Tìm kiếm thông tin:
  Chuyên đề Bạn nhà nông
Nuôi
Trồng
Giống
Vật tư
Thiết bị - Công cụ
  Nhà nông tôn vinh
DNghiệp thân thiện
SPhẩm ưa chuộng
Nông dân thành đạt
  Trao đổi kinh nghiệm
Kinh nghiệm SX
Hỏi & đáp
  Danh bạ Bạn nhà nông
Cơ quan - Ban nghành
Hội - Hiệp hội
DN Sản xuất
DN Chế biến
DN D.Vụ-Thương mại
Trang trại
  Giới thiệu Bạn nhà nông
Website
Cẩm nang
Hồ sơ
Liên hệ


 Thiết bị - Công cụ

Cải tiến thành công máy đập lúa an toàn

Dựa trên cấu tạo của các máy đập lúa hiện hành, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học - Kỹ thuật bảo hộ lao động vừa nghiên cứu, sản xuất và cải tiến thành công máy đập lúa an toàn kiểu mới. Một trong những tai nạn lao động phổ biến hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp xảy ra từ các máy đập lúa. Trong đó, tổn thương thường gặp nhất là ở mắt do hạt thóc bắn vào (chiếm 62%) và ở bàn tay (20%)... Hầu như mùa gặt nào cũng có những người bị dập nát bàn tay, cánh tay hoặc mất hẳn bộ phận này do bị kéo vào trục cuốn của máy. Sở dĩ xảy ra tình trạng trên, theo kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn - Phòng Kỹ thuật an toàn, Viện Nghiên cứu Khoa học - kỹ thuật bảo hộ lao động là do hầu hết các máy đập lúa mà bà con nông dân đang sử dụng hiện nay đều không có bộ phận cấu tạo an toàn.

Theo cấu tạo của các máy đập lúa hiện có trên thị trường, tại các bộ phận quan trọng như bộ phận cấp lúa vào, cơ cấu phanh, bao che, ống xả, bộ phận truyền chuyển động... không hề được lắp đặt các bộ phận phụ trợ để bảo vệ. Chính vì thế, khi vận hành và làm việc trên máy, người lao động thường không tránh được các tai nạn thông thường.

Anh Nguyễn Ngọc Thung - một người chuyên làm nghề đập lúa thuê ở Các Sơn, Tĩnh Gia (Thanh Hoá) cho biết: "Tôi mua chiếc máy đập lúa và hành nghề đã được hơn 10 vụ nay, nhưng không vụ nào không bị dính chấn thương, nhẹ thì đau mắt, nặng có khi gẫy tay...".

Tình trạng của anh Thung cũng là thực trạng chung của nhiều hộ dân hiện nay khi sử dụng đến các máy đập lúa, bởi phần lớn các máy mới được lắp đặt đều có những tính năng hết sức hiện đại, khó vận hành, nhưng lại không có các bộ phận an toàn, nên tai nạn xảy ra là điều không thể tránh khỏi.

Theo kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn: "Cải tiến quan trọng nhất của máy là bộ phận mặt của cánh tay cấp lúa. Với các loại máy thông dụng hiện nay, người ta phải dùng tay đẩy lúa vào đập nên rất dễ chạm vào trục cuốn. Tay họ sẽ bị máy kéo luôn vào và làm dập nát. Việc lắp thêm bộ phận kể trên sẽ loại trừ sự tiếp xúc này". Ngoài ra, tấm chắn lắp ở cửa đưa lúa vào tuy chỉ là một thay đổi rất nhỏ nhưng sẽ làm giảm phần lớn số ca tai nạn. Các hạt thóc bị tách khỏi bông lúa, thay vì văng ra với tốc độ cao và cắm vào mắt người lao động, thì sẽ chỉ đập vào tấm chắn và rơi xuống. Bộ phận này cũng giúp giảm tai nạn cho trẻ em. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn cho ô cấp lúa, một bộ phận khác cũng được thiết kế là tấm chắn có tác dụng che chắn ô cấp lúa, tránh tình trạng người lao động hoặc trẻ em có thể đưa tay vào trong khi máy vẫn đang chạy.

Một bộ phận quan trọng khác cũng được lắp đặt là phanh sau. Với những máy chỉ có phanh trước, khi lên xuống dốc, chỉ cần tay phanh ngoặt sang một bên là có thể lật xe, đè lên người. Khi có thêm phanh sau, người đẩy máy chỉ cần nhẹ tay kéo cần là máy sẽ dừng lại.

Ở phía sau máy còn có thêm lồng bao phủ bộ phận truyền chuyển động để ngăn dây cua- roa bắn vào mắt người khi bị đứt, đồng thời tránh trường hợp đưa tay vào bộ phận này và bị cuốn. Cạnh đó có một ống xả giúp giảm cường độ âm thanh xuống (tối đa là 85 dBA, mức giới hạn cho phép).

Phía trước máy, ở cửa ra ruông (hạt lép rơm vụn...) có bộ phận che để ruông không bắn vào mắt người khi dắt máy đi. Cạnh đó là cửa ra rơm có bộ phận điều chỉnh độ cao để rơm rơi đúng vào vị trí mong muốn. Cửa này cũng có tấm chắn để hạn chế bụi.

Ngay cả các bộ phận nhỏ khác cũng được cải tiến như giá để hàng được lắp thêm bộ phận chất hàng, nhằm giảm thiểu sức lao động, hệ thống chiếu sáng có thêm một ổ phát điện làm đèn chiếu sáng, giúp người sử dụng có thể di chuyển và cho máy làm việc vào cả ban đêm.

Đặc biệt, loại máy này có thêm một bộ phận ngăn thóc bắn vào mắt bằng một hệ thống truyền chuyển động tự hành để trong quá trình vận hành, cửa vào lúa sẽ tự đóng lại.

Theo ông Nguyễn Hoàng Lộc-Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn: Mặc dù chúng tôi đã cải tiến đến 10 bộ phận. Song so với các máy đập lúa thông thường, loại máy cải tiến này không đắt hơn là bao, hiện giá thành khoảng 12 triệu đồng, tức chỉ cao hơn 500.000 đồng, nhưng điều quan trọng là độ an toàn được tăng lên rõ rệt.

Sau 2 năm nghiên cứu, chế tạo, đến nay Viện Nghiên cứu Khoa học - Kỹ thuật bảo hộ lao động đã sản xuất thử nghiệm và đưa vào sản xuất được một vài chiếc máy cải tiến. Hiện Viện cũng đang có kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn an toàn riêng cho các máy đập lúa và sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cần thiết đối với bà con nông dân.

Theo Nhân Dân (Nông nghiệp An Giang)


° Các tin khác
• Chào bán máy nông nghiệp
• Chào bán máy gặt lúa
• Cung cấp máy sấy gỗ
• Một số tiến bộ công nghệ đang được chào bán
• Một nông dân sáng chế thành công máy bơm nước đạp chân
• Máy tuốt bắp của người dân tộc K'Ho
• Lão nông với máy cắt hành tự động

 

Trang web được thiết kế và lưu trữ tại VietnamNetweb