Dự báo thị trường phân bón cuối năm
Hiện nay một số bộ đã dự báo thị trường có khả năng thiếu phân urê cung
ứng cho vụ đông xuân tới đây trên cả nước. Nhưng các nhà sản xuất lại tự tin
khẳng định rằng: thời gian tới thị trường sẽ không có chuyện thiếu phân urê. Để
phục vụ cho vụ đông xuân 2005-2006, một số bộ cho rằng cần phải có 1.040 000 tấn
phân urê.
Nhưng theo tính toán của Hiệp hội phân bón Việt Nam thì không
cần tới mức đó, chỉ cần khối lượng từ 800.000- 804.000 tấn là đủ. Khi vào vụ,
miền Nam cần tối đa là 480.000 tấn, miền Bắc là 240.000 tấn và miền Trung chỉ
dừng ở con số 110.000 tấn.
Trong khi đó, lượng urê còn tồn đọng và khả năng sản xuất được
tại trong nước cho đến 30/12/2005 ước đạt 430.000 tấn, vì vậy từ nay, tháng 11,
12 và 1/2006 cả nước phải nhập thêm 400.000 tấn. Vấn đề được mọi người quan tâm
ở đây là làm thế nào để có thể nhập khẩu được đủ số lượng theo kế hoạch.
Giá cả thất thường, nhà nhập khẩu sợ lỗ!
Giới kinh doanh phân bón cho rằng công việc kinh doanh thời
gian gần đây không còn được suôn sẻ như trước.
Suốt từ tháng 7/2004 đến nay, giá cả trên thế giới trồi sụt
thất thường không còn theo một quy luật như trước đây, chỉ trong một năm từ
7/2004- 7/2005 giá cả trên thị trường thế giới đã thay đổi đến 11 lần, trung
bình cứ 32 ngày lại thay đổi giá một lần.
Trong khi ấy, một chuyến hàng vận chuyển bằng đường thuỷ về tới
Việt Nam phải đi m t từ 30-40 ngày. Các nhà nhập khẩu bị lỗ liên tục. Giá cả
trong nước cũng bị ảnh hưởng, vào tháng 7/2005 vừa qua, các doanh nghiệp mua urê
sản xuất trong nước dù tiền đã chuyển, chưa nhận được hàng thì giá cũng đã hạ từ
200-300 đồng/kg.
Khi đó, đành chịu bỏ ra một ít tiền đóng tiền phạt còn hơn mua
hàng về để lỗ nặng. Nhập hàng vào thì không thể bán được, nếu bán sẽ lỗ nặng còn
giữ hàng lại thì phải gồng mình đóng lãi cho ngân hàng... Giá cả thất thường
khiến nhà nhập khẩu gặp khó khăn về đồng vốn xoay vòng.
Ngoài ra, các nhà nhập khẩu còn luôn phải chịu sức ép từ giá cả
các nguồn phân bón khác nhau: urê sản xuất trong nước, urê nhập khẩu qua đường
Phòng Thành Móng Cái, hàng tiểu ngạch, hàng nhập lậu. Trước tình hình ấy, không
ai còn dám bỏ tiền ra để nhập phân urê về ồ ạt. Nếu phía ngân hàng không có
chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phân bón về thời gian trả nợ thì cứ đến hạn
thanh toán rất dễ có sự biến động thị trường vì các doanh nghiệp phải bán tháo
hàng ồ ạt để gom vốn. Bà Nguyễn Thị Ngọ, Giám đốc Công ty Hoàng Lê đã bộc bạch
như vậy.
Theo tổng kết của Hiệp hội phân bón Việt Nam trong 10 tháng đầu
năm 2005, cả nước nhập khẩu chỉ đạt được chưa đến 400.000 tấn urê. Vì vậy, trong
vòng 3 tháng tới (11,12 và 1) phải nhập về 400.000 tấn urê là một gánh nặng lớn
đè lên vai các nhà nhập khẩu!
Ông Nguyễn Hạc Thuý, Tổng thư ký Hiệp hội phân bón cho rằng
ngành phân bón hiện nay tuy đang gặp nhiều khó khăn nhưng chưa có một chính sách
nào để hỗ trợ, khuyến khích cho nhà nhập khẩu phân bón. Từ đó, doanh nghiệp khó
lòng mạnh dạn nhập phân urê về để đạt chỉ tiêu.
Trong khi, ngày 20/10 vừa qua phía Trung Quốc đã ra thông báo
sẽ siết chặt thị trường Phòng Thành Móng Cái dẫn đến lượng phân urê nhập vào
Việt Nam chỉ còn một vài chục tấn/ ngày, trong khi trước đây là ở mức 500
tấn/ngày. Do ảnh hưởng và tàn phá của cơn bão trên thế giới đã đẩy giá các loại
phân bón lên cao. Ngày 30/10, giá urê trên thế giới đã tăng trở lại: urê hạt
trong giá FOB ở Yuzhuy là 225-240 USD/tấn, vịnh Arập: 245-250 USD/tấn, hạt đục ở
Mỹ có giá 274-276 USD/tấn... Theo như dự báo của Hiệp hội phân bón, trong thời
gian sắp tới nếu doanh nghiệp không dám nhập khẩu phân bón có thể xảy ra tình
trạng thiếu phân cho vụ đông xuân.
Tiến tới sản xuất urê thay thế nhập khẩu
"Thị trường sẽ không thiếu urê!" Đó chính là lời khẳng định của
ông Đinh Hữu Lộc, Giám đốc Công ty phân đạm và hoá chất dầu khí. Hiện nay trong
kho của Phú Mỹ còn 50.000 tấn urê dự phòng, Phú Mỹ vừa mới đưa ra thị trường
được 175.000 tấn như vậy chỉ tính riêng phần của Phú Mỹ trên thị trường đã có
220.000 tấn urê.
Trong 3 tháng tới, nhà máy sẽ sản xuất được 200.000 tấn phân
urê nếu chạy hết công suất có thể đạt được 300.000 tấn. Hiện nay, trên cả nước
đã có Phú Mỹ cung c p đạt 50% sản lượng phân urê cho thị trường khu vực phía
Nam. Nhà máy đạm Hà Bắc còn tồn kho 15.000 tấn, trong tháng 11, 12 tới đây sẽ
sản xuất được thêm 21.000 tấn và nguồn phân nhập khẩu vào còn tồn trong nước là
130.000 tấn.
Tính đến 1/2006, cả nước đã có khoảng gần 600.000 tấn urê cộng
thêm lượng urê do các nhà nhập khẩu từ nay đến cuối năm sẽ cung ứng đủ cho thị
trường.Như nhận xŠt của giới kinh doanh phân bón, năm 2005, lượng tiêu thụ các
loại phân bón có sự sụt giảm hơn trước đây. Họ lý giải rằng: thời gian gần đây
người nông dân đã dần chuyển thói quen sử dụng các loại phân vô cơ, hoá học sang
dùng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh vừa không làm chai đất và không ảnh
hưởng đến môi trường sống. Do đó, khả năng thiếu phân urê trong thời gian sắp
tới sẽ rất ít khả năng xảy ra.
Có thể nói ngành phân bón trong nước đã đưa ra tín hiệu mừng vì
mặt hàng phân urê sản xuất tại trong nước đã tạo được chỗ đứng và dần thay thế
cho phân ngoại. Hiện nay, 2 nhà máy phân đạm trong nước đã đáp ứng gần 50% nhu
cầu của thị trường. 2 năm qua (2003-2005), các công ty phân bón: Việt Nhật, Bình
Điền, phân bón miền Nam, hoá chất Lâm Thao, Sông Gianh, Ba Con Cò... đạt mức
tăng trưởng cao bình quân từ 40%-45% và th p nh t cũng ở mức 10%-15%.
Ông Lộc cho biết thêm sắp tới đây, đạm Phú Mỹ sẽ đưa vào sử
dụng dây chuyền bọc hạt urê, từ đó có thể bảo đảm cho việc cất trữ phân urê
trong thời gian dài.
Trong tương lai, cùng với công suất của 2 nhà máy đạm Phú Mỹ và
Hà Bắc, vào đầu năm 2009 cả nước sẽ có thêm 2 nhà máy phân đạm: Ninh Bình sản
xuất đạm từ than có công suất 560.000 tấn urê/năm và nhà máy phân đạm Cà Mau
(công suất đạt trên 760.000 tấn/năm) đi vào hoạt động sẽ góp phần ổn định thị
trường phân bón trong nước và có thể thay thế hoàn toàn việc nhập khẩu phân urê
như hiện nay.
Dự tính đến năm 2010 sản lượng phân urê trên cả nước đạt trên 2
triệu tấn/năm.
Ái Vân (Báo Điện tử - Thời Báo kinh tế Việt
Nam) |