Làm thế nào để chuẩn bị lượng giống thích hợp
Trước khi quyết định số lượng giống gieo sạ, cần xác định tỉ lệ nẩy mầm
thực (giá trị thực của hạt giống). Vì khi hạt giống nẩy mầm, không phải toàn bộ
số mầm sẽ phát triển thành cây mạ bình thường, sẽ có một số ngưng phát triển và
chết dần. Có nhiều nguyên nhân. Nhưng quan trọng nhất là một số mầm bệnh bám
trên vỏ trấu dưới dạng tiềm sinh (bào tử, hạch nấm…).
Khi ngâm ủ lúa giống, chúng ta luôn tạo điều kiện tốt nhất về
ẩm độ, nhiệt độ cho hạt lúa nẩy mầm, đó cũng là điều kiện thích hợp cho mầm bệnh
sinh sôi và tấn công ngay vào mầm lúa.
Qua kết quả thực nghiệm chuyên đề “Sức sống hạt giống” ở các
lớp “Kỹ năng Chọn - Tạo giống lúa” cho thấy, ở lúa giống cấp nguyên chủng có tỉ
lệ nẩy mầm rất cao và số mầm chết ít khi xảy ra, cấp giống xác nhận cũng cho kết
quả tương đương. Trong khi đó, khi thử nghiệm trên giống lúa của nông dân tự để
giống, duy trì nhiều vụ, nhất là những mẫu lúa không đạt ẩm độ chuẩn (14%);
giống không rõ nguồn gốc, thì tỉ lệ nẩy mầm thường thấp và số mầm chết khá cao,
bên cạnh đó còn có hiện tượng mầm phát triển không đều.
Để chuẩn bị tốt cho vụ đông xuân tới, bà con nông dân có thể tự
kiểm tra sức khỏe hạt giống trên lúa giống trước khi vào vụ bằng cách lấy ngẫu
nhiên một ít giống, đếm 100 hạt tương đối đồng đều, ngâm cho trương nước, để vào
đĩa có vải giữ ẩm, tốt nhất là xếp thành 10 hàng hạt để dễ kiểm tra tỉ lệ, để
nơi kín gió, có độ ấm càng tốt. Thực hiện nhiều mẫu ở nhiều bao giống khác nhau,
kết quả sẽ chính xác hơn. Tiến hành ghi nhận những chỉ tiêu sau:
- Sau 24 giờ , quan sát số hạt có xuất hiện sợi nấm hoặc màu lạ
bám trên vỏ trấu.
- 4 ngày sau , đếm những hạt nẩy mầm, tính tỉ lệ nẩy mầm
(%).
- 7 đến 0 ngày sau, đếm những hạt có mầm phát triển tốt (mầm
dài hơn 1cm), tính tỉ lệ hạt có mầm tốt trên tổng số mầm.
Ví dụ:
- Nếu kết quả: + Sau 4 ngày kiểm tra, độ nẩy mầm: 95%
+ Sau 7 ngày, còn 90 % mầm phát triển tốt.
Kết luận : Sức sống của lúa giống còn tốt.
- Nếu kết quả : + Sau 4 ngày kiểm tra, độ nẩy mầm: 90%
+ Sau 7 ngày, còn 85 % mầm phát triển tốt.
Kết luận : Giống chấp nhận được.
- Nếu kết quả : + Sau 4 ngày kiểm tra, độ nẩy mầm thấp hơn
85%
+ Sau 7 ngày kiểm tra, số mầm chỉ còn không đến 80 % trên tổng số hạt thử.
Kết luận : Giống không đạt.
Xử lý : Áp dụng các biện pháp xử lý giống phổ biến như phơi lại
giống, ngâm trong dung dịch thuốc phòng trừ nấm bệnh phổ rộng. Sau đó thử lại,
nếu tỉ lệ nẩy mầm vẫn không đạt 85%, phải đổi giống!
* Cần lưu ý, một giống lúa khi qua thời gian ngủ nghỉ, nếu ngâm
ủ bình thường có tỉ lệ nẩy mầm thấp hơn 85 %, kèm theo có tỉ lệ mầm chết cao thì
dù những mầm còn lại có khả năng phát triển thành cây mạ nhưng bản thân nó đã
mang mầm mống của sự thoái hóa. Có thể xác định sức sống còn lại của giống thoái
hóa bằng cách: Lấy tỉ lệ nẩy mầm ban đầu nhân cho tỉ lệ nẩy mầm thực (85% x 75%
= 63 %)
Trong thời gian qua, để đối phó với sự thoái hóa của giống,
nhiều nông dân đã sử dụng “trừ hao” số lượng lúa gieo sạ so với lượng giống cần
thiết. Tất nhiên, với một giống lúa đang mất dần khả năng chống chịu (sâu, bệnh,
môi trường…) lại thừa số cây trên đơn vị diện tích thì tính thoái hóa càng trầm
trọng hơn, đó là cái vòng lẫn quẫn mà không ít nông dân chưa tìm được lối
ra.
Trong khi nguồn giống chính thống được sản xuất từ Trạm, Trại,
Viện, Trường chưa đủ để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất hiện nay, giải pháp hữu ích
nhất hiện nay, phải là xã hội hóa công tác giống lúa, để đạt được, bà con nông
dân nên tham gia vào các lớp tập huấn Kỹ năng Chọn - Tạo giống lúa do ngành Nông
nghiệp An Giang tổ chức, từ đó, có thể tự thực hiện việc để lúa giống cho ruộng
sản xuất của mình. Chủ động trong việc chọn tạo giống mới, thích hợp vùng đất
canh tác tại địa phương, từng bước loại dần những giống thoái hóa kém phẩm.
Theo Ks. Huỳnh Văn Đấu - Trạm Khuyến nông Tịnh
Biên |