Tìm kiếm thông tin:
  Chuyên đề Bạn nhà nông
Nuôi
Trồng
Giống
Vật tư
Thiết bị - Công cụ
  Nhà nông tôn vinh
DNghiệp thân thiện
SPhẩm ưa chuộng
Nông dân thành đạt
  Trao đổi kinh nghiệm
Kinh nghiệm SX
Hỏi & đáp
  Danh bạ Bạn nhà nông
Cơ quan - Ban nghành
Hội - Hiệp hội
DN Sản xuất
DN Chế biến
DN D.Vụ-Thương mại
Trang trại
  Giới thiệu Bạn nhà nông
Website
Cẩm nang
Hồ sơ
Liên hệ


 Thiết bị - Công cụ

Đồng Tháp đẩy mạnh cơ giới hóa sau thu hoạch:Sinh lợi hấp dẫn

Theo thống kê của các chuyên gia, với cây lúa tổn thất sau thu hoạch ở 5 công đoạn cắt, gom, vận chuyển, suốt, phơi chiếm tới 9% sản lượng. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại, tiết kiệm chi phí và tăng thu nhập cho nông dân, Đồng Tháp đang có nhiều nỗ lực thực hiện cơ giới hóa các khâu sau thu hoạch.

Những người bạn mới của nhà nông.

Chiếc máy gặt xếp dãy thứ 40 của doanh nghiệp tư nhân cơ khí Đại Lợi được xuất xưởng vào ngày 19 tháng Giêng âm lịch. Người mua là anh Lê Quang Trạng ở xã Long Hưng A, huyện Lai Vung. Anh tin đây là ngày tốt. Sau nghi thức cúng cơm thành kính ngay tại ruộng với sự chứng kiến của những người cao tuổi trong dòng họ, anh cho nổ máy và cắt trình diễn hơn 2 ha lúa đông xuân của nhiều gia đình trong thân tộc. Anh đặt mua chiếc máy này giá 21 triệu đồng vào ngày mùng 9 Tết, cũng là ngày tốt với hy vọng ăn nên làm ra từ dịch vụ cắt lúa thuê. Anh Trạng giải thích: “Xã này phần lớn là ruộng manh, nhưng tới mùa thu hoạch, tìm lao động cắt lúa thật trần ai. Nhiều người vừa sạ xong đã phải đặt trước với người cắt lúa rồi”. Anh Lê Tấn Đại, chủ cơ sở cơ khí Đại Lợi, cũng có mặt trong buổi khai trương này, đã cho biết thêm: “Máy được bảo hành 100 ha hoặc trong 6 tháng. Cũng ngày hôm đó, công nhân của chúng tôi đang có mặt tại xã biên giới Thường Phước, huyện Hồng Ngự, theo dõi kỹ thuật ngày ra đồng đầu tiên của chiếc máy gặt tại ruộng nhà anh Đặng Văn Đông”. Hiện nay, Đại Lợi là cơ sở duy nhất trong tỉnh Đồng Tháp sản xuất máy gặt xếp dãy. Máy gặt bây giờ đã được cải tiến, có thêm bộ điều chỉnh cắt được cả lúa thấp giàn và cao giàn, cắt được đủ các cỡ dài ngắn theo yêu cầu của nông dân. Viện Cơ điện nông nghiệp (Bộ NN& PTNT) đã mời anh Lê Tấn Đại, chủ cơ sở, tham dự Diễn đàn về công nghệ sau thu hoạch tổ chức vào cuối tháng 2 vừa qua tại tỉnh Sóc Trăng. Anh Đại cho biết chỉ trong một tháng, từ sau khi giao chiếc máy gặt xếp dãy cho xã Long Hưng A, cơ sở Đại Lợi đã cung cấp thêm 10 máy cho nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Đến nay, nông dân Đồng Tháp đã trang bị 274 chiếc máy gặt, nhiều nhất ĐBSCL, đáp ứng 10% nhu cầu thu hoạch lúa đông xuân. Anh Hồ Văn Alô, Cố vấn kỹ thuật Văn phòng Tư vấn sau thu hoạch, phân tích lợi thế: “Cắt bằng liềm, lúa rụng 2,5%. Cắt bằng máy lúa rụng ít hơn, chỉ 1%”. Nông dân gặt lúa bằng máy ngày càng nhiều, đã sắm 202 chiếc chỉ riêng trong năm 2005, nhiều gần 5 lần so với cả 3 năm trước đó. Tại huyện vùng sâu biên giới Tân Hồng, 80 chiếc máy hoạt động suốt ngày, mỗi máy thay thế từ 35 đến 40 lao động cắt lúa, mà vẫn không phục vụ kịp nhu cầu của nhà nông. Máy rải lúa rất đều, mớ lúa mỏng nên hạt khô đúng độ. Các bạn hàng chuyên mua lúa gạo hiểu rõ giá trị tăng thêm của hạt lúa được xử lý qua công nghệ sau thu hoạch. Chị Võ Thị Duyên, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết hiện giá mua lúa cắt bằng máy cao hơn lúa cắt bằng tay từ 50-100 đồng/kg. Nếu trước đây, khi thấy chiếc máy gặt trên đồng ruộng, nông dân còn ngập ngừng phân vân, thì nay đã trông đứng trông ngồi khi thấy máy chạy ngọt lịm và xếp những dãy lúa đẹp mắt ở ruộng gần bên. Không mê sao được khi cắt tay tốn tới 70.000 đồng/công, trong khi cắt máy nhanh hơn, nhiều hơn, lúa bán được giá hơn mà tốn ít hơn, chỉ 60.000 đồng.

Chuẩn bị chở can nước lớn ra ruộng tiếp tế cho nhóm nhân công của mình, chủ máy Phạm Văn Tài ở xã Tân Công Chí, cho biết vụ đông xuân này, máy và người đều làm không kịp nghỉ: “Tôi trực tiếp điều động một đội lao động 19 người chuyên đi theo máy để gom lúa. Phần nhiều ruộng ở Tân Hồng là những cánh đồng lớn. Người dân chỉ chấp nhận cắt lúa máy nếu chủ máy bao luôn công gom lúa”. Vụ năm trước, nhóm của anh đã cắt được 500 công, vụ đông xuân này 600 công. Anh Tài rất phấn khởi: “Chiếc máy gặt xếp dãy trị giá 23 triệu đồng, nay đã được thu hồi gần đủ vốn”. Máy gặt lúa thì rất ngon lành nhưng nhà nông sẽ không ưng nếu chủ máy không huy động được lao động chuyên gom lúa. Chị Võ Thị Duyên, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng, cho biết: “Không có lực lượng này, máy chịu chết”.

Cơ hội sinh lợi cho hộ nghèo.

Ở Đồng Tháp, không chỉ những nông dân khá giả, những hộ nghèo cũng được tạo cơ hội sinh lợi để thoát nghèo từ chương trình sử dụng công nghệ sau thu hoạch. Từ sau Tết Nguyên đán, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã bàn giao không hoàn lại 9 máy gặt xếp dãy cho những nhóm nông dân nghèo ở hai huyện vùng sâu Tam Nông và Tân Hồng. Nhận máy được 20 ngày, nhóm của anh Huỳnh Văn Gọn ở xã Phú Hiệp đã cắt được 200 công với giá 65.000 đồng/công. Anh cho biết: “Nhóm chúng tôi gồm 15 người. Cắt một công thì thù lao cho đội cắt là 20.000 đồng, cho đội gom 30.000 đồng, còn 15.000 đồng lập quỹ bảo trì máy và ăn chia khi kết thúc mùa vụ”. Tuy mới ở giai đoạn thí điểm trong vụ đông xuân 2005-2006, nhưng các mô hình máy gặt xếp dãy cho người nghèo của Trung tâm Khuyến nông đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho những hộ nông dân nghèo ít đất và không đất sản xuất. Anh Đoàn Vĩnh Phúc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ nay đến cuối năm sẽ trang bị thêm 14 máy gặt xếp dãy cho những nhóm nông nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 50% tiền mua máy cho 6 hợp tác xã nông nghiệp và 8 tổ chuyên cắt lúa ở các huyện. Tổ cắt lúa ấp Tân Lộc A, xã Tân Dương (huyện Lai Vung) được Trung tâm khuyến nông tỉnh bàn giao máy gặt xếp dãy trị giá 22 triệu đồng vào cuối tháng 2 vừa qua. Anh Nguyễn Văn Thiệt, một thành viên tổ cắt lúa Tân Lộc A, cho biết tổ gồm 12 người hùn vốn 11 triệu đồng, phần còn lại do tỉnh hỗ trợ. Tiền cắt lúa là 45.000 đồng/công và doanh thu được ăn chia như sau: 50% cho lao động trực tiếp cắt lúa, 40% cho những người hùn vốn và 10% để dành tu bổ, bảo trì. Khác với những chủ máy gặt có lực lượng nhân công hợp đồng gom lúa tại ruộng, tổ cắt lúa của ấp Tân Lộc tổ chức một đội lao động, độc lập với máy cắt, chịu trách nhiệm gom vác và vận chuyển lúa tới tận nhà với giá 110.000 đồng/công. Như vậy, chủ ruộng chỉ tốn 155.000 đồng/công là lúa sẽ được cắt bằng máy và chuyển về tới sân nhà.

Văn phòng tư vấn sau thu hoạch tỉnh Đồng Tháp đang thiết lập dự án xây dựng thí điểm mô hình liên hoàn cắt-gom-suốt - sấy và vận chuyển. Cố vấn kỹ thuật Hồ Văn Alô trưng ra một ví dụ: Anh Nguyễn Thanh Tùng ở xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, hiện có 2 máy suốt loại lớn, 3 rờmoọc kéo, một lò sấy 16 tấn đang làm dịch vụ suốt, sấy và vận chuyển lúa. Anh có thể hợp tác với ông Võ Văn Đông ở cùng xã đang làm dịch vụ cắt lúa bằng máy để hình thành một đội lao động chuyên trách sau thu hoạch, từ công đoạn cắt lúa ngoài ruộng cho đến chuyển lúa vào lò sấy. Theo anh Tùng, sự hợp tác này trước hết phụ thuộc vào năng suất và hiệu quả lao động của mỗi phía: “Nếu công đoạn cắt máy và gom vác bị trở ngại thì các công đoạn sau như suốt, vận chuyển, sấy ắt phải gặp đình trệ. Không chỉ thu nhập của những người lao động ở các công đoạn này sẽ bị ảnh hưởng, mà mình còn bị thất tín với chủ lúa”.

bannhanong.vietnetnam.net (10/4/2006)

(Nguồn:CTOl)


° Các tin khác
• Máy cắt cỏ,dọn lá của anh nông dân Đặng Xuân Trường.
• An Giang: HTX nông nghiệp được hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp.
• Máy phòng chống dịch cúm gia cầm.
• Lọc nước biển thành nước ngọt.
• Silo cải tiến: Công nghệ mới VN dùng bảo quản nông sản.
• Máy bơm nước chạy bằng sức gió có giá 300.000 đồng.
• Cần Thơ: Máy gặt xếp dãy Đại Lợi ra đồng.
• Xây dựng nhà máy đóng tàu Năm Căn trọng tải 5.000 - 10.000 tấn .
• Máy phân loại gạo theo màu sắc.
• Công ty Máy kéo và máy nông nghiệp - Bạn của nhà nông.
• Một thanh niên nông thôn chế tạo máy bơm nước đa năng.
• Nhà khoa học chân đất và hệ thống bơm nước độc đáo .
• Trong vòng 5 phút, biết thực phẩm có độc hay không .
• Doanh nghiệp cơ khí TPHCM hướng đầu tư vào ĐBSCL.
• Dụng cụ thử nhanh nhận biết dư lượng thuốc trừ sâu.
• Bán máy nông nghiệp trả chậm cho nông dân .
• Máy gieo hạt của ông “Đậu tương"
• Đã có máy trồng,thu hoạch đậu phụng.
• Máy sạ hàng cải biên Hòang Thắng.
• Cơ giới hóa thu hoạch lúa:lợi ích nhiều bề.
• Đầu tư hơn 500 tỷ đồng cho chế biến cà phê.
• Máy đập tướt chỉ xơ dừa liên hoàn.
• Hậu Giang:phổ biến máy cắt lúa xếp dẫy.
• Công nghệ nhà kính Israel dùng cho cây trồng tại Việt Nam.
• Sáng chế máy sạ lúa vì nông dân.
• Chế tạo máy cấy lúa mini
• Cơ giới hóa vùng mía chuyên canh Đồng Nai.
• Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL:thực trạng-giải pháp.
• Máy bóc vỏ lạc ,lẩy hạt ngô Minh Thành.
•  Dây chuyền chế biến cơm dừa “made in VN”.

 

Trang web được thiết kế và lưu trữ tại VietnamNetweb