Kỹ thuật khai hoang trồng lúa trên đất phèn nặng: “né lũ ém phèn”
TS Mai Thành Phụng được bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long yêu mến,
quý trọng và thậm chí họ "ghiền" nghe giọng ông mỗi ngày qua sóng phát Với nông
dân, ông là vị cứu tinh bởi đã làm sống dậy vùng đất phèn vốn bị ví là quỷ
ám.
Dọc theo quốc lộ 62 vào xã Mộc Hóa, Vĩnh Hưng (Long An) vẫn còn
sót lại những vạt đất vàng quạch vì phèn từ những năm 1990. Lão nông Tô Trung
Tước ở xã Thái Bình Trung (huyện Vĩnh Hưng) bốc một nắm đất lên vo nhuyễn rồi
nói: “Hồi tụi tui mới vô đất ở đây toàn như vầy, chẳng trồng trọt gì được, phèn
quá nặng”. Vứt nắm đất, ông cười khà khà và chỉ tay vào đám ruộng vụ lúa hè thu
xanh tốt kế bên: “Hồi đó ruộng đâu được như vầy, nước phèn chua lét hổng cây gì
sống nổi trừ cỏ năn". Vậy mà ông Phụng chỉ tụi tui có một chiêu, từ đó về sau
phèn dạt ra hết”.
Từ những năm 1980, các chuyên gia Hà Lan đã đến Đồng Tháp Mười
để nghiên cứu về việc cải tạo đất phèn. Nhưng rồi họ phải lắc đầu bỏ đi với câu
kết luận: “Đất phèn là loại ma quỷ. Thôi, hãy để nó ngủ yên, đừng đánh thức dậy
vì chẳng những không được lợi lộc gì mà con người còn bị nó quậy phá”. Đến đầu
những năm 1990, không ít đơn vị kinh tế đưa quân tiến công vào khai phá Đồng
Tháp Mười, nhưng phần lớn đều gặp thất bại vì chưa hiểu nhiều về đất phèn. Có lẽ
đất phèn sẽ tiếp tục “ngủ yên” nếu... tiến sĩ Mai Thành Phụng, Giám đốc Trung
tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Đồng Tháp Mười không ra "chiêu".
“Chiêu” của ông Phụng chính là một rãnh nước chạy giữa đám
ruộng. Thật ra để đúc kết được kinh nghiệm này, ông Phụng đã “rút ruột” hết kho
kiến thức trong và ngoài nước về đất phèn, cả của những ông thầy tầm cỡ quốc tế
như Hà Lan, Bỉ. Miệt mài nghiên cứu, cuối cùng ông tìm ra điều tưởng rất dễ
thấy: nước lũ trên đất phèn không đứng yên. Khi nó hiền hòa như bà tiên, lúc dữ
dội như bà chằn. Vậy tại sao ta không “né” nó khi dữ dội, “quản trị” nó khi hiền
hòa? Ông bắt đầu nghĩ ra cách “hốt toa thuốc” né lũ ém phèn: vừa ém phèn ở tầng
sâu, vừa rửa phèn ở tầng mặt.
Vào đầu mùa khô, khi mặt đất vừa ráo thì ông cho cày đất lên.
Trước đây bà con thường nghĩ cày sâu cuốc bẫm là trúng mùa, nay ông điều chỉnh
lại chỉ cày cạn trên lớp đất mặt chừng 10-15 cm là đủ, tránh lật lớp đất phèn ở
dưới lên nhằm “ém” phèn ở tầng sâu, rồi ông cho đào kênh và đắp bờ hoàn chỉnh.
Trong mỗi ô ruộng cũng đào thêm các con mương thoát phèn giáp vòng để việc rỏ
phèn xuống mương được nhanh và thuận lợi. Khi lũ về, lợi dụng nước nhiều, ông
cho lũ cuốn thoải mái mọi thứ phèn độc hại ra đi. Khi lũ rút chỉ còn lại lớp phù
sa chừa lại trên mặt ruộng.
Năm 1994, ông Phụng ra Hà Nội bảo vệ thành công luận án phó
tiến sĩ về “kỹ thuật khai hoang trồng lúa trên đất phèn nặng”, và phổ biến cho
nông dân áp dụng từ đó đến nay.
Không chỉ vậy, ông Phụng còn nổi tiếng bởi đã tìm ra giống lúa
kháng rầy IR 50404. Nông dân Đồng Tháp Mười đến nay vẫn còn nhắc về sự kiện ông
Phụng làm lúa giống kháng rầy hồi năm 1991. Vụ hè thu năm đó lũ về khá lớn. Bỗng
xuất hiện dịch rầy nâu đánh sập các trà lúa đang xanh tốt. Trong lúc các giống
khác bị rầy ăn rụi thì ông phát hiện có một loại vẫn... sống đó là IR 50404. Nó
là giống ngắn ngày, có thể trồng chạy lũ được. Ông lập tức cho nhân giống và
quyết định làm ngay trong vụ thu đông. Có người phản đối làm vụ hè thu còn chạy
lũ trối chết huống gì thu đông, ngay mùa lũ chính vụ. Ông Phụng vẫn quyết tâm:
“Không làm thì sang năm giống đâu để làm”. Thế là ông huy động toàn bộ nhân lực
của trung tâm và bà con quanh vùng gần 200 người quai đê bảo vệ 100 ha đất chống
lũ, xuống giống IR 50404.
Trước cơn lũ hung hãn, ông và đồng sự ngày đêm bám đê, cứ nước
lên cao lại bơm tát ra, sạt đê chỗ nào đắp lại chỗ nấy. Ròng rã gần ba tháng
trời “ăn trong lũ, ngủ trong lũ mà đi đứng cũng trong lũ”, tới khi ai nấy cũng
đều má hóp, râu tua tủa mọc thì cũng là lúc lúa chín. Khi lúa vào kho an toàn
thì lũ cũng rút, nông dân bắt đầu xuống giống vụ đông xuân.
Lúc này các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang mới
táo tác chạy lo kiếm lúa giống kháng rầy. Năm đó lượng giống cung cấp đủ cho
100.000 ha vùng đồng bằng sông Cửu Long. Và tới vụ đông xuân
1995 đã có trên 1 triệu ha khắp đồng bằng sông Cửu Long sử dụng giống “lúa ông
Phụng”.
Từ đó, giống lúa IR 50404 được công nhận là giống quốc gia.
Không dừng lại, ông Phụng tiếp tục chọn được giống lúa ngắn ngày IR 59606 và tức
khắc được nông dân sản xuất trên 90.000 ha lúa xuất khẩu.
Sống với nông dân lâu ngày, ông Phụng có thói quen dậy sớm từ
4h sáng. Ông để ý thấy nông dân thức giờ đó chỉ uống trà, phí biết bao thời
gian. Ông nghĩ sao mình không truyền cho nông dân cái gì giờ này để nghe nhỉ,
rồi sực nhớ đài phát thanh có chương trình “Gia đình bác Tám” được nông dân
thích. Vậy là sau đó mỗi ngày từ 4h30', bà con cứ mở đài (Tiếng nói nhân dân TP
HCM) là nghe giọng ông Phụng nói về thời tiết, cây lúa, mực nước, phân bón...
Ông Tư Tước nói: “Trước đây tui ghiền trà, bây giờ ghiền... nghe ông Phụng
nói”.
Ngày 24/9/2000, ngày ra đời một sự kiện trên truyền hình mà
nông dân đồng bằng sông Cửu Long còn nhớ như in tới bây giờ: chương trình Nhịp
cầu nhà nông. Ngày đó ông Phụng là người đầu tiên đề xướng ra chương trình này
và trực tiếp lên truyền hình trả lời kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân. Năm đó
cũng là năm hoàn thành cầu Mỹ Thuận. Bà con so sánh cầu Mỹ Thuận nối liền nông
dân với thị trường, còn Nhịp cầu nhà nông nối liền nông dân với nhà khoa học.
Giờ đây ông xuất hiện đều đặn trên các đài truyền hình Long An,
TP HCM, Cần Thơ, VTV trong các chuyên mục khuyến nông. Sắp tới, khoảng giữa
tháng 8, sẽ có chương trình trả lời trực tiếp của ông Phụng trên sóng phát thanh
của Đài TP HCM. Ông nói: “Công trình khoa học mà để trong ngăn kéo cũng thành vô
dụng. Phải đem nó xuống cho nông dân sử dụng. Cho nên phải nói ra rả hằng ngày,
phải tiếp cận với nông dân hằng ngày qua báo, đài mới đem được kỹ thuật tới nông
dân”.
Theo Vietnam
Website |