nước ngọt chảy chậm như sông, hồ, kinh rạch hoặc những nơi nước tù đọng như đầm lầy, lung bàu, ao tù… và đặc biệt trong ruộng lúa nước.
Hai loài ốc bươu và ốc lác thường sinh sản tập trung trong mùa mưa sau một thời kỳ chúng vùi mình trong đất. Ở vùng châu Á nhiệt đới, OBV sinh sản quanh năm. Con cái của ba loài này có thể giữ tinh trùng trong cơ quan sinh sản đến vài tháng sau khi giao phối, nhờ vậy chúng vẫn có thể đẻ trứng hữu thụ; mặc dù không giao phối trong thời gian này.
Kết quả nghiên cứu về khả năng sống sót của OBV trong điều kiện khô hạn cho thấy, chúng tồn tại khi mặt đất bị khô hạn với tỉ lệ sống sót từ 36-43% ở độ sâu 3,5-4,5 cm. Việc đốt rơm rạ họặc rải tro 100-800 g/m2 ở 5 ngày sau sạ có thể giết chết 26-98 % OBV tuổi còn nhỏ. Giữa ba loài ốc trên, người trồng lúa lo ngại nhất là OBV. Do đó, sau mùa nước lũ OBV có cơ hội lây lan và gây hại trên diện rộng.
OBV thích nhất là lá thức ăn gia súc Trichanthera gegantea, lá đu đủ, rau trai và rau mác non. OBV phát triển chậm khi ăn bằng lúa non so với các nhóm thức ăn khác.
Một số biện pháp IPM:
+Biện pháp canh tác:
- Sau thu họach cần làm đất kỹ, có thể đốt rơm rạ hoặc bón thêm tro bếp.
- Trước khi xuống giống, đánh rãnh để ốc tập trung, xử lý bằng vôi bột 50-100 kg/1000 m2.
- Áp dụng biện pháp sạ hàng, nếu lúa cấy sử dụng mạ đứng tuổi 25-30 ngày.
- Bón lót phân NPK 16-16-8 hoặc 20-20-15 với liều lượng tùy theo loại đất, kết hợp rút mực nước ruộng thấp có thể hạn chế tính ăn và phát triển của OBV ở đầu vụ. Tuy nhiên, cần lưu ý có sự gia tăng cỏ dại.
+Biện pháp cơ học:
- Đặt lộp theo nguồn nước bằng mồi cua đồng chết sẽ hấp dẫn OBV. Đây là kinh nghiệm của nông dân Võ Văn Tấn ở ấp An Nghiệp, xã An Bình, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp thu được 2-3kg ốc/lộp chỉ qua một ngày đêm trong mùa lũ; nhiều gấp 3 lần so với lộp anh đặt bằng mồi lá đu đủ.
- Bắt ốc vào sáng sớm hoặc chiều tối bằng vợt, lưới hoặc bắt bằng tay… thu gom làm thức ăn cho cá, động vật khác.
- Đặt phên tre hoặc lưới chắn đầu nguồn nước chặn ốc vào ruộng.
- Vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp cỏ bờ, lúa rày, lúa chét và các lọai thực vật làm nơi trú ẩn đeo bám của ốc.
- Cắm cọc tre để thu gom trứng tiêu hủy vài ngày một lần.
+ Biện pháp sinh học:
- Kết hợp nuôi cá trên đồng để chúng ăn ốc non.
- Hiện nay do dịch cúm gia cầm nên không thể thả vịt chạy đồng.
+ Biện pháp hóa học:
- Áp dụng các lọai thuốc đặc trị OBV như Bayluscide, Osbuuvang, Snail, Mossade, Deadline, Meta, Helix… với liều lượng theo khuyến cáo khi thật cần thiết vào đầu vụ.
Vài điểm cần lưu ý:
-Cần diệt ốc đồng loạt mang tính cộng đồng và thường xuyên ở mọi nơi mọi lúc
- Không nên sử dụng sulfat đồng (phèn xanh) để diệt ốc vì chúng sẽ làm đất chua, nhanh suy thoái. Ngoài ra chúng còn gây mẩn ngứa da của người đi thăm đồng và ảnh hưởng bất lợi đến sinh vật khác.
- Không dùng các loại thuốc cấm có hoạt chất là endosulfan vì rất độc với các thủy sinh vật.
Nguồn tin: NNVN |