Tăng thời hạn bảo quản rau quả nhờ bao PE, OTR
Sử dụng bao bì PE hoặc OTR, kết hợp xông khí S02 và một số điều kiện khác là một kỹ thuật mới trong việc xử lý bảo quản rau quả sau thu hoạch. Đề tài nghiên cứu này (thực hiện trên một số rau quả có giá trị xuất khẩu như thanh long ruột trắng, chôm chôm Java, nhãn tiêu Huế, xoài cát Hoà Lộc, đậu Hà Lan) vừa được ThS Nguyễn Duy Đức và cộng sự báo cáo nghiệm thu tại Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM vào ngày 16/7.
Kỹ thuật này có thể hạn chế tổn thất sau thu hoạch, cung cấp chất lượng rau quả đáp ứng yêu cầu tiêu thụ và không ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Cụ thể như trái thanh long, sau khi thu hoạch, bảo quản trong bao OTR kết hợp với nhiệt độ thấp (100C) có thể kéo dài thời gian tồn trữ quả lên đến 49 ngày, tăng gấp ba lần so với quả không được bao gói được thí nghiệm trong cùng điều kiện. Nếu bảo quản trong bao PE, cũng ở 100C, có thể tồn trữ quả lên đến 35 ngày, tăng hai lần so với quả không được bao gói.
Nghiên cứu ở nhãn cho thấy: Nếu loại quả này được xử lý SO2 với nồng độ 5% trong thời gian 30 phút, sẽ tăng thời gian bảo quản quả, cải thiện màu sắc và không gây tổn thương vỏ quả. Nếu kết hợp với việc sử dụng bao bì OTR 2000 hoặc bao PE ở nhiệt độ thấp (120C) sẽ kéo dài thời gian bảo quản lên 20 ngày.
Đối với loại đậu Hà Lan, nếu sử dụng bao OTR 4000 ở 100C, có thể duy trì chất lượng của đậu trong 20 ngày.
Tuy nhiên, khi sử dụng kỹ thuật này, nhà vườn phải tuân thủ theo đúng thời hạn thu hoạch của từng loại rau quả. Chẳng hạn, thanh long xuất khẩu nên thu hoạch vào ngày thứ 28-30 sau khi ra hoa; xoài cát Hoà Lộc có thể bắt đầu thu hoạch vào khoảng chín tuần sau khi đậu quả. Đậu Hà Lan chỉ thu hoạch bằng tay khi hạt hơi căng mẩy, vỏ quả có màu xanh sáng và nên thu hoạch vào buổi sáng sớm để tránh làm mất lớp phấn. Chôm chôm được thu hoạch trước 8 giờ sáng để có tỷ lệ tróc hạt cao,...
Nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng mô hình thực nghiệm ở quy mô sản xuất thử tại Bình Thuận và một số nơi, cho kết quả rất khả quan. Sau khi được xử lý bảo quản, sản phẩm đã có thể xuất sang các nước như Hà Lan, Đức, Pháp, Singapore,...
Theo các nhà chuyên môn, hiện nay diện tích cây ăn quả của Việt Nam là 525.000ha, diện tích trồng rau là 400.000ha. Thế nhưng tỷ lệ tổn thất sau thu thu hoạch của rau, quả lên đến 25-35%.
Số liệu thống kê gần đây cho thấy thị trường Trung Quốc chiếm hơn 50% sản lượng xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tiếp theo là Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, mỗi thị trường chiếm từ 5-10%.
Vietnam Website |