Thái Bình ứng dụng công nghệ biogas
Tỉnh Thái Bình hiện có gần 1.000 hộ gia đình xây hầm khí biogas sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi tạo ra khí gas phục vụ SX và sinh hoạt. Đây là mô hình mói vừa xử lý ô nhiễm môi trường vừa đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tỉnh Thái Bình xác định một trong những hướng làm giàu cho mình là phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại. Hiện toàn tỉnh có 4.717 con lợn nái ngoại, trong đó có 25 trang trại nuôi từ 30-120 con. Giá trị kinh tế từ chăn nuôi lợn nái ngoại là rất lớn.
Theo lãnh đạo xã Đông Kinh (huyện Đông Hưng)- một xã điển hình về chăn nuôi lợn nái ngoại: Xã có 153 hộ chăn nuôi lợn nái ngoại, với gần 600 con. Trong đó có 10 hộ nuôi từ 10-15 con. Bình quân mỗi năm xã XK khoảng trên 300 tấn lợn choai, doanh thu trên 5 tỷ đồng. Anh Phạm Đào Tự (thôn Kinh Hào - xã Đông Kinh) - nuôi 8 lợn nái ngoại cho biết: "Một lợn nái ngoại nếu nuôi khép kín từ khi lợn con đẻ ra đến khi lợn choai (30-45 kg/con), trừ chi phí mỗi năm lãi 3 triệu đồng".
Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường ở các gia trại, trang trại cũng đang là vấn đề rất bức xúc. Bình quân 1 con lợn ngày thải ra 1 kg phân, nhân với đàn lợn toàn tỉnh (cả trên 800.000 con lợn nội), ngày thải ra gần 900 tấn phân. Số chất thải này nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường nước và không khí. Ngoài ra, là điều kiện để phát sinh các nguồn dịch bệnh truyền nhiễm. Trước thực tế đó, năm 1998, được sự giúp đỡ của Viện Chăn nuôi quốc gia, Bộ NN&PTNT, Bộ KH-CN, tỉnh Thái Bình đã triển khai ứng dụng công nghệ biogas xử lý chất thải chăn nuôi SX khí gas phục vụ sinh hoạt hàng ngày, với sự hỗ trợ của Nhà nước về kỹ thuật và 500.000 đ/hầm, kết quả hầm biogas đã đem lại lợi ích rất rõ rệt.
Anh Phạm Duy Ngữ (xã Đông Kinh - huyện Đông Hưng) nuôi 10 lợn nái sinh sản và 8 lợn thịt vui mừng cho biết: Lượng gas tạo thành từ hầm biogas nhà anh có thể đủ nấu 10 mâm cỗ trong một buổi sáng. Theo anh Ngữ hầm biogas được làm rất đơn giản. Nếu 1 hộ chăn nuôi dưới 10 con có thể xây bể chứa 15-20 m3, vật liệu xây là gạch đỏ và cát xi măng. Có thể xây bể hình giếng đường kính 3-3,5m, sâu 2,5m hoặc xây hầm hình khối lập phương, cạnh 2- 2,5m. Còn nếu nuôi nhiều có xây hầm to hơn. Nguyên tắc của hầm biogas là phải xây kín, bên trên có nắp đậy kín và thông với một ống nhựa đường kính 15-20 mm. Phân lợn từ bể biogas sẽ tạo thành khí gas qua ống nhựa này. Tổng kinh phí xây 1 hầm biogas khoảng 4-5 triệu đồng.
Đi thăm những hộ chăn nuôi có áp dụng công nghệ biogas ở tỉnh Thái Bình, chúng tôi không thấy mùi hôi thối, không thấy ruồi nhặng như những hộ chăn nuôi để chất thải tự nhiên. Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2005, phát triển đàn lợn nái ngoại lên 15.000 con (chiếm 10% tổng số đàn lợn của tỉnh) và nâng số hầm biogas lên gần 2.000 cái.
Nguồn tin: Minh Quang Báo nông nghiệp |