Hội thảo Quốc gia về phân bón
Một cuộc Hội thảo quy mô được tổ chức vào ngày 02/11/2005 tại
Khách sạn New World Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của nhiều
Đại diện như Bộ Công nghiệp, Cục Nông nghiệp, Hiệp hội phân bón Việt Nam, các Sở
Nông nghiệp & PTNT phía Nam, Công ty Supe phosphat và Hoá chất Lâm Thao,
Công ty Bình Điền, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Năm Sao, Hiếu Giang, Công ty Vật tư Kỹ
thuật nông nghiệp Cần Thơ…các Cơ quan quản lý nhà nước về phân bón từ các Bộ,
Ngành địa phương, các nhà khoa học cùng các Cơ quan truyền thông đại chúng. Tất
cả đều mong có được tiếng nói chung nhằm bình ổn giá phân đạm trong thời gian
tới, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu phân bón, trước mắt là vụ sản xuất Đông Xuân
2005 – 2006.
Toan tính phân bón cho mùa vụ
Tình hình cung ứng phân bón hiện nay trên thị trường đã có
nhiều biến động, đặc biệt khi nhu cầu cho vụ sản xuất Đông Xuân đang gần kề.
Lượng phân bón sản xuất trong nước chỉ đáp ứng một phần và phần lớn là phụ thuộc
vào thị trường nhập khẩu. Hiện nay nguồn cung từ thị trường phân đạm này cũng
thuận lợi và không sợ khan hiếm. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu trong nước lo ngại
rủi ro từ nhiều phía, nhất là sự bất ổn giá cả khi có biến động của thị trường
một khi rớt giá sẽ bị lỗ và càng lỗ thêm khi đạm Phú Mỹ có giá thấp hơn giá thị
trường (200 - 300đ/kg), phân bón nhập khẩu qua theo đường Phòng Thành – Móng
Cái, phần tiểu ngạch và buôn lậu.
Hội nghị đã tập trung thảo luận một số vấn đề về tình hình sản
xuất kinh doanh phân bón trong nước, nhập khẩu, sản xuất các loại phân hữu cơ và
đặc biệt là nhấn mạnh tình hình nhập khẩu Urê và dự báo có thể thiếu hụt trong
thời gian tới. Ngoài ra các đại biểu còn quan tâm một số vấn đền về kiểm tra,
công bố chất lượng cần được thông tin rộng rãi tránh sự chồng chéo lẫn nhau giữa
các Cơ quan quản lý Nhà nước về mặt các thủ tục công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Theo ông Nguyễn Hạc Thuý – Quyền Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam
nhận định, hiện cả nước có 2 Đơn vị sản xuất phân đạm là Hà Bắc và Phú Mỹ. Tính
lượng tồn kho đến ngày 30/10/2005 và khả năng sản xuất đến tháng 12/2005của 2
Đơn vị này là 270.000tấn (Phú Mỹ 234.000tấn). Lượng Urê tồn kho của các nhà nhập
khẩu là 130.000tấn (miền Nam 50.000tấn). Ước tính ở các kho của các nhà sản xuất
và nhập khẩu các tỉnh phía Bắc là 116.000 tấn và phía Nam là 284.000tấn. Như
vậy, lượng phân có thể đáp ứng đến tháng 12/2005 là 400.000 tấn.
Trong khi đó nhu cầu cho vụ Đông Xuân tới là 800.000 -
840.000tấn. Cho nên cần phải nhập thêm lượng phân khoảng 400.000tấn (miền Nam
200.000tấn). Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu chưa đến
400.000tấn, nên trong 3 tháng tới, việc nhập thêm số lượng như trên là rất khó
khăn và cần có một cơ chế hợp lý trong việc điều tiết thị trường phân Urê.
Ông Đinh Hữu Lộc, Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho biết, từ khi đi vào
hoạt động (9/2004) đến nay, đã sản xuất được 750.000tấn (năm 2004 sản xuất
250.000tấn). Hiện Công ty có thể đáp ứng được 1/3 nhu cầu về phân đạm nên có thể
nói không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn phân bên ngoài và đã hạn chế phần nào
vấn đề sốt giá. Về hệ thống phân phối đã có 9 nhà phân phối lớn và cũng vừa là
các nhà sản xuất, phân phối và nhập khẩu đảm bảo cung ứng đúng yêu cầu mùa vụ
với phương thức gửi hàng tại một số khu vực và có điều chỉnh giá phù hợp cho
từng thời điểm. Với năng lực sản xuất hiện có (750.000tấn/năm), thời gian tới có
thể sản xuất 250.000tấn, nên phía công ty dự báo lượng hàng urê ở vụ Đông Xuân
từ tháng 11/2005 đến 3/2006 là không sợ thiếu. Có thể tạm đủ cho khu vực sản
xuất ở phía Nam. Vì vậy, không nên nhập ồ ạt và có thể nhập dự trữ khoảng
100.000tấn.
Một Đại diện Công ty Vật tư KTNN Cần Thơ cho rằng, hiện nay
không tăng số lượng gạo xuất khẩu nên tùy vào vụ, sức mua của nông dân vẫn có
nhưng khả năng thanh toán chậm sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cho công ty. Ngoài ra,
việc điều chỉnh giá của Phú Mỹ thấp hơn giá thị trường đã gây không ít khó khăn
cho các công ty nhập khẩu. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Phú
Mỹ và các nhà nhập khẩu thông qua Hiệp hội Phân bón trong việc điều tiết thị
trường.
Theo Công ty phân bón Bình Điền, nhu cầu NPK và DAP hoàn toàn
có khả năng cung ứng không sợ chịu sự ảnh hưởng nhiều trong thời gian tới. Ý
kiến của một số Doanh nghiệp và Nhà khoa học, sở dĩ tình hình các năm qua các
nhà nhập khẩu thường gặp lỗ vì chịu sự biến động của giá cả thị trường. Tình
hình này càng trở nên nóng hơn khi thị trường có sự tham gia của Phú Mỹ vào năm
2004. Lẽ ra khi Phú Mỹ tham gia vào thị trường thì sẽ góp phần bù đắp vào nhu
cầu của thị trường phân bón nhưng thực ra giá bán của Phú Mỹ và các nhà nhập
khẩu có sự chênh lệnh cao (200 - 300đ/kg) và điều này làm giảm sức cạnh tranh
của các nhà nhập khẩu.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, với tình trạng này nông dân
không được hưởng lợi mà chưa hẳn Nhà nước có lợi. Bất cứ sự biến động giá cả ở
mức độ nào thì nông dân cũng phải chịu thiệt và nếu giá mỗi lúc một tăng thì có
thể dẫn đến những thiệt hại vô hình một khi người dân sử dụng phân bón ít đi so
với nhu cầu của cây trồng sẽ dẫn đến giảm năng suất.
Với nhu cầu lớn về lượng đạm như hiện nay đặc biệt là trong
tình hình phải nhập khẩu nhiều từ bên ngoài, các đại biểu còn có ý kiến nên tiết
kiệm lượng phân bằng cách bón phân một cách hợp lý. Dần dần thay thế một phần
lượng phân đạm bằng lượng phân hữu cơ vi sinh vừa có tác dụng cải tạo đất vừa
tăng thêm năng suất và phẩm chất nông sản từ đó nâng cao giá trị các sản phẩm
nông nghiệp. Đây có thể nói là một trong những hướng đi tương lai cho các nước
nông nghiệp.
Qua nhiều vấn đề và ý kiến mà các đại biểu quan tâm đã đặt ra,
Ông Lê Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam kết luận rằng trong
vụ Đông Xuân tới, lượng phân Lân và NPK đảm bảo. Đạm có khả năng thiếu hụt và
cần phải nhập khẩu trong thời gian tới là 400.000tấn (miền Nam 200.000tấn).
Theo chỉ đạo của Chính phủ, giữ giá Phú Mỹ thấp hơn so với giá
thị trường từ 1-5%. Điều này có thể làm cho các nhà nhập khẩu lo ngại sẽ khó
cạnh tranh với Phú Mỹ nhất là vào thời điểm giá xuống thấp. Vì vậy, giải pháp
duy nhất là vận dụng mức thấp hơn này cho hợp lý để nhích lại gần nhau hơn giữa
các nhà nhập khẩu và Phú Mỹ. Vấn đề tồn kho của Phú Mỹ thời gian qua cũng ảnh
hưởng rất nhiều đến thị trường do hệ thống phân phối chưa hoàn chỉnh. Điều này
đòi hỏi các nhà nhập khẩu và Phú Mỹ bàn bạc cùng gánh vác và cũng đã được Chính
phủ cho phép.
Vai trò của Hiệp hội là sẽ hỗ trợ Phú Mỹ mời các nhà nhập khẩu,
tiêu thụ và sản xuất tham gia vào hệ thống mạng lưới phân phối. Tăng cường sự
cộng tác, trao đổi thông tin với nhau giữa các thành viên trong hiệp hội. Hiệp
hội sẽ đề nghị với các Bộ, Ngành liên quan về việc điều chỉnh định mức vay vốn
nhập khẩu phân bón cho các doanh nghiệp trong điều kiện chi phí vận chuyển tăng
cao.
Nguyễn Văn Toàn, Sở Nông nghiệp & PTNT An
Giang |