Xử lý hạt lúa giống
Theo các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy có ít nhất 10 loại nấm bệnh có khả năng tấn công và lưu tồn trong hạt lúa giống (tạp chí BẢO VỆ THỰC VẬT - số 187 - tháng 1/2003 ). Các loài nấm bệnh này tiết ra các độc chất làm hạt giống mất sức nẩy mầm hoặc làm cho cây mạ suy yếu, hậu quả là lúa lên không đều, năng suất tụt giảm. Cụ thể như nấm bệnh lúa von làm cho cây lúa bị chết trước lúc trổ, hay nấm gây bệnh than vàng, bệnh đốm nâu v.v… Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu trồng lúa bằng hạt giống tốt (hạt chắc, mẩy, tỉ lệ hạt nẩy mầm hơn 90% và được xử lý diệt mầm bệnh trước khi gieo) sẽ cho năng suất cao hơn hạt giống bình thường 0,7 tấn /ha.
Việc giảm thuốc trừ sâu nói riêng hay giảm thuốc BVTV nói chung là 1 nội dung trong 3 giảm của chương trình 3 giảm - 3 tăng trong canh tác lúa. Có những đối tượng dịch hại có thể ngăn chặn từ xa. Biện pháp xử lý hạt giống lúa trước khi gieo sạ tỏ ra có hiệu quả đã được chứng minh qua nghiên cứu và thực tế.
Ba năm qua, bà con nông dân tỉnh An Giang đã áp dụng các biện pháp xử lý hạt giống lúa đạt được hiệu quả trong việc nâng cao tỉ lệ nẩy mầm của hạt, đồng thời diệt được các mầm nấm bệnh gây hại trên hạt làm cho cây mạ khoẻ ngay từ giai đoạn đầu của quá trình canh tác. Để giúp cho bà con áp dụng được những thông tin quí giá nầy, chúng tôi xin trình bày một số biện pháp như sau :
1 / Xử lý phá miên trạng hạt giống :
Hạt lúa giống mới thu hoạch phải có một thời gian ngủ nghỉ nhất định (còn gọi là miên trạng) mới có khả năng nẩy mầm đạt yêu cầu sử dụng, thời gian ngủ nghỉ dài hay ngắn tùy thuộc giống và mùa vụ, ngắn thì 15 ngày và dài có khi đến 1 tháng . Do nhu cầu mùa vụ bà con nông dân cần xuống giống ngay, muốn vậy phải đánh thức hạt giống. Có nhiều cách phá miên trạng làm cho hạt thức dậy và xử lý acid nitric là cách làm phổ biến nhất. Muốn xử lý acid, trước tiên, lúc thu hoạch giống phải thu hoạch riêng và phơi khô đạt ẩm độ 13% (phơi mỏng 2-3 nắng vừa phải ).
Chọn nồng độ acid phù hợp :
Thường các hướng dẫn trong nhãn chai acid chỉ cho biết là với chai 100ml acid sẽ xử lý cho bao nhiêu kg lúa giống, điều này dể hiểu nhưng không chính xác, lý do miên trạng hạt tùy thuộc vào loại giống, mùa vụ và thời gian từ lúc thu hoạch. Do đó chúng ta phải thử để tìm nồng độ thích hợp, cách làm như sau :
- Chọn 5 chai nhựa có dung tích 1 lít, mỗi chai chứa đủ 1 lít nước sạch .
- Chai 1: Không pha acid (kiểm chứng )
- Chai 2: Pha vào 1cc acid
- Chai 3: Pha vào 3cc acid
- Chai 4: Pha vào 5cc acid
- Chai 5: Pha vào 7cc acid
Sau khi khuấy đều ta cho vào mỗi chai 200 hạt lúa và ngâm trong vòng 16-24 giờ. Sau đó vớt lúa ra và rửa sạch, lúa ở mỗi chai được cho vào khăn bàn nhỏ ẩm nước gói kín lại và ủ 24 -36 giờ, sau đó kiểm tra lại tỉ lệ hạt mọc mầm. Ở nồng độ acid nào có tỉ lệ lúa mọc mầm từ 85% trở lên thì ta chọn nồng độ đó để sử dụng cho toàn bộ lượng lúa giống cần gieo sạ . Phải thận trọng khi pha acid, cho nước vào trước, pha acid, sau đó dùng que gổ để khuấy và phải mang bao tay cao su. Sau khi ngâm acid xong, lúa giống phải được rửa sạch và ủ bình thường .
2/ Ngâm hạt giống trong dung dịch Carban 50 SC để trừ nấm bệnh:
a/ Đối với hạt giống đã qua xử lý acid nitric : Sau khi rửa sạch acid , tiếp tục ngâm lúa vào dung dịch carban 3‰ (3cc thuốc /lít nước ) và ngâm tiếp 16 giờ, sau khi ngâm thuốc nên tháo bỏ nước và rửa sạch hạt giống, sau đó ủ bình thường. Cần chú ý là ngâm acid trước và ngâm Carban sau, không pha chung 2 loại này cùng 1 lúc vì sẽ làm mất tác dụng của thuốc. Dụng cụ ngâm acid hay Carban là bồn dã chiến bằng tấm nhựa gồm 2 lớp: Lớp dưới là tấm nhựa chứa nước và lớp trên là tấm lưới cước để khi tháo nước bỏ lúa khỏi bị trôi ra đất.
b / Đối với hạt giống chỉ xử lý bằng Carban 50 SC :
Hạt giống được phơi nhẹ trước khi đưa vào ngâm Carban, cụ thể là 1 giạ lúa giống cần 50 - 60cc Carban pha vào 20-25 lít nước và ngâm trong vòng 24 - 36 giờ. Có thể pha thuốc trước rồi đổ lúa giống vào hay cho lúa giống vào bồn trước rồi pha thuốc đổ vào sau. Cần phải vớt tất cả lúa lép, lúa lừng trong bồn ra ngoài, bởi vì đây là nguồn chứa rất nhiều mầm bệnh và là nguồn lây bệnh quan trọng nếu hạt giống không được xử lý hay không loại bỏ các hạt này.
c / Nếu không nhớ ngâm lúa giống vào Carban :
Có thể bằng cách là sau khi vớt giống lên và để ráo, cũng với lượng Carban 50cc cho 1 giạ lúa giống, có thể pha Carban vào một lượng nước thích hợp (50cc Carban/1lít ) và trộn đều vào 1 giạ lúa ủ trong vòng 24 giờ, sau đó rửa sạch ( lấy ngót ) ủ bình thường. Với cách này cũng có hiệu quả diệt nấm bệnh .
3/ Trộn Actara vào lúa giống :
Ngoài tác dụng trừ rầy nâu rất hiệu quả, Actara còn đươc trộn vào lúa giống để ngăn chặn sự gây hại của bù lạch trong vòng 10 ngày sau khi sạ, cách làm như sau :
Sau khi lúa giống đã được ngâm ủ nhú mầm (ủ 24 giờ) sử dụng 1 gram Actara pha vào ½ lít nước trộn đều vào 10kg hạt giống, thường là 12 giờ trước khi đem lúa đi gieo - sạ. Khoảng thời gian này đủ để thuốc ngấm vào mầm và rể hạt giống, khi cây mạ phát triển lượng thuốc được duy trì đủ để ngăn chận sự gây hại của bù lạch trong 10 ngày sau sạ. Ai cũng biết nếu bù lạch tấn công và gây hại sớm ruộng lúa sẽ bị thiệt hại do sức khoẻ mạ giảm sút, việc xử lý Actara sẽ làm giảm chi chí hơn nhiều so với phun xịt thuốc để trừ bù lạch khi chúng tấn công lúa.
Theo Ks. Trần Kim Hòa - Cty CP BVTV An Giang |