Gia tăng hiệu quả sử dụng thuốc BVTV
Có mặt trên thị trường từ cuối năm 2000 đến nay, Actara (sản phẩm do công ty Syngenta sản xuất và Công ty CP BVTV An Giang độc quyền phân phối tại Việt Nam)là loại thuốc thế hệ mới, không có mùi hôi như các loại thuốc trừ sâu khác.
Actara còn được bà con ưa chuộng sử dụng nhờ cách xử lý linh hoạt và đạt hiệu quả cao trong việc đặc trị nhóm côn trùng chích hút cây trồng. Một số kinh nghiệm sử dụng Actara rất kinh tế đang được bà con quan tâm áp dụng đó là cách xử lý lúa giống để phòng trị bù lạch và rầy nâu trong giai đoạn đầu của cây lúa.
Nếu so với việc phun thuốc để phòng trị rầy nâu trong giai đoạn đầu của cây lúa thì xử lý lúa giống bằng thuốc Actara đơn giản, dễ làm và ít tốn kém hơn nhiều. Cách đục thân cây dừa rồi bơm thuốc Actara vào để diệt trừ bọ cánh cứng do Chi cục BVTV tỉnh Bến Tre nghiên cứu thành công vào đầu năm 2002, cũng đã góp phần đáng kể trong việc ngăn chặn hiệu quả sự bộc phát thành dịch của loài côn trùng chích hút nguy hiểm này trên hàng triệu cây dừa.
Biện pháp nhúng đọt dưa trong dung dịch Actara để phòng trị bù lạch vào giai đoạn cây còn nhỏ khoảng 15 - 20 ngày sẽ ít tốn tiền thuốc mà việc phòng trị sẽ hiệu quả hơn nhiều so với phun xịt thuốc. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của ông Lưu Văn Chiều ở Chợ Mới - An Giang thì có thể trộn Actara vào tro và dùng tro này đắp vào các lỗ gieo hạt sau khi xuống giống rau màu cũng sẽ ngăn chặn được bù lạch trong giai đoạn đầu, nhẹ công lao động và rẻ tiền.
Thuốc Actara có tác dụng lưu dẫn mạnh mẽ, sau khi phun thuốc 2 - 4 giờ, hoạt chất sẽ theo mạch gỗ lưu chuyển trong thân, lá hoặc những bộ phận non của cây trồng. Khi các đối tượng chích hút tấn công vào những nơi này thì sẽ bị nhiễm độc tố của Actara, hệ thần kinh sẽ bị tê liệt, côn trùng không còn cảm giác đói nên ngừng phá hoại ngay lập tức và sẽ chết trong vòng 1 -2 ngày sau đó. Do chỉ lưu dẫn bên trong thân cây nên thuốc này rất an toàn cho các đối tượng thiên địch, giữ được sự cân bằng cho hệ sinh thái đồng ruộng.
Mặt khác, do thuốc tác động lên hệ thần kinh côn trùng, cắt đường dẫn truyền cảm giác đói và chúng sẽ chết dần nên khả năng bộc phát tính kháng thuốc ở côn trùng rất hiếm xảy ra. Cơ chế tác động của Actara ngược lại với các loại thuốc gốc Cúc. Thuốc gốc Cúc cũng tác động lên hệ thần kinh giống Actara nhưng côn trùng sẽ bị co giật và chết rất nhanh. Chính vì tác động nhanh như vậy nên bản thân côn trùng sẽ có những phản ứng tự vệ để sinh tồn và sẽ phát sinh tính kháng với các loại thuốc gốc Cúc nhanh hơn so với thuốc Actara.
Hiệu quả của thuốc Actara trên các đối tượng chích hút cây trồng thì đã thấy rõ, nhưng một số bà con vẫn còn băn khoăn là khi bơm thuốc vào thân cây dừa thì thuốc có vào bên trong trái dừa hay không? Vấn đề này cũng đã được Cục BVTV và các ngành chuyên môn của Cục khảo sát rất kỹ. Ở hai trung tâm kiểm định hoá chất BVTV phía Bắc và phía Nam đã có lấy mẫu và thử nghiệm dư lượng của thuốc trong trái dừa khi đã xử lý thuốc Actara vào 7 ngày, 14 ngày và 30 ngày. Cả hai trung tâm đều cho kết quả là không có dư lượng thuốc Actara ở cả 3 thời điểm nêu trên.
Nguồn tin: NNVN |