Phân lân Văn Điển: Hơn 40 năm một thương hiệu
Sản phẩm của Công ty phân lân nung chảy Văn Ðiển bây giờ đã có mặt khắp nước, phục vụ phát triển cây trồng bền vững, cho những mùa bội thu. Hơn 40 năm, nhất là trong thời kỳ đổi mới, công ty gắn bó với nhà nông, coi đây là điều kiện sống còn của đơn vị.
Tiết kiệm chi phí bằng giải pháp kỹ thuật Ðể có giá sản phẩm hợp lý, phục vụ tốt nhất nhu cầu của nông dân, nhiều năm qua, Công ty phân lân nung chảy Văn Ðiển luôn tìm cách tiết kiệm, hạ giá thành sản phẩm, trong đó mối quan tâm hàng đầu là giải pháp công nghệ.
Giám đốc Công ty - kỹ sư Bùi Quang Lanh cho biết: Phát huy nội lực, tham khảo công nghệ, kỹ thuật của nước ngoài, cán bộ, công nhân của đơn vị nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến liên tục lò nung. Nhờ đó, chẳng những nâng cao công suất lò, chất lượng sản phẩm, mà điều quan trọng là thay thế được than cốc nhập khẩu, bằng việc sử dụng hoàn toàn than Ăng-tra-xít trong nước.
Ðến nay, tổng công suất lò của công ty đạt 300 nghìn tấn phân lân nung chảy/năm, tăng hơn 11 lần so với năm 1989. Hằng năm, công ty còn sản xuất 150 nghìn tấn phân NPK đa yếu tố. Công ty đã thu hồi, tận dụng quặng a-pa-tit (dạng mịn) thải loại và chất rắn trong khí thải hàng chục nghìn tấn một năm để sử dụng lại, đồng thời xử lý về cơ bản tình trạng bụi, khói ô nhiễm môi trường trong nhiều năm trước đây.
Nhờ áp dụng những sáng chế, giải pháp, mỗi tấn nửa thành phẩm lân nung chảy, công ty không phải bỏ ra 43,2 USD về chi phí than cốc, giảm 67,7% định mức tiêu hao than, 81,3% tiêu hao điện, 21,8% tiêu hao nguyên liệu quặng so với trước. Do đó, mười năm qua, công ty đã tiết kiệm 407 nghìn tấn than, 287 nghìn tấn quặng, 61 triệu kW giờ điện, giảm chi phí 253 tỷ đồng; hiện nay, mỗi năm tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty còn xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, sử dụng lại nguồn nước này (tuần hoàn) đạt 600 m3/giờ, thu hồi 2.000 tấn lân nung chảy, góp phần giảm chi phí hơn bảy tỷ đồng/năm. Ðiều quan trọng là, giảm tối đa lượng nước thải ra môi trường, giảm ba giếng sâu khai thác nước ngầm, tiết kiệm tài nguyên nước.
Hiệu quả của những sáng chế, giải pháp hữu ích rất rõ ràng, cụ thể. Nhưng, để có được kết quả này, cán bộ, công nhân công ty phải vượt qua nhiều khó khăn, mới đi đến thành công. Hiệu quả lớn nhất là, công ty hạ được giá thành phân lân nung chảy, phân NPK đa yếu tố, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân. Giá một số dịch vụ, vật tư đầu vào thời gian qua có tăng, nhưng công ty vẫn giữ giá bán phân bón các loại ổn định.
Ông Phạm Văn Vĩnh, nông dân xóm 2, xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho biết, sử dụng phân NPK đa yếu tố của Công ty phân lân nung chảy Văn Ðiển, cây lúa chắc, cứng, hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí từ 6.500 đến 7.000 đồng/sào, so với phân bón của doanh nghiệp khác.
Ðến với những vùng quê
Ðể sản phẩm phân bón về được đồng đất của những vùng quê, Công ty phân lân nung chảy Văn Ðiển đã nghiên cứu, sản xuất hơn 40 loại phân lân nung chảy, NPK đa yếu tố chuyên dùng, phù hợp với từng loại chất đất, cây trồng, từng thời kỳ sinh trưởng.
Thực tế cho thấy việc sử dụng phân chuyên dùng, giảm chi phí từ 15 đến 20% so với sử dụng phân đơn, năng suất và chất lượng cây trồng cao hơn. Theo đánh giá của một số chuyên gia, đồng đất nước ta, đất chua chiếm tỷ trọng hơn 80%.
Tiến sĩ Nguyễn Hùng, giảng viên Trường đại học Nông nghiệp I, cho biết, phân lân nung chảy của Công ty phân lân nung chảy Văn Ðiển, ngoài thành phần dinh dưỡng lân hữu hiệu, thành phần vôi, ma-nhê chiếm tỷ trọng 45%, si-líc hơn 24% và các nguyên tố trung, vi lượng khác, độ pH từ 8 đến 8,5. Tất cả các thành phần này, không tan trong nước, mà tan trong môi trường a-xít yếu do rễ cây tiết ra, vì vậy, lân nung chảy và NPK đa yếu tố các loại của Công ty phân lân nung chảy Văn Ðiển phù hợp đất chua, hơi chua.
Chánh văn phòng công ty Nguyễn Quốc Quân cho biết, ba năm (1999-2001), công ty tập huấn cho hơn 59 nghìn lượt nông dân, với mức chi phí 540 triệu đồng; ba năm (2002-2004), tập huấn hơn 200 nghìn lượt nông dân (gấp hơn ba lần), chi phí ba tỷ đồng (gấp hơn 5,5 lần), tại các tỉnh, thành phố Hà Tây, Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên, Nam Ðịnh, Hải Phòng, Quảng Trị... Công ty có kế hoạch mỗi năm tập huấn từ 100 đến 120 nghìn lượt nông dân về kỹ thuật bảo quản, sử dụng phân bón, canh tác cây trồng.
Nhờ được tập huấn, ông Hoàng Ðăng Kỳ, nông dân thôn Nghĩa Hào, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Tây) cho biết, từ chỗ chưa từng sử dụng, đến biết tác dụng, cách sử dụng phân lân, rồi tín nhiệm sản phẩm của Công ty phân lân nung chảy Văn Ðiển, nông dân cả xã, vùng Chương Mỹ đều dùng loại phân này.
Còn ông Giàng Mí Páo, dân tộc Mông, ở bản Suối Ðồng, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cũng cho biết, sử dụng phân lân Văn Ðiển cùng với phân chuồng, bón cho lúa, làm tăng năng suất từ 20 tạ lên 40 tạ/ha; bón cho ngô, năng suất tăng từ 18 tạ lên 30 tạ/ha.
Cán bộ, nhân viên bộ phận "thị trường - khách hàng" của công ty thường xuyên về với đồng ruộng, gặp bà con nông dân để tìm hiểu, hướng dẫn kỹ thuật, giải đáp thắc mắc, lắng nghe, ghi nhận ý kiến đóng góp về sản phẩm phân bón của đơn vị.
Công ty thực hiện hỗ trợ cước phí vận chuyển phân bón bán cho nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ. Ba năm (2002 - 2004), công ty hỗ trợ 36 tỷ 873 triệu đồng; bảy tháng đầu năm 2005, tiêu thụ tại đây hơn 95.710 tấn, trợ giúp cước vận chuyển 11 tỷ 485 triệu đồng (120 nghìn đồng/tấn).
Ngoài ra, công ty tổ chức mạng lưới, phương thức tiêu thụ sản phẩm phù hợp, giảm đến mức thấp nhất phí lưu thông, chẳng hạn, tại các tỉnh, thành phố phía bắc, đơn vị bán thẳng phân bón đến hợp tác xã, hoặc một cơ sở đóng tại xã, tại miền trung, Tây Nguyên, Nam Bộ, thuê nhiều khách hàng làm dịch vụ kho vận, đại diện, để tạo cạnh tranh, đạt chi phí hợp lý.
Gắn bó với nhà nông, sự thành đạt, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân là điều kiện tồn tại và phát triển của Công ty phân lân nung chảy Văn Ðiển. Với phương châm đó, nhiều năm qua doanh nghiệp đạt tăng trưởng khá, nhất là ba năm (2002-2004), đạt mức tăng bình quân về sản lượng phân bón tiêu thụ 33,9%, doanh thu 29%, lợi nhuận 8%/năm.
Ðặc biệt, năm 2004 so với năm 2001, sản lượng NPK tiêu thụ tại các địa phương phía bắc là hơn 69.765 tấn, tăng gấp ba lần; lân nung chảy tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố Tây Nguyên, Nam Bộ đạt hơn 126.035 tấn, tăng 2,7 lần. Ba năm (2002 - 2004), sản lượng phân bón xuất khẩu đạt 3.960 tấn, tăng 4,1 lần so với ba năm (1999 - 2001).
Nguồn tin: Nhân Dân |