Biến phế thải thành… vàng đen!
Một kỹ sư hoá học Việt Nam đã bỏ ra gần chục năm trời để đeo bám một thí nghiệm khá lạ đời: Biến mụn dừa thành… đất sạch! Sau quãng thời gian dài cặm cụi nghiên cứu, đọc sách, học hỏi, tra cứu, ông đã cho ra đời hai sản phẩm độc đáo: Đất sạch và đất sinh học đầu tiên tại Việt Nam!
Liên tiếp thời gian gần đây, hai sản phẩm đất sạch và đất sinh học của nhà sáng chế Võ Thanh Liêm nhận được những giải thưởng lớn: Giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật TPHCM, hai huy chương vàng sản phẩm độc đáo tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế 2005, chứng nhận sản phẩm đất sinh học (Biosoil) giải pháp cứu dòng sông và đất bạc màu, chứng chỉ của Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm và rau quả Singapore được phép lưu thông tại đất nước khó tính này… Câu chuyện về quá trình tạo ra hai sản phẩm có ý nghĩa lớn đối với nền nông nghiệp sạch Việt Nam của nhà sáng chế Võ Thanh Liêm thật hết sức thú vị.
Biến phế thải thành… vàng đen!
Sau gần 2 năm cặm cụi, làm thí nghiệm, đọc sách, tìm hiểu tính cơ lý của mụn dừa, năm 1995, những tấm ván ép đầu tiên đã ra đời. Cũng trong thời gian vất vả đó, ông bất ngờ khám phá ra được mụn dừa có tính cơ lý cao, có đặc tính xốp, thông khí, giữ ẩm, lưu giữ được chất dinh dưỡng cho đất. Lại lao vào mày mò nghiên cứu thử nghiệm gần 3 năm, ông mới tìm được quy trình biến mụn dừa thành đất sạch bằng cách đem xả chát và các tạp chất trong mụn dừa, dùng phương pháp hoá học để tách chất chát (lignhin) trong dừa, đồng thời xử lý và cho ra một gốc hoá học khác ở dạng muối dễ tiêu. Xơ dừa được xử lý sạch, sấy khô để loại bỏ tạp chất, diệt vi khuẩn có hại, sau đó đem xay trộn, ủ với các chất dinh dưỡng đa vi lượng từ nguồn hữu cơ vi sinh. Sau khâu xử lý khá công phu ban đầu, mụn dừa sẽ được sấy khô đem xay và đóng gói với những đặc tính ưu việt: Chất dinh dưỡng cao, loại bỏ được các chất độc hại, không bị các loại nấm mốc, sâu bệnh tấn công và không bị dơ tay.
Hơn nữa, nắm được nguyên lý cơ bản: Mỗi loại cây thích hợp với một chất dinh dưỡng nhất định trong đất, vị kỹ sư đã có thể chủ động tạo ra chất dinh dưỡng thích hợp cho mỗi loại cây trồng. Đối với ông, đó là một bước nhảy vọt trong đề tài nghiên cứu "lạ lùng" này. Niềm vui đã đến khi từ năm 2001, một nhà xưởng đất sạch tại Hóc Môn (TPHCM) đã được ra đời, chuyên cung cấp sản phẩm đất sạch chất lượng cao cho người dân từ đô thị cho đến nông thôn.
Thành công với đất sạch, ông Liêm tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời loại đất sinh Và ước mơ thực phẩm sạch
học cũng từ mụn dừa. Thay vì xử lý bằng hoá học, ông dùng phương pháp vi sinh để giải chất chát trong mụn dừa thành dạng muối vi lượng, có tác dụng như một loại phân bón, khi trộn vào đất sẽ giúp đất trở nên tơi xốp hơn. Loại đất này sau khi đem đi thử nghiệm AVA (Singapore) đã cho kết quả về các chất dinh dưỡng và vi sinh đạt chuẩn quốc tế. Vi sinh trong đất có khả năng phân giải xenlulo, hữu cơ đất, chuyển hoá đất bạc màu thành đất mùn. Loại đất này làm ra chủ yếu dành cho nông dân, vì vậy mà giá thành cực thấp.
Các thí nghiệm ban đầu cho thấy khi trộn đất sinh học với các loại đất bạc màu, chỉ trong một thời gian ngắn sự chuyển đổi đất rất rõ rệt, đất tơi xốp và có nhiều mùn hơn. Với hai sản phẩm đất này, ông Liêm đã mạnh dạn thành lập Cty TNHH Đất Sạch (106 Nguyễn Ngọc Lộc, P.14, Q.10, TPHCM) và xây dựng một xưởng chế biến đất sạch và đất sinh học khá quy mô phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đang dần tăng cao. Những khách hàng lớn của ông có thể kể như Cty Công viên cây xanh TPHCM, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Cty Gino, Trang trại Lâm Đồng, Bình Phước, Nha Trang và các đối tác nước ngoài Hàn Quốc, Đài Loan…
Ông Liêm cho biết "Do nguyên liệu để làm đất sạch và đất sinh học có sẵn nên giá sản phẩm làm ra cũng rất rẻ, bất cứ người dân nào cũng có thể sử dụng nó được! Hiện mỗi năm tôi XK ra nước ngoài khoảng 3.000 tấn với giá thành mỗi tấn chưa tới… 200 USD!". Để đất sạch đến tay nông dân và các nhà vườn trồng cây hoa kiểng, kỹ sư Võ Thanh Liêm đã liên kết với Cty Cầu Vồng và đang tìm kiếm các đối tác khác để chuyển giao công nghệ, sản xuất đại trà. Ông cho biết, trước mắt sẽ tiến hành sản xuất đất sạch và đất sinh học tại Bến Tre, nơi xuất xứ của nguồn nguyên liệu quý giá này.
Tâm sự về nỗi đam mê của mình, ông Liêm cười vui giải thích "Chính vì nhu cầu về thực phẩm sạch, an toàn của mọi người ngày càng cao là động lực để tôi nghiên cứu làm ra hai loại đất sạch hữu ích kia!".
Nguồn tin: NNVN |