Các dạng nhà mái che trong canh tác rau hoa
Canh tác rau và hoa trong nhà nilông, nhà lưới là các tiến bộ kỹ thuật đã được các công ty nước ngoài thâm nhập và áp dụng đầu tiên tại Đà Lạt.
Do chi phí làm nhà kiếng cao nên người nông dân đã học tập, cải tiến để xây dựng các mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà nilông phù hợp với điều kiện địa phương và thời vụ canh tác.
Các mô hình này đã thật sự có tính thuyết phục cao đối với người nông dân vì có những ưu điểm cơ bản sau:
- Tăng hiệu quả kinh tế trong điều kiện sản xuất thâm canh, nhất là trong vụ mưa (hè thu).
- Ít sâu bệnh, hạn chế sử dụng thuốc hoá học, giảm lây lan nguồn sâu bệnh từ môi trường xung quanh, dễ chủ động trong khâu bảo vệ thực vật.
- Tăng hiệu quả sử dụng phân bón, hạn chế rữa trôi phân bón.
- Chủ động điều khiển được độ ẩm đất (rất có ý nghĩa đối với sinh trưởng cây trồng) không phụ thuộc nhiều vào thời tiết nhất là vụ mưa.
- Ngăn cản và hạn chế được cấp gió mạnh ảnh hưởng cây trồng.
- Trong nhà có mái che có thể kết hợp trang bị một số dây chuyền thiết bị tự động trong canh tác: Hệ thống tưới phun mưa, phun sương tự động, cung cấp phân bón hổn hợp dạng lỏng qua hệ thống ống dẫn, sử dụng đèn chiếu sáng điều khiển sinh trưởng cây trồng, nhựa phủ luống trồng, phân trộn (compost)….
- Rút ngắn thời gian sinh trưởng cây trồng, làm tăng hệ số sử dụng đất.
Qua canh tác rau, hoa trong nhà có mái che nông dân đều ghi nhận tăng được năng suất và phẩm chất rau, hoa một cách rỏ rệt nhất là vụ mưa chính vì có nhiều ưu điểm do đó hiện nay các mô hình này thường được áp dụng cho sản xuất rau sạch, cao cấp hay sản xuất các giống hoa mới nhập nội, chất lượng cao, trồng với mật độ dày.
Tuy nhiên mặt hạn chế là chi phí xây dựng cao nên phạm vi ứng dụng mô hình này còn ít. đồng thời sản xuất rau, hoa trong nhà có mái che là phải tính khấu hao cơ bản và giá thành nông sản do đó đòi hỏi giá rau, hoa phải cao và thị trường ổn định tương ứng với chất lượng sản phẩm được đưa ra.
Bên cạnh đó một số nông hộ do chưa hiểu hêt được tính năng của nhà lưới, nhà nilông nên quy cách thiết kế chưa đúng yêu cầu kỹ thuật về kích thước(cao, dài, rộng) để đảm bảo chế độ thông gió điều hoà ẩm độ, nhiệt độ….
Các dạng nhà mái che chính hiện nay.
Dạng nhà vòm khung sắt, thép: mái phủ nilông hay lưới nhựa.
Đây là dạng nhà được nông dân sử dụng đầu tiên tại Đà Lạt để sản xuất hoa cẩm chướng, hoa hồng tại vùng Cam Ly Đà Lạt sau đó được áp dụng để trồng rau, sạch cao cấp.
Dạng nhà vòm này gồm 4 loại:
- Nhà vòm phủ nilông toàn bộ. (1)
- Nhà vòm phủ nilông ở phần trên mái, chung quanh che phủ lưới nhựa (2).
- Nhà vòm phủ lưới nhựa toàn bộ (3).
- Nhà vòm phủ lưới nhựa toàn bộ nhưng trong quy trình chăm sóc một số giai đoạn có phủ nilông (4).
Quy cách:
Dạng nhà này thường có: Chiều cao: >2m2.
Chiều rộng: > 4m.
Bên trong lắp hệ thống phun tự động.
a. Dạng nhà vòm phủ nilông toàn bộ (loại 1): Có khuyết điểm là ít thông thoáng nên nhiệt độ và độ ẩm không ổn định, nhiệt độ thường lên cao nhất là vào buổi trưa và độ ẩm không khí cũng tăng nhanh sau khi tưới tạo điều kiệ cho nấm bệnh dễ phát triển.
b. Để cải tiến mô hình này nông dân đã học theo mô hinh của công ty Hasfarm làm kiểu nhà vòm (loại 2) trên có mái phủ nilông chung quanh che lưới. Mô hình này có ưu điểm là thông thoáng, hạn chế được sâu bệnh, thích hợp cho việc sản xuất giống trên khay hay xuất rau sạch trong vụ mưa.
c. Dạng nhà vòm phủ lưới nhựa toan bộ (loại 3) áp dụng chủ yếu cho canh tác rau hoa vụ nắng (vụ Đông Xuân).
d. Dạng nhà vòm phủ lưới nhựa toàn bộ, có một số giai đoạn phủ bổ sung nilông (loại 4) đang được áp dụng cho mô hình sản xuất rau sạch vụ mưa.
Thông thoáng thì chủ yếu là che nhà vòm bằng lưới nhựa để thông thoáng và hạn chế sâu, cấp gió mạnh, ánh sáng trực xạ ảnh hưởng đến sinh trưởng cây rau, hoa.
Tại các thời điểm mưa lớn, liên tục nhiều ngày hay tại thời điểm 2 tuần trước khi thu hoạch sử dụng thêm 01 lớp nilông che phủ bên trên để hạn chế bệnh cây và bảo đảm phẩm chất nông sản.
Dạng nhà mái che nghiêng che nilông, khung sắt chữ V
hay bằng tre, Tầm vong,chung quanh phủ lưới nhựa
Đây là dạng nhà đang được nông dân Đà Lạt triển khai sử dụng khá phổ biến vì có chiều cao hơn, đảm bảo thông thoáng, hạn chế sâu bệnh, tuỳ theo mục đích canh tác và diện tích của lô vườn mà có thiết kế chu vi rộng dễ dàng trong chăm sóc, thu hoạch sản phẩm, tiện lợi trang bị các hệ thống tưới tự động, bón phân lỏng, thắp đèn điều khiển sinh trưởng….
Quy cách: Chiều cao thường 3m2 – 3m6, chiều rộng (theo mỗi mái nghiêng) từ 2m8 – 4m2. Tuy có giá thành cao nhưng có ưu điểm là khó gãy đổ, sử dụng lâu.
- Dạng có mái che nghiêng khung bằng tre hay tầm vong chi phí rẻ hơn nhưng thời gian khấu hao ngắn hơn.
Các mô hình này rất thích hợp trong kỹ thuật gieo cây con trên dàn khay (trên vĩ), sản xuất rau sạch các loại hay sản xuất hoa giống mới, dây tây….
Do kiểu nhà này có chiều cao nếu làm tại các vị trí cao hay vùng đồi dễ bị lốc mái nên có thể linh hoạt thiết kế chiều cao và hướng mái thích hợp tuỳ theo khu vực. Một hạn chế chung của cả 2 dạng nhà vòm và nhà mái che nghiêng che phủ nilông là nhiệt độ thường tăng cao do đó cần thiết kế hệ thống tưới phun sương kết hợp với che lưới chung quanh và thông gió ở mái nghiêng sử dụng quạt gió sẽ khắc phục được khuyết điểm này.
Nguồn tin: NNVN |