Máy gieo hạt của ông “Đậu tương"
Năm nay 61 tuổi, mái tóc đã bạc trắng, nhưng hàng ngày ông vẫn sánh vai cùng cánh thợ trẻ trong xưởng rèn. Mới đây, ông cho ra lò chiếc máy gieo đậu tương. Có lẽ vì vậy mà ông có thêm cái tên ngộ nghĩnh là ông “Đậu tương”. Tên thật của ông là Nguyễn Hữu Tùy.
Từ thương hiệu CCB-502...
Ông Tùy cho biết, từ khi xuất ngũ vào năm 1973 đến nay, ông đã gắn bó đời mình với ngành cơ khí nông nghiệp. Chán cảnh sống ở nơi phồn hoa đô hội, ông chuyển về làm việc tại một xí nghiệp máy kéo của huyện Ứng Hòa (Hà Tây). Nhưng đến khi về hưu, ông lại rơi vào tình trạng “cấy không hay, cày không biết” trong khi sức khỏe, kinh nghiệm và bầu nhiệt huyết vẫn rất mạnh mẽ.
Ấp ủ ý tưởng phải làm một việc ra trò để chứng minh sự hữu ích của mình trên mảnh đất quê hương, ông hạ quyết tâm thành lập doanh nghiệp chuyên về cơ khí phục vụ nông nghiệp. Đầu năm 2002, doanh nghiệp cơ khí nông nghiệp mang cái tên khá lạ là CCB-502 của ông ra đời, “đại bản doanh” đóng tại thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa (Hà Tây)...
Doanh nghiệp có 15 công nhân, với mức lương tối thiểu là 1,3 triệu đồng/tháng dù nhiều người ông phải đào tạo lại từ đầu. 5 năm qua, ông bắt đầu mày mò chế tạo các chủng loại máy cơ khí nông nghiệp, trong đó có chiếc máy gieo đậu tương mang thương hiệu CCB-502 đang được nông dân trên khắp mọi miền đất nước sử dụng.
...đến chiếc máy gieo đậu tương siêu tốc.
Từ năm 2002, ông đã ấp ủ ý tưởng sáng chế chiếc máy gieo đậu tương khi thấy việc gieo đậu tương của nông dân quê mình trong vụ đông vừa quá khổ cực vừa lãng phí giống và không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, mật độ cây trồng thưa. Trong khi thời điểm gieo trồng đậu tương vụ đông lại chỉ trong 10-15 ngày. Nếu gieo thủ công thì không chỉ tốn công sức mà diện tích và công suất còn bị hạn chế rất nhiều. Trong khi cả nước đang có phong trào khuyến khích đẩy mạnh trồng cây đậu tương vụ đông, bởi trồng đậu tương mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.
Nghĩ là làm. Ông bắt đầu thức thâu đêm, miệt mài, cặm cụi vẽ những bản thiết kế. Sau nhiều bản nháp, cuối cùng bản vẽ chi tiết cũng hoàn thành. Năm 2004, cỗ máy đầu tiên thành hình nhưng chỉ gieo được đậu ở những vùng đồng đất thuận lợi, không gieo được ở những đồng sâu, mấp mô, đồi dốc. Mặt khác, những hạt đậu gieo ra đất không đều. Cỗ máy lại quá cồng kềnh, di chuyển khó khăn...
Không chịu lùi bước, ông lại hì hục tìm tòi sách vở, nghiên cứu, học hỏi. Sau 7 lần phá đi, làm lại, cuối cùng chiếc máy gieo đậu tương của ông cũng đã hoàn thiện. Bộ chia hạt được tạo thành bộ chia tập trung chứ không gắn riêng lẻ vào từng ống chia. Nguyên liệu được thay bằng các vật liệu nhẹ để máy dễ di chuyển, độ vỡ của hạt được giảm thiểu xuống còn 0,05%.
Đặc biệt, cỗ máy đã có thể leo lên những vùng đồi gò, lội xuống những vùng chiêm trũng với những thao tác chuẩn xác, liên hoàn và nhiều tính năng như: gieo đậu, phạt gốc rạ phủ hạt tạo độ ẩm, đè hạt tiếp đất làm tăng khả năng nẩy mầm. Máy có 3 mật độ gieo, phù hợp với từng yêu cầu kỹ thuật cây trồng: 30-35 hạt/m2, 40-45 hạt/m2 và 50-55 hạt/m2. Ông đã lái máy làm thử nghiệm trên mọi loại hình đồng đất và kết quả thật mỹ mãn: năng suất gieo của máy đạt tới 5ha/ngày, bằng công sức của gần 200 lao động thủ công.
Và một cỗ máy đa năng.
Nhưng ông lại nghĩ - chẳng lẽ nông dân mua máy về chỉ để làm mỗi việc gieo hạt đậu rồi bỏ không. Vậy là ông lại tiếp tục tìm tòi, lắp đặt máy gieo đậu lên máy cày. Cuối cùng, chiếc máy đa năng của ông ra đời đã thực sự gây nhiều ngạc nhiên: ngoài gieo đậu, máy còn đảm nhiệm được các công việc như cày ải, cày nước trồng lúa, làm nhỏ đất, bơm nước, vận chuyển nội đồng... mà việc thay đổi tính năng của máy, theo ông là “chỉ với những thao tác đơn giản để tháo bộ phận này ra, lắp bộ phận khác vào”.
Nhờ vậy, công trình sáng chế máy gieo đậu tương siêu tốc, đa năng của ông đã đoạt giải tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 8 năm 2005, được nhận bằng khen lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam.
Tuy đã thành công với chiếc máy gieo đậu tương, nhưng ông vẫn chưa thỏa mãn. Hiện ông còn ấp ủ nhiều ý tưởng sáng tạo, trong đó có ý tưởng cho ra đời một chiếc máy gặt đập liên hợp với mục tiêu cải tiến bộ phận đập, làm nhẹ máy, sử dụng nguyên lý đập tuốt. Ông đã đến Trường Đại học Nông nghiệp 1 (Hà Nội) để đặt vấn đề hợp tác về việc hoàn thành bộ phận đập không theo nguyên lý chống đập, có chi phí thấp nhất, kết cấu nhỏ, nhẹ để hợp lý việc gặt đập trên ruộng lúa nước Việt Nam.
Nguồn:SGGP-bannhanong.vietnetnam.net (17/3/ 2006)
|