Phát hiện enzym của vi khuẩn tiêu hủy chất thừa trong thuốc trừ sâu
Nếu không nhờ sự có mặt của enzym trong một loài vi khuẩn thì sự ô nhiễm ở các cánh đồng được tưới thuốc trừ sâu sẽ nghiêm trọng hơn. Các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học North Carolina (Mỹ) đã phát hiện rằng, những chất thừa trong thuốc trừ sâu bị hủy dần nhờ enzym của vi khuẩn Pseudomonas Pavonaceae.
Loài vi khuẩn này tăng sinh tại các cánh đồng trồng khoai tây được tưới một hóa chất chuyên tiêu diệt loài sâu ký sinh là 1,3-dichloropropene. Một trong những chất thừa của loại thuốc trừ sâu này có phân nửa tuổi thọ kéo dài đến 10.000 năm - thường gặp ở các chất thải phóng xạ nhiều hơn thuốc trừ sâu.
Tuy nhiên loài vi khuẩn Pseudomonas pavonaceae có khả năng tiêu hủy chất thừa chloroacrylat này trong thời gian ngắn.
Tiến sĩ Wolfenden và các cộng sự đang tìm lời đáp cho câu hỏi: Liệu enzym này có thay đổi trong 50 năm qua từ khi loại thuốc trừ sâu trên được sử dụng hay đã tồn tại từ trước và dùng khả năng xúc tác đối với một chất thiên nhiên? Cuộc điều tra sẽ được tiếp tục tại các cánh đồng nơi vi khuẩn này đang sinh sống mà không tiếp xúc với thuốc 1,3-dichloropropen với tên thương mại là Shell D-D hay Telone II.
T.Đ (Theo HTV) |