Mất cả ngàn tỷ đồng vì thiếu... máy gặt
Theo một khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì hiện
nay, máy gặt lúa mới đảm đương được 1% diện tích ở ĐBSCL, còn lại vẫn làm thủ
công, khiến giá thành hạt lúa tăng và thất thoát lớn.
Những năm qua, ở ĐBSCL từng xuất hiện hàng loạt kiểu dáng máy
gặt lúa do các nhà máy, xí nghiệp hoặc nông dân chế tạo cũng như nhập từ nước
ngoài.
Máy gặt nhập từ nước ngoài thường giá thành cao, không phù hợp
đồng ruộng và cây lúa của Việt Nam nên chưa được nông dân đón nhận.
Nhiều nhà máy, xí nghiệp, viện nghiên cứu của Nhà nước đã đầu
tư nghiên cứu chế tạo máy gặt. Đầu tiên là Nhà máy cơ khí Long An chế tạo theo
thiết kế của nước ngoài được 160 chiếc máy gặt xếp dãy vào năm 1985.
Nhưng rồi cây lúa năng suất cao thay lúa cũ thì loại này bị xếp
xó. Từ năm 1990 – 1994, Viện Công cụ và Cơ giới hóa nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp
và Phát triển Nông thôn), Cty Cơ khí An Giang chế tạo máy gặt rải hàng nhưng
chưa thành công vì khó hoạt động ở ruộng nước và tốn nhân công thu gom, vận
chuyển (mỗi máy cần trên 20 người).
Năm 1998, Viện Cơ điện nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn) và Xí nghiệp Cơ khí Đồng Tâm (Đồng Tháp) sản xuất chiếc máy gặt
đập liên hợp, đoạt giải nhì Hội thi máy gặt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn tổ chức ở Cần Thơ nhưng không phát triển được vì hay hư hỏng.
Năm 2004, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch
(Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng sản xuất được 1 máy gặt đập liên
hợp. Tuy nhiên đến nay, nó đang được giao cho ông Lưu Văn Tiễn ở xã Trường Xuân
(Tháp Mười, Đồng Tháp) thử nghiệm trên ruộng. Máy của Cty Cơ khí Long An cũng
đang chạy thử nghiệm.
Trong khi chờ máy của các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp,
nhiều nông dân đã mày mò chế tạo máy gặt. Nổi tiếng nhất, xôn xao dư luận một
thời là ông Nguyễn Đức Tâm ở Cát Tiên (Lâm Đồng) chế máy cắt cỏ của Nhật thành
máy gặt lúa một cách đơn giản, rẻ tiền, có năng suất cao.
Sáng kiến này từng được ứng dụng khá rộng rãi. Tuy nhiên, nó
không thể phổ biến rộng hơn vì chỉ thích hợp với một số loại lúa, độ rung máy
lớn khiến lao động nhanh mệt mỏi, máy lại hay hỏng mà không có phụ tùng thay
thế.
Nông dân sản xuất máy gặt đập liên hợp tự hành sớm nhất là ông
Nguyễn Văn Đền, chủ một cơ sở cơ khí ở thị xã Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ông bắt đầu
mày mò từ năm 1995, sau nhiều lần thử nghiệm đã thành công và ông sản xuất liền
10 chiếc bán cho dân. Đến nay, tất cả đều bị người mua trả lại bởi hệ thống bánh
xích do ông chế tạo mau hỏng.
Ông Bùi Hữu Nghĩa ở xã Long Thạnh (Thủ Thừa, Long An) được
phong Anh hùng Lao động vì chế tạo được máy gặt đập liên hợp gọn, nhẹ, rẻ tiền
nhưng máy chỉ hoạt động tốt ở ruộng khô, lúa đứng, với ruộng nước, lúa đổ thì
hoạt động còn khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Hoàng ở xã An Hòa (Châu Thành, An Giang) chế tạo
máy gặt liên hợp nặng đến 3 tấn và máy cũng chỉ hoạt động tốt ở ruộng khô, lúa
đứng.
Tóm lại, các máy gặt do nông dân chế tạo đều tận dụng vật tư
thiết bị cũ nên độ chính xác không cao, hay hư hỏng. Nhìn chung, cả nông dân lẫn
các nhà máy, xí nghiệp, viện nghiên cứu trong chế tạo máy gặt mới dừng lại ở
giai đoạn thử nghiệm hoặc theo phong trào và nhu cầu đơn lẻ.
Tất cả đang thiếu sự đầu tư công nghệ và thiết bị chế tạo để có
thể sản xuất hàng loạt. Trên hết là thiếu sự liên kết, hợp tác nên các nguồn lực
còn bị phân tán, rời rạc, tức là thiếu vai trò tổ chức.
Vựa lúa ĐBSCL đang cần một “Trung tâm trình diễn cơ khí hóa
nông nghiệp” như một chợ công nghệ thực hành để tập trung các năng lực nghiên
cứu, ứng dụng, sớm phổ biến đại trà.
Mỗi năm mất tới 720 ngàn tấn lúa
Theo
Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn):
Hiện ở ĐBSCL mới có khoảng 450 chiếc máy gặt xếp dãy, tập trung ở Cần Thơ, Hậu
Giang.
Máy gặt đập liên hợp rất ít ỏi: Nông trường Sông Hậu có 6 cái;
Đồng Tháp sản xuất 10 cái nhưng chưa bán được; các tỉnh Long An, Đồng Tháp rải
rác do nông dân sản xuất thử.
Vào vụ thu hoạch, nhất là Hè Thu, ĐBSCL luôn thiếu người cắt
lúa mặc dù giá cắt có khi lên đến 1,5 triệu đồng/ha. Không có người cắt, lúa
chín rũ ngoài đồng gây hao hụt lớn.
Thất thoát khâu cắt gặt đang chiếm khoảng 4%, với sản lượng 18
triệu tấn thì mỗi năm ĐBSCL bị thất thoát ở khâu cắt gặt là 720.000 tấn, tương
đương 1.440 tỷ đồng (giá 2.000 đồng/kg).
Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến năm
2010 máy gặt đảm đương 15% diện tích lúa ở ĐBSCL.
Theo Tiền Phong (Báo
Điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam)
|