Kinh nghiệm nuôi gà tần ở Bắc Giang
Gà tần, loại gà mà người chăn nuôi đặt tên cho gà choai là con lai giữa
gà ri với các giống gà nội như: Gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Mía… Sau khi nuôi 45 – 50
ngày tuổi, trọng lượng 500 – 700 gam/con, đang được tiêu thụ mạnh trong các nhà
hàng, khách sạn.
Theo tính toán của các hộ nông dân có nhiều kinh nghiệm nuôi gà
tần lâu năm cho biết: Nuôi gà từ 1 – 50 ngày tuổi tiêu tốn thức ăn thấp, lớn
nhanh, tăng thêm được nhiều lứa/năm hơn là nuôi gà thương phẩm. Trung bình một
con gà 50 ngày tuổi ăn hết 1,5 – 1,6kg thức ăn tổng hợp, cộng với các chi phí
khác (con giống, điện sưởi ấm, thuốc thú y) giá thành 13 – 14.000 đ/con, bán
buôn với giá 16 – 18.000 đ/con, lãi ròng khoảng 3.000 đ/con/50 ngày. Nhiều hộ
nông dân ở các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên (Bắc Giang) đã trở nên khá giả
nhờ nuôi gà tần.
Về giống:
Nên chọn con lai với mái là gà ri lai với trống là các giống gà
Hồ, Đông Tảo hoặc gà Mía. Chọn những con khỏe mạnh (bụng gọn, mềm, rốn khô, lông
tơi xốp, không vẹo mỏ, khèo chân). Có màu lông đặc trưng trắng, vàng hoặc nâu.
Chuồng trại:
Chuồng trại: Làm cao ráo, hướng đông nam, ấm hè, mát đông, nên
lợp ngói mũi, mái chồng lưu thông không khí tốt hơn. Có hệ thống cửa sổ, quạt
thông gió, hệ thống bóng điện tròn chiếu sáng, sưởi ấm. Mái hiên cách nền chuồng
ít nhất 2m.
Giai đoạn úm gà con 1 – 22 ngày tuổi:
Yêu cầu về nhiệt độ, mật độ: Trong điều kiện nông thôn bà con
đều úm gà bằng cách quây cót tre. Mỗi cót tre dài 4m, cao 0,5 – 0,6m quây tròn
được diện tích trong quây khoảng 1,3m2. Chất độn rải nền chuồng bằng trấu (vỏ
hạt lúa), khoảng 5 – 7 ngày thay chất độn chuồng 1 lần, đảm bảo nền chuồng luôn
khô ráo. Dùng nhiệt kế đo độ treo cách bóng điện sưởi khoảng 50cm để theo dõi
nhiệt độ vùng chụp sưởi. Cũng có thể quan sát bằng mắt xem gà có đủ nhiệt hay
chưa: Nếu thấy gà tụm lại, chồng chất lên nhau là thiếu nhiệt, đàn gà dạt ra xa
nguồn sưởi há mồm thở là thừa nhiệt, gà tụm lại một góc chen chúc nhau là bị gió
lùa.
Chăm sóc: Gà 1 ngày tuổi không cần cho ăn, cho uống kháng sinh
đa giá + B. Complex + đường Glucô + chất điện giải (liều lượng xem hướng dẫn
trên bao bì gói thuốc) trong 3 ngày liền. Ngày thứ 2 cho gà tập ăn gạo lức (gạo
xay) hoặc ngô tốt nghiền nhỏ rắc trên mẹt bằng tre. Ngày thứ 3 trở đi cho gà ăn
thức ăn tổng hợp chế biến sẵn của các hãng thức ăn lớn có uy tín như: Proconco,
Guyomach, AFC, CP Grup… chuyên dùng cho gà 1 đến 22 ngày tuổi. Ngày thứ 8 trở đi
cho gà ăn, uống bằng máng tròn nhựa hay tôn chuyên dùng. Ngày thứ 4 trở đi cho
gà uống nước sạch không hạn chế.
Giai đoạn gà choai 22 – 50 ngày tuổi:
- Cho gà ăn loại cám chế biến sẵn từ 22 ngày đến xuất chuồng,
những ngày ấm trên 15 độ C thả gà ra vườn (vườn có diện tích gấp 10 – 15 lần
chuồng nuôi, có cây xanh che mát), cho gà ăn thêm sỏi nhỏ, rau xanh.
- Chống rét cho gà: Những ngày giá rét 10 – 15 độ C, ban ngày
chỉ thả 2 – 3 giờ khi có ánh nắng mặt trời. Giá rét dưới 10 độ C nhốt hoàn toàn
trong chuồng, cho sưởi ấm bằng bóng điện tròn.
- Chống nóng cho gà: Nếu nhiệt độ ngoài trời lớn hơn 35 độ C,
cần bật quạt thông gió, mở hết cửa sổ cho thoát nhiệt, cho gà uống nước có hòa
thêm B.complex và chất điện giải để giải nhiệt cho cơ thể tăng sức đề kháng
chống lại bệnh dịch xâm nhập, giảm mật độ nuôi, thả gà ra vườn có bóng cây xanh
che mát.
- Về liều lượng và các loại thuốc kháng sinh dùng chữa bệnh,
nhiều hộ nuôi gà đều cho hay, đối với thuốc uống, thuốc tiêm chữa bệnh nên dùng
sản phẩm của các hãng thuốc thú y lớn có uy tín nhiều năm như: Bi-O, Thú y xanh
Việt Nam, NaFa, Vimedim… Với thuốc uống nên tăng gấp 3 lần, thuốc tiêm tăng 1,5
lần so với hướng dẫn trên bao bì gói thuốc thì mới nhanh khỏi bệnh. Còn các loại
vacxin nội nên dùng tăng 1,5 lần so với hướng dẫn. Còn vacxin ngoại của
Indonesia, Hà Lan, Mỹ… chỉ cần dùng đúng hướng dẫn thì hiệu quả phòng, trị bệnh
mới cao.
Nguồn tin: NNVN |