Anh nông dân sáng tạo máy quạt lúa
Bà con nông dân trước kia quạt lúa bằng quạt có khung bằng tre
dán giấy, hay dùng sức gió tự nhiên, tiến bộ hơn thì dùng quạt điện, quạt chuyên
dụng quay tay... Những dụng cụ này đều bất tiện, tốn công sức. Thấy vậy, anh Đỗ
Văn Trai (KV 7, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn) đã mày mò sáng tạo ra chiếc
máy quạt lúa. Máy rất tiện ích được mọi người tin dùng.
Đó là một chiếc máy nhỏ gọn, dài 1m, cao 1,2m, rộng 0,5m có gắn
3 bánh xe để di chuyển dễ dàng. Đặc biệt rất phù hợp với hệ thống đường giao
thông hẹp trong thôn xóm. Trọng lượng máy chừng 35kg. Kết cấu khá đơn giản.
Khung sườn được làm bằng sắt chữ V – 2,5cm. Buồng gió ( d= 40cm), có gắn hệ
thống cánh quạt bằng tôn. Trục cánh quạt quay nhờ motor ¾ sức ngựa. Khi máy vận
hành, chỉ cần đổ lúa vào phễu bên trên, kéo nhẹ cần gạt là lúa tuần tự chảy
xuống và được quạt sạch. Lúc này lúa chắc rơi xuống theo cửa ra một bên, lúa
lừng chảy qua cửa bên cạnh, còn lại lúa lép thì được thổi hẳn ra ngoài. Cửa van
được điều khiển rộng, hẹp tùy theo lúa khô, ướt. Nếu ướt thì đóng nhỏ lại để lúa
xuống ít hơn, còn khô thì ngược lại.

Đơn giản vậy, nhưng cái khó ở đây là làm thế nào để tạo sức gió
tối đa dồn về một phía, và khi lúa có lẫn nhau (lá lúa khô) thì khỏi làm nghẽn
cửa van. Đây là vấn đề “đau đầu”, tốn thời gian của anh Trai.
Lúc đầu không nghĩ yếu tố này, nên máy trục trặc liên tục,
tưởng chừng như không thể khắc phục được. Có lúc đem máy quạt lúa cho người
khác, gặp trục trặc đành mang máy về trước nhiều con mắt chế giễu.
Không nản chí anh Trai quyết tâm tìm ra lỗi để khắc phục. Sau
nhiều lần điều chỉnh, thử nghiệm anh đã thành công.
Vận dụng nguyên lý cánh quạt trong máy bơm nước, tại sao có máy
bơm được xa có máy thì không. Anh đã lắp vào buồng gió một lá tôn sát với đầu
cuối cánh quạt. Nhưng cũng chưa đạt, té ra đầu quạt thiếu gió, anh khoét thêm
mấy lỗ nữa. Thế là đạt tối ưu.
Còn cửa van, thay vì làm bằng lá tôn, anh thêm vào một thanh
phay, có đoạn thép xoắn. Chỉ đơn giản vậy mà khắc phục sự cố quấn nhau bị nghẽn.
Phay “nuốt” luôn nhau bay ra ngoài với lúa lép.
Còn cửa ra lúa cũng được điều chỉnh độ nghiêng khác nhau để đạt
được tính tối ưu là phân định rạch ròi lúa chắc, lúa lừng không lẫn lộn.
Nếu nói loại quạt thùng quay tay, phải cần thêm người quay,
luồng lép, bụi bay ra tung tóe chiếm diện tích lớn, lại cồng kềnh, khi vận
chuyển cần 2 người khiêng. Còn quạt điện (loại dùng quạt mát) thì yếu quá phải
quạt nhiều lần và lúa chắc lúa lừng không phân định được... Trong khi đó máy
quạt lúa của anh Trai ưu việt hơn cả: chỉ quạt một lần, chiếm diện tích nhỏ, vận
hành dễ dàng, di chuyển gọn nhẹ, phù hợp với đặc thù đường làng ngõ xóm hẹp của
địa phương. Thời gian quạt lại nhanh, mỗi sào (500m2 - khoảng 300kg lúa) tốn
chừng 10-15 phút.
Ngoài sử dụng cho gia đình, anh Trai còn cho thuê máy rộng rãi
trong vùng với giá 2.000 đồng/sào/lần. Trung bình mỗi vụ cho thuê từ 10-12 mẫu
(3 vụ/năm), hai lần lúc mới gặt và lúc lúa khô.
Ở phường Nhơn Phú – Quy Nhơn ruộng đất không nhiều, trung bình
6-7 sào ruộng/hộ, nên máy nông cụ loại nhỏ như của anh Trai là rất phù hợp. Bà
con ở đây rất ưu dùng.
Anh Trai cho biết giá một chiếc máy quạt lúa của anh chừng 1,2
triệu đồng, nhiều bà con hỏi mua nhưng anh chưa tính đến chuyện sản xuất để
bán.
Hiện anh là chi hội trưởng Hội nông dân KV7, vừa là thợ sửa
chữa các loại motor, điện. Anh dự định đăng ký bản quyền sở hữu công nghiệp cho
chiếc máy quạt lúa của mình và sản xuất bán ra với số lượng nhiều, nếu thị
trường cần.
Máy quạt lúa của anh Trai là một trong 3 công nghệ, thiết bị
được chọn trưng bày chào bán tại Chợ Công nghệ, Thiết bị và Giới thiệu thương
hiệu tiêu biểu (Techmart Quy Nhơn 2005) tại gian hàng của những người nông dân
sáng tạo được tổ chức từ ngày 8-10/4/2005 tại Tp. Quy Nhơn. Chiếc máy đã được
nhiều nhà kinh doanh cơ khí, những nông dân trong vùng và ngoài tỉnh quan tâm
tìm hiểu, ký hợp đồng ghi nhớ chuyển giao.
Nguồn tin: Khoa học phát triển |