Sự thật đáng sợ về một loại
Thuốc tăng trọng", "chất tạo nạc", "thần dược", "Armit
mitserhem"... là tên gọi của một loại chất kích thích tăng trưởng đang được lưu
hành bất hợp pháp trên thị trường Việt Nam.

Chỉ cần một lượng nhỏ bột trắng này trộn vào thức ăn hằng ngày
thì heo lớn như thổi, gà đẻ ào ào, vịt đẻ trứng to như trứng ngỗng!
Thế nhưng, hậu quả của loại "thần dược" này đối với gia súc,
gia cầm - và đặc biệt đối với sức khỏe con người - là cực kỳ nghiêm trọng...
Từ vụ án hơn 1.000 con gà đột tử
Trước mặt chúng tôi là chị Nguyễn Thị Đẹp (ngụ ở Cần Thơ), một
phụ nữ trung niên với khuôn mặt đau khổ. Không đau khổ sao được khi trại gà hơn
1.000 con của chị đã chết sạch chỉ trong vòng 15 ngày (từ 5 - 20-12-2004), hàng
trăm triệu đồng đầu tư mất trắng trong khi vụ kiện công ty sản xuất thức ăn chưa
đi đến đâu. Những con gà béo núc ních đang đẻ trứng đều đều bỗng lăn đùng ra
chết. Ban đầu, chị nghĩ chúng bị bệnh dịch, song cơ quan thú y địa phương thông
báo rằng khu vực này không có dịch. Với trình độ đại học ngành chăn nuôi, chị
Đẹp nghĩ ngay đến thức ăn.
Hàng tấn thức ăn chăn nuôi hiệu N. vẫn còn trong kho, chị lấy
một ít, vượt hơn 200 cây số từ Cái Răng (TP Cần Thơ) lên tận Trung tâm dịch vụ
phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường TP.HCM (số 2
Nguyễn Văn Thủ, Q.1, TP.HCM) để kiểm nghiệm. Cùng lúc, chị gõ cửa các cơ quan
chức năng địa phương nhờ giúp đỡ.
Ròng rã suốt một ngày, chị đèo 2 bao thức ăn đến Sở NN&PTNT
Cần Thơ, Trung tâm thú y vùng nhờ kiểm tra nhưng đều bị từ chối với lý do: không
đủ thẩm quyền. Lại van nài. Lần này chị được Thanh tra Sở NN&PTNT Cần Thơ
cho kiểm tra vụ việc.
Gần 1 tháng sau, tức ngày 24-1-2005, việc lấy mẫu mới được tiến
hành tại trại chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Đẹp ở 323A khu vực Phú Thuận (Q.Cái
Răng, TP Cần Thơ) với sự tham gia của Thanh tra Sở NN&PTNT, đại diện Công ty
TNHH N. - nơi sản xuất thức ăn hiệu N.
Mẫu thức ăn lấy đi lần này cũng được đưa lên Trung tâm dịch vụ
phân tích thí nghiệm tại TP.HCM. Trớ trêu thay, kết quả xét nghiệm mẫu là "không
tìm thấy chất cấm trong mẫu". Trong khi trước đó, trong 2 mẫu xét nghiệm do chị
Đẹp mang đến, Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm đã tìm thấy một hàm lượng
lớn chất Clenbuterol - một loại chất kích thích tuyến thượng thận bị cấm sử dụng
trong chăn nuôi trên toàn thế giới.
"Lúc bấy giờ tôi lập tức tìm đến các thầy cũ là giáo sư các
trường đại học để tham vấn. Sau khi thu thập đủ tài liệu và chứng cứ, tôi nộp
đơn khởi kiện Công ty TNHH N.. Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử ngày 23-9-2005,
Tòa án nhân dân TP.Cần Thơ đã cho rằng, với các chứng cứ mà tôi đưa ra chưa đủ
cơ sở để xác định trong thức ăn hỗn hợp 544 của Công ty N. có hay không có chất
Clenbuterol", chị Đẹp bày tỏ.
Chị cho biết sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng, thậm chí có thể
mang cả mẫu thức ăn ra nước ngoài kiểm nghiệm nếu cần thiết.
Trở lại những con gà chết, theo chị Đẹp tường thuật, ban đầu
chúng đẻ rất hăng, hầu như không mệt mỏi. Thậm chí có con đẻ đến 2 trứng một
ngày. Qua đến ngày thứ 6 thì gà bắt đầu có triệu chứng khác thường: mặt đỏ tía,
bước đi loạng choạng như say rượu, sau đó hơi thở đứt quãng rồi chết rất nhanh
chóng.
"Có con sắp chết tôi kéo từ trong chuồng ra thì nó cố đẻ thêm
một trứng nữa mới chịu tắt thở. Sau 20 ngày thì đàn gà hơn 1.000 con chết sạch",
chị Đẹp nói. Một điều lạ lùng nữa là số thức ăn thừa chị Đẹp mang cho vịt xiêm
và vịt siêu thịt ăn thì chúng đẻ ra những cái trứng khác thường: trứng 2 tròng
đỏ, trứng to gấp 2-3 lần trứng vịt thường.
"Thậm chí có những con vịt đã vào ấp lại bỏ ổ để đẻ tiếp tục!"
chị Đẹp kể. Chị bảo người nhà mang ra 2 trứng vịt còn lại mà chị cố gắng bảo
quản. Quả thật chúng rất to đến nỗi chúng tôi cứ ngỡ là trứng ngỗng dù bên trong
trứng hầu như đã bị ung do thời gian để lâu quá (gần một năm trời).
Với rất nhiều nghi vấn từ vụ án hơn 1.000 con gà đột tử, chúng
tôi bắt đầu mở cuộc tìm kiếm hoạt chất Clenbuterol...
Những con heo siêu nạc
Thông thường, heo nuôi khoảng 6 tháng mới được 1 tạ. Thế nhưng,
với một loại "thần dược", người ta chỉ cần 3 tháng là đã cầm chắc heo nặng trên
1 tạ. Heo lại săn vai, u bắp rất lực lưỡng. Mỗi ngày, trọng lượng mỗi con heo có
thể tăng từ 1,5 - 2 kg, mang lại lợi nhuận khổng lồ...
Trong vai một chủ trại heo tìm mua "thần dược", chúng tôi mở
màn cuộc tìm kiếm tại quận Gò Vấp (TP.HCM). Theo chỉ dẫn của anh nhân viên một
cửa hàng thức ăn gia súc ở chợ Gò Vấp, chúng tôi vào một tiệm thuốc thú y. Một
phụ nữ ngoài 40 tuổi đang đọc báo, nghe hỏi tên thuốc đã tỏ vẻ cảnh giác.
Sau khi nghe chúng tôi trình bày ý định và đưa cho xem mẫu bột
màu trắng ngà, bà ta tháo mắt kính xuống nhìn kỹ vào bịch thuốc rồi nhíu mày
nhìn chúng tôi từ đầu đến chân một lát rồi cộc lốc: "Ở đây không có bán".
Tương tự, một chủ cửa hàng thuốc thú y rất nổi tiếng Gò Vấp
cũng từ chối bán thuốc dù chúng tôi đã "kể khổ" về việc làm ăn thua lỗ, nợ nần,
muốn tìm "bí kíp" để gỡ gạc. Ban đầu, người phụ nữ này tỏ vẻ thông cảm, chần chừ
rồi hỏi người quen của chúng tôi là ai. Nghe trả lời xong chị chần chừ một hồi
nữa rồi bảo chúng tôi mua bao nhiêu. Chúng tôi bảo chỉ mua 1 kg cho heo ăn thử
rồi mới mua tiếp đồng thời nhờ chị hướng dẫn cách pha trộn cho heo ăn luôn.
Không biết suy nghĩ thế nào, lát chị lại bảo: "Thuốc này có nhưng cách đây... 4
- 5 năm rồi, bây giờ không còn bán nữa".
Sau một ngày lang thang vô vọng, chúng tôi tìm đến một người
quen nhờ mua. Quả thật, chỉ một loáng sau, ông bạn đã mang về khoảng 1 kg chất
bột màu trắng. Sau khi trao thuốc và lấy lại 300.000 đồng tiền mua thuốc, ông
bạn chỉ bảo: "Không thể mua được thuốc nếu không có người cũ dắt đến giới thiệu
tận mặt. Thêm nữa, mỗi lần mua đều mua cả bao thuốc nặng 25 kg trở lên với giá
7,5 triệu đồng, và đương nhiên đã là dân trong nghề đi mua thuốc thì phải biết
cách pha trộn cho heo ăn. Không ai mua từng ký lẻ và chưa biết cách pha trộn
cả!".
Lần theo chỉ dẫn, chúng tôi vượt hơn 50 km từ TP.HCM để đến khu
vực Hố Nai - nơi được mệnh danh là "trung tâm chăn nuôi heo miền Đông Nam bộ"
(thuộc huyện Trảng Bom và TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Với sự trợ giúp của một
vài “thổ địa", chúng tôi tiếp cận được vài trại chăn nuôi lớn để... nhìn. Tại
các trại này, việc cho heo ăn gần như là việc... bí mật, đặc biệt là khâu chế
biến thức ăn.
Theo Hội Nông dân huyện Trảng Bom, người dân đã biết đến các
loại thuốc tăng trọng cho heo từ lâu nhưng việc chế biến thức ăn, liều lượng thế
nào là chuyện bí mật của từng trại nuôi. "Trước đây, người nuôi heo dùng bã
khoai mì (sắn), sau lại chuyển qua các loại cám công nghiệp và dùng thuốc tăng
trọng. Nói chung, pha trộn đủ kiểu", một cán bộ Hội Nông dân Trảng Bom nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người chăn nuôi heo ở Đồng
Nai, Bình Dương, Bình Phước đã dùng "thần dược" này pha vào cám cho heo ăn cách
đây khoảng 5 năm nhưng thời đó còn rất ít người biết. Nó trở thành một "bí kíp"
lưu hành chỉ trong giới "đại gia" chăn nuôi heo. Đó là một loại bột màu trắng
ngà, không mùi, vị rất gắt được những tay buôn mang về với số lượng ít từ Thái
Lan hoặc Trung Quốc.
Về sau, "bí kíp" bị lộ, giới chăn nuôi bình dân chịu khó săn
tìm đã mua được và sử dụng. Nhu cầu nhiều, cung cũng phải tăng. Không những
nhiều tiệm bán thuốc thú y mà cả nhiều cửa hàng bán vật dụng chăn nuôi và thức
ăn cho heo như máng ăn, cám, thức ăn gia súc cũng bán loại thuốc này.
Theo giới kinh doanh heo, có trên 60% lượng heo trên thị trường
có "ăn thuốc". Tuy nhiên, phải cho heo ăn thuốc đúng thời gian thì mới xuất
chuồng con heo lực lưỡng, đầy thịt như ý. Có thể cho heo "ăn thuốc" từ lúc heo
đạt khoảng 50 - 70 kg, sau đó khoảng 3 tuần đến hơn 4 tuần là heo “vô” cả tạ cho
đến hơn 1 tạ. Cho heo "ăn thuốc" sẽ thấy heo lớn nhanh như thổi qua từng ngày.
Mỗi ngày tăng từ 1,5 - 2 kg. Xương vai, xương đùi rút nhỏ lại, bắp thịt tứ chi
nổi to lên và trở thành heo siêu nạc nhanh chóng. Lúc này, đem heo ra mổ thịt
thì khỏi chê, toàn là thịt, mỡ rất ít.
Nuôi heo bằng thuốc, heo lớn nhanh, nạc nhiều đã đem lại siêu
lợi nhuận cho các nhà chăn nuôi. Heo của trại S, P ở Đồng Nai nổi tiếng là có
giá nhất trong thương trường hiện nay nhờ cho heo dùng "thần dược" đúng cách
(!). Giá heo hơi "siêu nạc" luôn cao hơn thịt heo "thường" từ 1.500 - 2.000
đ/kg, hiện đạt từ 20.500 - 21.000 đ/kg.
Một tiểu thương bán thịt heo lâu năm ở chợ đầu mối thịt heo
Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) chỉ cho chúng tôi xem sự khác nhau trong miếng thịt
giữa heo nuôi bình thường và heo "ăn thuốc". Thịt heo "ăn thuốc" có lớp mỡ giữa
lớp thịt và lớp da mỏng hơn heo bình thường, nhưng màu thịt heo "ăn thuốc" không
đỏ hồng như heo bình thường, có màu nhạt, hơi trắng xanh; đùi heo "ăn thuốc"
căng, to hơn đùi heo bình thường nhưng sớ thịt to và xốp, ăn không mềm và dẻo
như heo bình thường...
Theo Thanh Niên |