Thận trọng với thuốc trị táo bón kích thích
Táo bón là triệu chứng gồm một số biểu hiện như: đại tiện dưới 3 lần trong tuần, có sự khó khăn, chậm trễ, gắng sức và có cảm giác chưa tống hết phân khi thải phân, phân thải ít và khô cứng. Táo bón có thể không gây hậu quả nghiêm trọng trước mắt nhưng về lâu dài rất dễ bị nhiễm độc (biểu hiện thường xuyên nhức đầu, mệt mỏi), nhiễm khuẩn và có thể mắc bệnh trĩ.
Đối với phụ nữ, để có làn da mịn màng, tươi trẻ, chủ yếu phải dinh dưỡng đủ chất và có sự tiêu hóa tốt, bài tiết tốt. Thông thường, táo bón có thể được cải thiện bằng chế độ ăn có nhiều chất xơ sợi, uống nhiều nước, tập đi tiêu đúng giờ (được gọi là tái huấn luyện phản xạ đại tiện), vận động (tập thể dục có các động tác tác động đến cơ bụng).
Tuy vậy, vẫn có lúc phải dùng thuốc trị táo bón. Thuốc trị táo bón là thuốc có tác dụng thúc đẩy sự thải phân bằng cách làm đầy ruột, hoặc giữ nước trong khoang ruột giúp nước thấm vào phân làm phân mềm ra, hoặc làm tăng nhu động ruột để giúp sự tống phân mạnh hơn.
Theo cơ chế tác dụng, có thể chia thuốc trị táo bón làm 4 loại: loại làm tăng khối lượng phân trong ruột (gọi là thuốc tạo khối), loại gây áp suất thẩm thấu trong lòng ruột để lưu giữ nước (thuốc tăng thẩm thấu), loại làm mềm phân, trơn phân, và loại kích thích nhu động ruột (thuốc trị táo bón kích thích). Trong 4 loại thuốc vừa kể, thuốc trị táo bón kích thích là loại cho tác dụng mạnh nhưng dùng phải rất thận trọng vì có thể gây các tác dụng phụ có khi rất nặng nề.
Hoạt động của ruột đưa đến việc tống phân (hay còn gọi là phản xạ đại tiện) được điều khiển bởi hai hệ thần kinh: hệ thần kinh ở ruột và hệ thần kinh tự động. Hệ thần kinh ở ruột gồm những đám rối thần kinh nằm ngay ở niêm mạc và cơ ruột, còn hệ thần kinh tự động xuất phát từ trên não đi xuống ruột với hai hệ nhỏ hơn: giao cảm và đối (hay phó) giao cảm.
Hai hệ thần kinh này có chức năng điều hòa hoạt động của cơ trơn (như mỡ, đóng cơ thắt vòâng hậu môn) hay điều khiển sự hấp thu của niêm mạc ruột (hấp thu nhiều hoặc ít nước qua niêm mạc ruột). Thuốc trị táo bón kích thích được gọi bằng tên như thế vì có tác dụng kích thích sự co thắt ở ruột thông qua sự kích thích đám rối thần kinh ở thành ruột và niêm mạc, ngoài ra còn giảm sự hấp thu nước, làm tăng sự bài tiết nước và chất điện giải từ tế bào niêm mạc ruột vào trong lòng ruột. Nhờ có cơ chế tác dụng như thế mà thuốc trị táo bón kích thích cho tác dụng mạnh gây các tác dụng phụ rất đáng lưu ý.
Thuốc trị táo bón kích thích gồm các thuốc chứa: Dẫn chất anthraquinone: có khá nhiều thuốc là dẫn chất anthraquinone lấy từ dược thảo được dùng trong đông y lẫn tây y như: cascara senna (sené, phan tả diệp), rhubarbe (đại hoàng), aloès (lô hội, nha đam), boldo... Dẫn chất diphenylmethane: do có phenolphthalein nên đã bị cấm sử dụng do thử trên chuột gây ung thư. Thuốc loại này hoàn toàn được tổng hợp chứ không có nguồn gốc thiên nhiên như dùng nhóm dẫn chất anthraquinone.
Thuốc trị táo bón kích thích chỉ cho tác dụng khi được đưa đến đại tràng, vì vậy, tác động nhuận tẩy chỉ xảy ra sau 6 - 12 giờ dùng thuốc bằng đường uống (uống vào tối hôm trước để cho tác dụng vào sáng hôm sau). Thuốc tác động vào đám rối thần kinh ở thành niêm mạc đại tràng nên có thể gây các tác dụng phụ: gây cơn co cứng bụng gây đau, buồn nôn, rối loạn cân bằng nước và chất điện giải (có thể làm giảm kali huyết), dùng lâu dài làm mất trương lực ruột hại niêm mạc ruột.
Vì vậy, có khuyến cáo chỉ dùng thuốc loại này khi thật cần thiết, không nên dùng thuốc liên tục quá một tuần. Nếu dùng thuốc kéo dài có thể bị bệnh gọi là “bệnh do thuốc trị táo bón” gây triệu chứng giống như bệnh đại tràng chức năng (hay còn gọi bệnh ruột già bị kích thích). Đặc biệt, thuốc không được dùng cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em (có thuốc ghi rõ: “Chống chỉ định đối với trẻ dưới 15 tuổi”).
Hiện nay có tình trạng lạm dụng thuốc trị táo bón kích thích ở một số người đưa đến hai hậu quả: bị các tác dụng phụ của thuốc đã kể trên và bị lệ thuộc vào thuốc (không thể đi tiêu nếu không dùng thuốc và càng ngày càng phải tăng liều). Đo là loại cho tác dụng mạnh nhưng có nhiều tác dụng phụ, gây tai biến nếu dùng kéo dài, thuốc trị táo bón kích thích được xem là loại thuốc chọn lựa sau cùng.
Khi mới bị táo bón và áp dụng các biện pháp như điều chỉnh ăn uống, vận động, tái huấn luyện phản xạ đại tiện không cải thiện tình trạng nên chọn các thuốc ít gây tác dụng phụ như: thuốc tạo khối (gelose), thuốc làm mềm phân dùng qua đường trực tràng (dùng dạng ống bơm vào hậu môn như rectiofar), thuốc nhuận tràng tăng thẩm thấu (như forlax, duphalac). Nếu tình trạng vẫn không cải thiện mới chọn loại thuốc trị táo bón kích thích.
Điều lưu ý sau cùng, chỉ nên dùng thuốc trị táo bón ngắn hạn, dùng sau 7 – 10 ngày không thấy hiệu quả phải đi khám bệnh để bác sĩ khám, chẩn đoán nguyên nhân.
Báo Điện tử _ Thời Báo Kinh tế Việt Nam |