Máy gặt đập liên hợp GĐL- 0,3
Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) vừa phối hợp với Tổng Công ty Cơ điện nông nghiệp và thủy lợi nghiên cứu, chế tạo thành công mẫu gặt đập liên hợp tự hành thu hoạch lúa đóng bao GĐL- 0,3.
TS Trần Đức Dũng- Trưởng Phòng Nghiên cứu Bảo quản thiết bị và chế biến nông sản (Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch), cho biết: "Mẫu máy GĐL- 0,3 được chế tạo trên cơ sở hoàn thiện và khắc phục những nhược điểm về kết cấu và công nghệ chế tạo của các máy gặt đập liên hợp trước đây với nhiều cải tiến hiện đại”. GĐL- 0,3 có công suất thu hoạch 0,3- 0,35ha/giờ (cao hơn máy cũ 0,15- 0,2ha/giờ)â, làm việc được trong nhiều điều kiện khó khăn như lúa đổ, ướt. Đặc biệt máy có khả năng thu hoạch lúa trên cả những ruộng sình lầy có lượng bùn, nước sâu 10cm trở xuống.
TS Trần Đức Dũng cho biết tiếp: “GĐL- 0,3 gồm các khâu liên hoàn cắt, khâu này được thực hiện bởi một guồng gạt đa năng, rộng 2m có thể nâng lên, hạ xuống để cắt lúa bị đổ. Khâu tiếp theo là đập, tách hạt, lúa cắt xong được đưa vào trong guồng máy, đập và tách riêng rơm, thóc ra. Xong phần tách, thóc sẽ được gầu gạt đưa xuống thùng chứa và chảy ra ngoài, tại đó máy đã được thiết kế thêm bộ phận đóng trực tiếp vào bao".
Để thực hiện được các công đoạn trên, mỗi khi hoạt động, máy cần có 2 người, 1 người ngồi điều khiển máy, 1 người ngồi đóng bao và đưa thóc xuống. Qua thu hoạch thử nghiệm 2ha lúa tại Long An, các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt khá. Tổng hao hụt thóc khi thu hoạch giảm còn 3%, độ sạch hạt thóc đạt 97- 99% (máy cũ 95%). Với việc thu hoạch hoàn thiện như trên, loại máy này rất thích hợp cho người nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, có thể dùng máy để thu hoạch nhanh các diện tích lúa chạy lũ. Bởi công suất thu hoạch lớn, thời gian thu hoạch ngắn. Lúa thu hoạch xong được đóng vào bao, không còn phải lo phơi phóng, người dân cũng có thể đem bán ngay sau khi thu hoạch. Giá thành chi phí chế tạo 1 máy kiểu này khoảng 120 triệu đồng
NTNN (Việt linh: Vietnamese Wedsite)
|