"Cây sáng kiến" vùng Tứ giác Long Xuyên
Dân vùng Tứ giác Long Xuyên nói trong đồng Tứ giác Long Xuyên có nhiều cây, nhưng có một cây quý hơn bất kỳ cây nào đó là "cây sáng kiến của vùng TGLX"- Ba Nhàn. Anh là thế hệ thứ ba sinh ra và lớn lên trong vùng Tứ giác Long Xuyên (ấp Cần Thuận, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, An Giang). Cùng với lớp cha ông khẩn hoang, lập nghiệp nên anh hiểu được cơ cực của người trồng lúa. Anh từng mơ một chiếc máy và ý tưởng đó đã đeo đuổi anh suốt ngày dài tháng rộng.
10 năm trước, anh bắt đầu mổ xẻ chiếc máy gặt xếp dãy để cải tiến nó. Năm đó, thanh niên trong ấp rủ nhau đi làm xí nghiệp thành phong trào. Ngoài đồng, lúa chín vàng ươm mà thợ gặt vắng tanh. Chòm xóm, phải rước thợ gặt về nhà nuôi cơm. Nghĩ trong bụng, cứ thế này thì mai mốt sẽ ra sao? Anh đem cái máy cắt lúa cải tiến cầm tay ra gặt. Hơn nửa buổi, khua mỏi rời hai cánh tay mà chưa hết 1/3 công ruộng. Thấy không ăn, vài người rủ nhau hùn tiền mua máy gặt xếp dãy. Nào ngờ, đưa về đồng trũng gặp đất lún, lúa ngả nghiêng cắt nhát được, nhát không. Thất vọng, có người bỏ về nhà vài ba bữa không thèm ra ruộng nữa. Còn Ba Nhàn thì cứ thử tới, thử lui nát bấy đám lúa nhà, ai đi ngang cũng dè bỉu..lắc đầu.
Ba Nhàn vẫn cố gắng săm soi từng cơ phận, xem phải cải sửa chỗ nào!?Anh rút ra một nguyên tắc vận hàng máy: "Cọng lúa cũng như sợi tóc, máy gặt xếp dãy cũng như cái tông đơ. Đi một đường mà thấy "ngáo" là không ổn rồi". Ví như vậy, nên anh để ý đến từng chi tiết của chiếc máy. Bước sang vụ hè thu, anh đã tìm được chỗ phải cải tiến và anh đã thành công. Chiếc máy gặt xếp dãy đã nghe lời anh, cắt được lúa ngả khiến cả làng ngỡ ngàng. Một chủ trang trại ở tỉnh Long An chở cùng một lúc hai cái máy nhờ anh cải tiến. Dân đồng ra chợ mua máy, cửa hàng bán máy cũng dặn " Muốn ngon hơn phải đem đến Ba Nhàn chỉnh lại"... Bây giờ, loại máy gặt xếp dãy khổ dài nhất trên thị trường (ngang 1,5 m) do anh chế tạo đã được dân trong vùng chấp nhận.
Tính ra, từ năm 1996, anh đã nhận làm 6 cây cầu treo cho xã và 2.500 cái máy sạ hàng gò bằng tôn phục vụ chương trình ba giảm, ba tăng. Máy sạ hàng của anh, năm nào cũng mang đi triển lãm khắp nơi. Còn tài làm cầu treo của anh, nếu so với Sáu Quý thì trội hơn nhờ bộ tăng- đưa. Lâu ngày, dây văng bị võng, cầu lắc với bộ tăng đưa này chỉ cần tăng vài vòng. Riêng máy gặt, tới nay anh đã cung cấp cho vùng ĐBSCL hơn 100 máy. Ưu điểm, máy nhẹ cắt được ở ruộng trũng, cắt được cả lúa ngã và giá thành hạ. Cái nào cũng vậy, trước khi bán ra anh phải kiểm chứng kỹ càng lại trên ruộng nhà. Hiện tại, anh đang thử nghiệm làm chiếc máy gặt đập liên hợp theo mô hình máy cắt Nhật Bản. Anh bảo: "Đã cắt được rồi, chỉ cần chỉnh trang lại tý nữa thôi".
Vốn là nông dân sản xuất giỏi 5 năm liền, ruộng nhà anh đã trở thành điểm thực nghiệm máy móc. Làm 11 ha lúa, anh sử dụng cơ giới gần như toàn bộ các khâu chỉ trừ xịt thuốc và bón phân. Có cái máy, anh cải tiến sử dụng 10 chức năng như: Bơm nước, cày, xới, trục, trạc, gom lúa, suốt, kéo hạt, sấy...
Nguồn tin: NNVN |