Cần Thơ: Máy gặt xếp dãy Đại Lợi ra đồng.
Xưởng cơ khí Đại Lợi do anh Lê Tấn Đại, 42 tuổi làm chủ, là nơi chuyên sản xuất nhiều loại máy phục vụ cho ngành xây dựng và sản xuất nông nghiệp. Anh đã có buổi trình diễn máy cắt lúa xếp dãy do mình chế trên cánh đồng xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Buổi trình diễn này đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, lãnh đạo địa phương và đông đảo nông dân. Sau buổi trình diễn, anh đã bàn giao 4 chiếc máy này cho 4 tổ nông vụ xã Phú Hiệp theo hợp đồng của "Chương trình khuyến nông cho hộ nghèo" do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp tài trợ. Mỗi máy trị giá 20 triệu đồng.
Vùng quê xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp là nơi Lê Tấn Đại sinh ra và lớn lên... Anh tâm sự: "Đầu năm 1986, sau khi tốt nghiệp Trường Kỹ thuật Cao Thắng TP.Hồ Chí Minh, tôi được nhận vào làm việc tại Xưởng Cơ khí tỉnh Đồng Tháp. Gần 10 năm công tác, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đồng thời hiểu rõ những nhu cầu thiết yếu của ngành sản xuất nông nghiệp, xây dựng ở miền Tây. Đến năm 1995, tôi quyết tâm gom hết số vốn dành dụm được thành lập xưởng cơ khí mang tên Đại Lợi tại phường 4, thị xã Cao Lãnh, với đầy đủ máy móc, trang thiết bị, bắt đầu công việc làm ăn mới. Đây cũng là mơ ước của tôi từ khi còn đi học ".
Bằng kinh nghiệm sẵn có cộng với tấm lòng luôn say mê học hỏi, tìm tòi sáng tạo và trí thông minh, anh đã sáng chế và sản xuất thành công nhiều sản phẩm độc đáo phục vụ trong ngành xây dựng như: máy khoan cọc nhồi, máy đóng cừ tràm, máy trộn bê tông, máy ép cọc bê tông 10T-300T, máy sửa sắt dàn giáo… được nhiều nhà thầu ở các tỉnh, thành ĐBSCL và miền Đông Nam bộ ưa chuộng.
Giữa năm 2004, anh Đại tiếp tục cho ra lò chiếc máy cắt lúa xếp dãy với ưu điểm là cắt được lúa trên đất khô lẫn trên đồng có nước xăm xắp, cây lúa đứng và lúa có độ nghiêng không quá 30 độ... rất thích hợp ở Đồng bằng Nam bộ. Bình quân mỗi giờ, máy có thể cắt xong 4 ha ruộng lúa, chỉ hao tốn khoảng 5 lít dầu, máy còn có bộ phận điều chỉnh khi cắt lúa cao-thấp theo ý muốn của chủ ruộng... Nguyên liệu chế tạo máy phần lớn là các mặt hàng có sẵn trong nước như: ốc, sắt, bạc đạn, dây xích, dây gào, cánh nhựa, lưỡi thép... Đặc điểm máy này vừa gọn, vừa ít bị hư hỏng, cắt lúa bằng lưỡi thép, độ hao hụt không đáng kể, nên rất tiện sử dụng mà giá thành lại rẻ hơn các máy cùng loại từ 500.000đ–600.000đ/máy, chủ xưởng bảo hành lưỡi cắt trong 6 tháng.
Ngoài cắt lúa, máy còn có thể trục đất, xới đất, phát gốc rạ và gắn rơ-moóc để kéo lúa... Từ năm 2005 đến nay, cơ sở của anh Đại đã bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 40 máy. Khách hàng đến đặt mua rất nhiều. Hiện tại, muốn nhận được hàng phải đặt trước 1 tháng.
Sau khi xem trình diễn, các nhà khoa học và nông dân đã đánh giá cao hiệu quả của máy cắt lúa xếp dãy mang thương hiệu Đại Lợi. Ông Hai Phượng-nông dân ở xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, nhận xét: "Máy này so với các máy trước thì hiệu quả hơn, bởi nó có bộ phận tăng đưa lên xuống, muốn cao-thấp tùy ý mình, thời gian cắt nhanh. Giá thành máy này khoảng 20 triệu đồng là rất rẻ....". Anh Huỳnh Thanh Tuấn, cán bộ nông nghiệp xã Phú Hiệp cho biết: "Hiệu quả của máy cắt lúa xếp dãy của xưởng cơ khí Đại Lợi so với các máy khác có cải tiến tốt hơn. Máy cắt lúa để mớ rất đẹp, những vùng đất sình lầy, lúa sập, máy vẫn cắt tốt, vận động gọn nhẹ hơn".
Trong những lần tham dự các hội chợ thương mại, nông-công nghiệp trong và ngoài tỉnh, sản phẩm máy xây dựng và máy nông nghiệp mang tên Đại Lợi của Lê Tấn Đại được nhiều người đánh giá cao và đạt nhiều giải thưởng giá trị.
Về dự tính tương lai, ông chủ trẻ Lê Tấn Đại "bật mí": "Mình đang nghiên cứu để sáng chế ra chiếc máy gặt đập liên hợp có tính năng vừa cắt vừa suốt... cho ra hạt lúa tại ruộng trong khoảng thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất và bền nhất. Tới thời điểm này, mọi việc đang tiến hành suôn sẻ, chiếc máy gặt đập liên hợp mang thương hiệu Đại Lợi sẽ được tung ra thị trường trong thời gian gần đây. Mục tiêu chính là làm sao cho nông dân giảm được chi phí thuê nhân công, giảm tỷ lệ hao hụt... so với cách làm thủ công truyền thống".
bannhanong.vietnetnam.net (31/3/2006)
(Nguồn:CTOl) |