Hãy chọn con đường cơ giới hóa thu hoạch lúa ở ĐBSCL!
Thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch là khâu gây
thất thoát rất lớn trong canh tác lúa ở nước ta hiện nay. Theo nhận định của
giới chuyên môn, nếu không được tổ chức tốt, không trang bị phương tiện, máy móc
phù hợp, kịp thời, mức độ thất thoát có thể lên đến trên dưới 20% sản lượng lúa
hàng năm .
Đồng bằng sông Cửu Long tuy là vựa lúa lớn của cả nước nhưng ở
nhiều vùng, trình độ canh tác của nông dân còn rất hạn chế, khâu thu hoạch lại
chủ yếu thực hiện bằng thủ công nên không những chi phí tăng cao mà việc thất
thoát vẫn còn khá lớn.
Hiện nay, trong khâu thu hoạch lúa và sau thu
hoạch, nước ta đã có nhiều loại máy móc kỹ thuật hữu ích có thể giúp nông dân đỡ
nặng nhọc, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và giảm thất thoát, như ứng dụng
máy cắt cỏ để thu hoạch lúa, máy gặt liên hợp, máy gặt xếp dãy, máy sấy lúa...
Thế nhưng, đa số nông dân chưa có điều kiện tiếp cận và áp dụng. Một phần là do
sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, kinh tế hộ còn khó khăn nên chưa thấy cơ giới hóa
là cần thiết; một phần cũng do chưa chọn được những loại máy nào thật phù hợp
với đồng đất lầy thụt, chân ruộng không bằng phẳng (có nơi thường ngập sâu hơn
30-40 cm) nên khó có thể dùng cơ giới để thu hoạch. Nông dân tại nhiều vùng lệ
thuộc nước trời cũng chưa quen việc mang lúa đi sấy như các tỉnh ven sông Tiền,
sông Hậu nên dễ bị tổn thất khá lớn do lúa ẩm, mốc, lên mộng và mất phẩm chất
gạo dẫn đến mất giá.
Đây là những trở ngại không nhỏ cho việc cơ giới hóa thu hoạch
lúa ở ĐBSCL từ bấy lâu nay.
Mối lo lớn nhất của bà con hiện nay là thiếu công lao động cắt
lúa. Hiện nay nhiều vùng lúa ở Cà Mau, Sóc Trăng, Vĩnh Long... do thiếu nhân
công cắt lúa nên giá đã bị đẩy lên trên dưới 100.000đ/công, khiến người làm lúa
không có lãi bao nhiêu. Mấy năm qua các tỉnh ĐBSCL không chỉ thực hiện chuyển
dịch sản xuất sang nuôi tôm như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu... mà còn đẩy nhanh
tốc độ cơ giới hóa vào tất cả các khâu sản xuất trên các vùng lúa còn lại, đặc
biệt là đối với khâu thu hoạch lúa, khiến người làm thuê muốn mất việc phải
chuyển nghề. Mặt khác, lực lượng lao động nông nghiệp trong khâu này phần lớn
nay đã già yếu, không kham nổi công việc quá cực nhọc nên họ cũng tìm công việc
làm khác nhẹ nhàng, ổn định hơn tại địa phương. Trong khi đó, diện tích nhiều
vùng lúa lại bị thu hẹp đáng kể do chuyển sang nuôi tôm. Lúc bình thường người
lao động cũng không còn đủ việc làm. Nhìn chung, tình trạng thiếu lao động nông
nghiệp là do lực lượng lao động nông nghiệp chính hiện nay chủ yếu là người lớn
tuổi hoặc phụ nữ nên họ không kham nổi những cánh đồng lúa lớn. Còn thanh niên
trẻ thường thích tìm những việc làm khác ở các nhà máy, xí nghiệp, các khu đô
thị nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt những nông dân đã chuyển sang nuôi tôm cũng không
còn ham thích trồng trọt nữa.
Để bảo vệ tốt thành quả sản xuất của nông dân, thiết nghĩ các
địa phương cần sớm vận động, tập hợp, tổ chức nông dân lại theo những mô
hình hợp tác phù hợp. Cần thực hiện tốt việc liên kết trong sản xuất như: cùng
nhau thực hiện qui hoạch sản xuất theo khu vực, cùng nhau ứng dụng tiến bộ kỹ
thuật mới, hỗ trợ nhau thu hoạch theo kiểu “vạn dần đổi công” như trước đây. Đó
cũng là điều kiện tập hợp vốn để đầu tư mua sắm trang bị máy gặt, máy sấy... mà
không phải trông chờ đến sự hỗ trợ từ vốn vay vì sẽ dễ dẫn đến trễ mùa vụ thu
hoạch và còn phải trả lãi. Các ngành chức năng chuyên môn các địa phương cần đẩy
mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn kỹ thuật cho nông dân chọn mua các loại máy
móc phù hợp với điều kiện từng địa bàn. Nên có chính sách khuyến khích tư nhân
bỏ vốn đầu tư máy, nhân lực phục vụ thu hoạch lúa bằng các hình thức cho vay
vốn, miễn thuế... chẳng hạn.
Nguồn:BĐT CẦN THƠ
|