Tìm kiếm thông tin:
  Chuyên đề Bạn nhà nông
Nuôi
Trồng
Giống
Vật tư
Thiết bị - Công cụ
  Nhà nông tôn vinh
DNghiệp thân thiện
SPhẩm ưa chuộng
Nông dân thành đạt
  Trao đổi kinh nghiệm
Kinh nghiệm SX
Hỏi & đáp
  Danh bạ Bạn nhà nông
Cơ quan - Ban nghành
Hội - Hiệp hội
DN Sản xuất
DN Chế biến
DN D.Vụ-Thương mại
Trang trại
  Giới thiệu Bạn nhà nông
Website
Cẩm nang
Hồ sơ
Liên hệ


 Thiết bị - Công cụ

Chiếc máy bóc vỏ tách hạt của cơ sở cơ khí Minh Thành

Chiếc máy bóc vỏ tách hạt của cơ sở cơ khí Minh Thành (Bình Thuận) được trao Huy chương vàng chất lượng sản phẩm tại Tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế - Việt Nam 2004, tổ chức ở TP Hồ Chí Minh. Người ta ấn tượng mãi với "tác giả", một nông dân mới học hết lớp 8 trường làng, nhưng dám nghĩ dám làm và có nhiều ý tưởng táo bạo.

Từ ý tưởng táo bạo...

Chuyện gia đình gãy gánh giữa đường khiến anh Huỳnh Thái Dương buồn phiền, từ giã quê hương huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) đến huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) lập nghiệp. Để trụ được trên mảnh đất mới, anh Dương lấy nghề sản xuất máy tuốt lúa của gia đình ra "canh tác". Muốn có điểm "dụng võ", anh Dương thuê vài chục mét đất, dựng lên cái lều và bắt tay vào hành nghề.

Bình Thuận là một tỉnh nông nghiệp nên nghề gia truyền của anh Dương xem như có đất sống. Thu nhập từ nghề sửa chữa, sản xuất máy tuốt lúa không cao lắm, nhưng đỡ vất vả hơn nhiều so với nghề nông, là người an phận thì cuộc sống như vậy xem như chấp nhận được.

Ý tưởng đột phá muốn trở thành "kỹ sư bất đắc dĩ" xuất phát trong một lần anh Dương đi giao hàng cho khách ở huyện Tánh Linh. Năm 1998, Tánh Linh được mùa bắp lai nên nhà nhà phải nai lưng ra thu hoạch, bóc vỏ, tách hạt.

Tận mắt chứng kiến cảnh người già, trẻ em làm việc cật lực, bật cả máu tay do tách hạt bắp, anh Dương cảm thấy canh cánh trong lòng một ý nghĩ: tại sao không thể sáng chế một cái máy bóc vỏ, tách hạt bắp giống như máy tuốt lúa?

Vốn giàu ý chí và lòng tự tin, anh Dương bỏ qua mặc cảm trình độ, bắt tay ngay vào việc "khai sáng ý tưởng". Trên nền chiếc máy tuốt lúa của gia đình, anh mày mò, nghiên cứu nên cải tiến bộ phận nào để có thể biến cái cũ thành cái mới, cái của nhiều người thành cái của riêng mình.

Nhờ có hiểu biết về máy móc và trải nghiệm thực tế, sau nhiều đêm mua bắp tự vận hành thử nghiệm trên máy tuốt lúa, anh Dương xác định được cơ chế, điểm cần cải tiến đó chính là cái trục suốt và vòng tua của máy.

Bảy tháng trời quần quật cả ngày lẫn đêm, miệt mài bên chiếc máy tuốt lúa, đo cắt, sửa chữa, thêm bớt, tạo răng cưa cho trục, vòng tua cho máy... Thất bại chồng chất thất bại, qua bốn lần thử nghiệm, chiếc máy như ý tưởng vẫn chưa thể hình thành. Số tiền tích góp bấy lâu nay đã "nướng" sạch vào "ý tưởng điên rồ", khiến nhiều người thân quen nhìn anh Dương mà ái ngại...

Đến dám nghĩ dám làm

Trước những lời gièm pha, ngăn cản, anh Dương càng nung nấu quyết tâm phải làm cho được. "Có chí thì nên", anh Dương còn nhớ như in cảm giác sung sướng tột độ của mình và nhiều người dân địa phương khi chiếc máy tách hạt hoàn thiện và đưa ra thử nghiệm trên đồng bắp vào đầu năm 1999.

Hôm ấy mặc dù thời tiết oi nồng, nhưng nhiều người dân vẫn tò mò, hồi hộp cùng tác giả chờ đợi kết quả thử nghiệm. Những hạt bắp văng ra nhảy múa trên sàn máy đều đặn, liên tục, hạt ra hạt, vỏ ra vỏ khiến anh Dương sung sướng ngỡ như tim mình đang vỡ ra, hòa nhịp theo tiếng máy.

Năng suất hoạt động của máy được 3 - 3,5 tấn/giờ, tỷ lệ hao hụt chiếm 0,5%, như vậy xem như ý tưởng đã thành hình. Một triết gia đã từng nói "sự thành công nào cũng có giá của nó", để biến ý tưởng thành một sản phẩm cụ thể, anh Dương gần như khánh kiệt gia tài, và tụt mất 10kg. Kể với chúng tôi về điều này, anh nông dân Huỳnh Thái Dương có gương mặt sạm nắng, cười hiền khô chế thêm: "Vì chiếc máy, tôi lại một lần nữa đứt đoạn tình duyên lần hai vì mê máy hơn mê... vợ".

Chiếc máy ra đời đáp ứng được sự mong mỏi của rất nhiều người nông dân nên nó được đón nhận nhiệt tình. Mái chòi đi thuê của anh Dương trở nên chật chội khi liên tục phải đón tiếp nhiều người dân đến quan sát, chiêm nghiệm và đặt hàng. Máy bán được nên anh Dương có tiền mở rộng sản xuất và xây dựng cơ ngơi của mình thành cơ sở cơ khí Minh Thành và đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ vào năm 2001.

Một điểm ít nông dân ngờ tới là mua một chiếc máy của cơ sở Minh Thành có thể dùng vào hai việc tuốt lúa và tách bắp, máy có thể sử dụng trên mọi địa hình - điều này rất tiện lợi cho nhà nông.

Giá thành một chiếc máy (tùy theo loại) từ 13,5 - 16 triệu đồng. Nếu mua cả xe + máy + hai trục (trục suốt lúa và trục tách bắp) giá 45 triệu. Kể từ khi ra lò cho đến nay, cơ sở Minh Thành đã bán được trên 300 chiếc máy tách bắp cho nông dân các tỉnh có vựa bắp như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đác Lắc...

Máy sản xuất ra bán được trên thị trường, nhưng anh Dương vẫn chưa thỏa mãn với thành công hiện tại mà tiếp tục cải tiến nhằm nâng cao năng suất và giảm bớt phần trăm hao hụt. Qua nhiều lần "nâng cấp", chiếc máy bóc vỏ, tách hạt của anh Dương đã đạt năng suất 5 tấn hạt/giờ, tỷ lệ hao hụt còn 0,2%.

Đánh giá về giá trị lao động của chiếc máy, ông Nguyễn Văn Hòa - nguyên Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận - nhìn nhận: "Máy hoạt động một ngày bằng 1.000 công lao động thủ công".

Vinh quang và thách thức

Một nhà khoa học từng phát biểu: "Muốn cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất phải có tri thức, nhưng nhiều khi chỉ cần giàu trí tưởng tượng cũng có thể thành công". Với anh Huỳnh Thái Dương, chính ý tưởng táo bạo đã đem lại nhiều thành công.

Hiện nay, cơ sở cơ khí Minh Thành của anh Dương không chỉ có tiếng tăm mà ngày càng được nâng cao quy mô sản xuất. Dưới sự chỉ đạo "khoa học" của anh Dương và sự "vận hành" của 25 công nhân, trung bình mỗi tháng cơ sở Minh Thành có thể sản xuất ra 13 - 15 máy.

Tiếng tăm về một nông dân giỏi hơn kỹ sư đã vượt ra khỏi địa phận một tỉnh, khu vực khi máy móc của cơ sở Minh Thành được tham gia nhiều hội chợ công nghệ và thiết bị. Thông qua thông tin các báo đài, chắc chắn nông dân trên cả nước sẽ biết đến thương hiệu Minh Thành và huyền thoại Huỳnh Thái Dương. Những đóng góp của anh Dương cho lĩnh vực nông nghiệp đã nhận được nhiều giấy khen của tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Công nghiệp, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ.

Vinh quang đi liền với thách thức, sự ghi nhận của các cơ quan, ban ngành buộc anh Dương phải nỗ lực nhiều hơn. Nói về hướng đi tới, nông dân Huỳnh Thái Dương tự tin cho biết: "Sắp tới, tôi sẽ nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thiết bị phục vụ cho công nghệ thu hoạch củ lạc (đậu phộng), cụ thể là công nghe bứt củ lạc. Đây cũng là một thiết bị máy móc rất nhiều nhà nông cần dùng. Khi biết tôi có ý tưởng này, nhiều nhà chuyên môn trong tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quan tâm và hứa trợ giúp. Hy vọng với ý tưởng mới này tôi sẽ không phải chật vật tự mày mò như thời kỳ "thai nghén" máy tách bắp".

Ở nước ta, việc gây dựng những cơ sở cơ khí chuyên nghiên cứu sản xuất máy nông cụ còn khó khăn. Các nhà khoa học chuyên môn được đào tạo căn bản về lý thuyết nhưng thiếu điều kiện thực nghiệm, ít trải nghiệm thực tế. Việc chế tạo thành công và cho ra đời cơ sở khí nông cụ như Minh Thành thật là hiếm và đáng quý, rất cần được tôn vinh đúng mực.

Gia Dũng (Theo CA TP.HCM)

 


 


° Các tin khác
• Bến Tre áp dụng công nghệ sấy tĩnh nhãn khô
• Nông dân
• Máy sấy lúa
• Dùng bẫy dính màu bắt bọ trĩ trên các loài hoa lan
• Thiết bị xử lý nước biển thành nước ngọt đầu tiên của VN
• Máy lọc sạn gạo
• Ứng dụng công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Bạch Long Vĩ
• Dùng xe phun xịt thuốc cho cây trồng
• Máy cấy lúa "Made in Việt Nam"
• Máy sấy ống SCM-V2
• Huỳnh Thái Dương, người chế tạo ra máy bứt củ lạc
• Máy gặt đập liên hợp GĐL- 0,3
• Sử dụng sàng cho tôm ăn
• Máy tuốt lạc tươi thủ công
• Dụng cụ thử nhanh nhận biết dư lượng thuốc trừ sâu
• Chiếc máy hút bùn kỳ diệu của anh "kỹ sư" nông dân
• Hội thảo Phát triển ứng dụng CNTT-TT trong ngành trái cây Việt Nam
• Chiếc máy sạ hàng kỳ diệu
• Cải tiến thành công máy đập lúa an toàn
• Chào bán máy nông nghiệp
• Chào bán máy gặt lúa
• Cung cấp máy sấy gỗ
• Một số tiến bộ công nghệ đang được chào bán
• Một nông dân sáng chế thành công máy bơm nước đạp chân
• Máy tuốt bắp của người dân tộc K'Ho
• Lão nông với máy cắt hành tự động

 

Trang web được thiết kế và lưu trữ tại VietnamNetweb