Đắc Lắc: Áp dụng khoa học nâng cao năng suất, chất lượng cà phê
Cây cà phê chiếm vị trị đặc biệt quan trong trong nền kinh tế
của Đắc Lắc và các tỉnh Tây Nguyên. Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để
nâng cao năng suất, chất lượng cà phê đang là đòi hòi cấp thiết của các doanh
nghiệp cũng như đối với những hộ nông dân làm cà phê. Trên cơ sở nghiên cứu đặc
điểm sinh thái cây cà phê vối, khả năng đầu tư chăm bón của nông dân và chất
lượng sản phẩm xuất khẩu, từ năm 2001 đến nay, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm
nghiệp Tây Nguyên đã đi sâu nghiên cứu việc cải tạo cây cà phê có năng suất
thấp, cây bị bệnh rỉ sắt thành cây năng suất cao; xây dựng quy trình chăm bón và
phòng trừ sâu bệnh hợp lý, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thực hiện mục tiêu này, Viện đã xây dựng một số mô hình cải tạo
vườn cà phê cũ bằng ghép chồi để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; xây
dựng và chuyển giao các vườn cung cấp chồi ghép tại những vùng chuyên canh cây
công nghiệp phục vụ việc ghép cải tạo cây cà phê cũng như thay dần các giống
chưa được chọn lọc; thực hiện thâm canh trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật
vào sản xuất. Viện đã đầu tư xây dựng vườn nhân chồi tại 3 địa điểm: huyện Krông
Pách (Đắc Lắc), Đắc Mil (Đắc Nông) và tại vườn thực nghiệm của Viện ở Thành phố
Buôn Ma Thuột.
Trong đó, mỗi địa điểm xây dựng 0,2 ha vườn nhân chồi các dòng
cà phê vối cao sản đã được chọn lọc, phục vụ cho việc thực hiện những mô hình
sản xuất tiên tiến tại vùng chuyên canh trọng điểm cà phê của các xã Hòa Đông,
Ea Kênh, Ea Yông và thị trấn Phước An (huyện Krông Pách- Đắc Lắc), các xã Chư
Suê, Quảng Tiến, Quảng Phú, Chư M'ga, Ea Tar và Ea Mđroh (huyện Chư M'ga- Đắc
Lắc), các xã Đức Mạnh, Đắc Lao, Đức Minh, Thuận Hạnh, Đắc Mol và thị trấn Đắc
Mil (Đắc Nông).
Về việc cải tạo cây cà phê, trong mỗi xã Viện chọn 1 gia đình
nông dân có khoảng 1 ha cà phê vối với tổng diện tích các vườn cà phê được chọn
để xây dựng mô
hình sản xuất là 15 ha. Cán bộ khoa học của Viện đã phân loại,
đánh giá năng suất và khả năng kháng sâu bệnh từng cây cà phê trong vườn. Sau
khi thu hoạch xong những cây cà phê có năng suất thấp, bị bệnh rỉ sắt hoặc cây
có quả nhỏ đã được cưa gốc cách mặt đất từ 30 đến 35 cm. Ước tính mỗi ha cà phê
có khoảng 30% số cây phải cưa để cải tạo (tức từ 300 đến 350 cây/ha). Sau 2
tháng cưa cây, cà phê mọc chồi, việc ghép cải tạo cây được tiến hành. Trên mỗi
cây cà phê được ghép 2 chồi.
Đối với mô hình thâm canh, mỗi huyện được chọn 2 gia đình với
quy mô mỗi hộ 1 ha cà phê. Trên 1 ha cà phê chia thành 2 phần vườn cây có diện
tích bằng nhau. Trong đó có một nửa vườn cây được áp dụng công thức phân bón
theo sự khuyến cáo của Viện, còn một nửa vườn cây được bón theo tập quán sản
xuất của người dân để so sánh năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Về mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), mỗi huyện chọn 5
xã; mỗi xã chọn 2 gia đình làm cà phê sát vườn nhau để dễ so sánh với diện tích
cà phê mỗi hộ 1 ha. Trong đó, ở một vườn, nông dân tự phòng trừ sâu bệnh hại
theo sự hiểu biết và kinh nghiệm của người nông dân. Trên vướn thứ hai được tiến
hành các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp theo đề xuất của viên để so sánh.
Sau hơn 3 năm nghiên cứu, theo dõi tình hình sản xuất, xem xét
kết quả thu được trên các mô hình sản xuất và vườn cây đối chứng, Viện Khoa học
Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, sau 60 ngày ghép cải tạo cà phê,
tỉ lệ cây sống đạt trung bình 92,8%. Trong đó tại huyên Krông Pách, vườn cây cà
phê ghép chồi đạt tỉ lệ sống 95,6%. Cây ghép sau 2 năm được hãm ngọn với chiều
cao từ 107 đến 137 cm, có số cặp cành cấp I từ 17,5 đến 19,0 cặp và năng suất
đạt từ 7,5 đến 15 kg quả tươi/cây.
Các chỉ tiêu sinh trưởng và năng suất của cây cà phê ghép ở
huyện Chư M'ga có chiều hướng tốt hơn 2 địa bàn Krông Pách và Đắc Mil. Qua theo
dõi, toàn bộ số cây cà phê được ghép cải tạo đều cho nhiều quả, chất lượng quả
cũng được cải thiện hơn. Trung bình 4,58 kg quả tươi cho 1 kg nhân thành phẩm,
trong khi đó vườn đối chứng 4,8 kg quả tươi mới cho 1 kg nhân. Đặc biệt, những
vườn cà phê được ghép cải tạo, tình trạng cây bị bệnh rỉ sắt đã giảm hẳn. Những
cây cà phê được cải tạo cho hạt to và đều, vừa tăng năng suất, vừa nâng cao chất
lượng, tăng giá trị sản phẩm.
Nghiên cứu việc bón phân cho cà phê, Viện cho hay: các mô hình
khuyến cáo bón phân hợp lý cân đối giữa các thành phần N-K-P, thì lượng phân bón
cho cà phê vẫn thấp hơn so với mức bón của bà con nông dân trong những vườn cây
đối chứng. Tuy vậy, năng suất các vườn cây bón hợp lý vẫn cao hơn những vườn đối
chứng từ 0,17 đến 0,35 tấn nhân/ha; hạt cà phê của những vườn cây này cũng to
hơn, màu sắc đẹp hơn nên chất lượng sản phẩm tốt hơn. Việc bón phân hợp lý không
những làm tăng thu nhập của nông dân do tiết kiệm chi phí phân bón và tăng năng
suất, vừa tạo cho vườn cây phát triển bền vững và ổn định, vừa hạn chế sự ô
nhiễm môi trường.
Với những kết quả đạt được trong quá trình áp dụng khoa học
công nghệ vào sản xuất cà phê, hiện nay việc cải tạo vườn cà phê bằng phương
pháp ghép cây đang được áp dụng trong một số nông trường quốc doanh và nhiều gia
đình nông dân, chủ trang trại cà phê ở các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông và Gia Lai.
Ngoài việc cung ứng nguồn chồi ghép của những dòng cà phê chất lượng tốt, Viện
Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây nguyên còn tư vấn và trực tiếp giúp đỡ cho
bà con dân tộc thiểu số các địa phương cải tạo vườn cà phê năng suất thấp và
vườn cây bị bệnh rỉ sắt bằng ghép cây, tạo những vườn cây cho năng suất cao,
chất lượng tốt, nhằm tăng thu nhập cải thiện đời sống./.
Nguồn tin: TTXVN |