Phòng trị bệnh trên cây Nhãn
Vài năm gần đây cây nhãn tiêu da bò ở chỗ chúng tôi bị bệnh
"chổi xể" rất nặng, có vườn bị hại đến bảy, tám chục phần trăm số chồi non và
chùm hoa, cá biệt có vườn bị mất trắng không cho thu họach. Xin cho biết có cách
nào để phòng trị căn bệnh này?
Qua đồng nghiệp ở Đồng Nai chúng tôi được biết: Bệnh "chổi xể" trên cây
nhãn tiêu da bò của các bạn chính là bệnh "đọt chổi" như nhiều nơi đã gọi, ngòai
ra có người còn gọi là bệnh tổ rồng, bệnh hoa tre, bệnh chổi ma… Đúng như các
bạn đã phản ánh, vài năm gần đây trên chồi lá và chùm hoa của cây nhãn tiêu da
bò của Đồng Nai đã xuất hiện một triệu chứng lạ, đó là cành non mới ra không
phát triển dài thêm mà bị ngắn lại, lá non bị biến dạng xoắn tít, teo tóp nhỏ
đi, không mở ra được. Chùm hoa cũng ngắn và nhỏ lại, thóai hóa dần, khô và chết.
Nhìn từ xa thấy giống như tổ chim hay hoa tre, cây chổi.
Theo số liệu thống kê năm 2005 của Chi cục BVTV Đồng Nai thì
bệnh đã xuất hiện ở hầu hết ở các vườn nhãn tiêu da bò trong tỉnh, trong đó nặng
nhất là huyện Định Quán khoảng 550 ha, huyện Tân Phú của các bạn khoảng 450 ha,
huyện Xuân Lộc khoảng 40 ha… Ở nước ta cho đến nay việc xác định chính xác
nguyên nhân gây bệnh chưa được thống nhất nên chưa có thể đưa ra được những biện
pháp phòng trừ thích hợp. Tuy nhiên theo Chi cục BVTV Đồng Nai nếu áp dụng tốt
một số biện pháp sau đây thì cũng mang lại những kết qủa khả quan:
-Không lấy giống ở những cây, những vùng bị nhiễm bệnh.
-Tiêu hủy triệt để các bộ phận của cây bằng cách đốt hoặc xử lý
bằng thuốc hóa học.
-Tăng cường sức đề kháng cho cây bằng cách tỉa cành, bón phân,
tưới nước đầy đủ và phòng trừ sâu bệnh cho cây.
-Sử dụng dầu khoáng, bột lưu hùynh để khống chế nhện, bọ trĩ,
côn trùng chích hút trên cây nhãn.
Vừa qua trong một chuyến cùng với cán bộ của Chi cục BVTV Đồng
Nai đi kiểm tra bệnh ở một số vùng trồng nhãn trong tỉnh, chúng tôi có gặp vườn
nhãn của chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên (ấp I, xã Phú Tân, Định Quán), trồng ba giống
nhãn là tiêu da bò, xuồng cơm vàng và nhãn long, nhưng chỉ có giống nhãn tiêu da
bò là bị nhiễm bệnh (rất nặng, gần như 100% chồi non bị bệnh), còn nhãn xuồng
cơm vàng và nhãn long vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, khoẻ mạnh (mặc
dù cả 3 giống này cùng được trồng xen kẽ với nhau trong một khu vườn).
Điều đặc biệt là trong vườn có một số cây nhãn tiêu da bò được
chủ vườn cưa bỏ nhánh rồi ghép giống xuồng cơm vàng lên, trên những cây ghép này
chúng tôi thấy những nhánh tiêu da bò mới mọc ra sau này từ gốc cây mẹ đều bị
bệnh rất nặng, trong khi đó những nhánh xuồng cơm vàng được ghép lên chính những
gốc tiêu da bò này lại phát triển rất xanh tốt, rất mạnh mẽ... và không hề bị
nhiễm bệnh.
Chị Duyên cho biết thêm nhà chị còn có một vườn nhãn xuồng cơm
vàng (diện tích khoảng trên 4.000m2) được ghép trên gốc của giống nhãn tiêu da
bò đã được 3 năm (cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, cho nhiều trái) nhưng
không hề có cây nhãn xuồng cơm vàng ghép nào bị "lây" bệnh từ cây mẹ (gốc ghép)
sang. Thấy vườn của nhà chị như vậy nhiều chủ vườn xung quanh cũng làm theo và
cho kết quả tốt. Qua đây chúng tôi có suy nghĩ nhãn xuồng cơm vàng có thể là
giống kháng được bệnh "chổi xể". Vì vậy chúng tôi khuyên các bạn nên làm thử một
số cây để rút kinh nghiệm, nếu thấy kết quả cũng tốt như vườn của chị Duyên thì
nên làm đồng loạt cho cả vườn.
Nguồn tin: NNVN |