Một số giống nhãn mới
Tất cả các nhóm giống nhãn nói sau đây được tuyển chọn từ các cá thể đầu dòng của nhãn lồng Phố Hiến (Hưng Yên), bồi dục và trồng thử nghiệm nhiều năm ở Viện nghiên cứu rau quả và nhiều vùng sinh thái khác nhau của vùng ĐBSH và các tỉnh phía Bắc đạt kết quả tốt và ổn định.
Nhóm chín sớm: Có thể sử dụng giống PHS-99-1-1 (Phố Hiến sớm). Năng suất trung bình đạt 175 kg/cây, cao hơn năng suất trung bình của nhóm chín sớm là 56,6%. Khối lượng trung bình quả đạt 80 quả/kg, cùi quả dày, giòn dễ tách, tỷ lệ thịt quả đạt 64,2%, ăn ngọt đậm và thơm, độ Brix đạt 19,1%. Thích hợp cho ăn tươi và chế biến đồ hộp. Thời gian cho thu hoạch từ 15 đến 22/7.
Nhóm chín chính vụ: Có thể sử dụng giống PHT-99-1-1 (Phố Hiến chính vụ) cho năng suất 95 kg/cây, cao hơn năng suất trung bình của nhóm chính vụ 39,2%. Quả to, trung bình 64 quả/kg, cùi dày, giòn, dễ tách, tỷ lệ thịt quả đạt 66,9%, độ Brix cao: 21,1%, ăn ngọt đậm, thơm, được nhiều người ưa chuộng, có thể ăn tươi và chế biến. Thời gian cho thu hoạch từ 22/7 đến 5/8.
Nhóm chín muộn: Nên sử dụng giống PHM- 99-1-1 (Phố Hiến muộn): Năng suất đạt 200kg/cây, cao hơn năng suất trung bình của nhóm là 193,2%. Khối lượng quả trung bình đạt 85 quả/kg, cùi dày, giòn, dễ tách, tỷ lệ thịt quả khá cao: 74,8%. Tuy ít thơm nhưng ăn ngọt đậm, độ Brix cao: 20,1%, thích hợp cho ăn tươi và chế biến đồ hộp. Thời gian cho thu hoạch kéo dài từ 15/8 đến 15/9.
Quy hoạch vùng trồng: Các giống tuyển chọn ở cả ba nhóm chín sớm, chín chính vụ và chín muộn nên bố trí tập trung ở các tỉnh ĐBSH, vùng thấp của một số tỉnh Trung du miền núi (Sơn La, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh...) và một phần nhỏ ở các tỉnh Bắc trung bộ (Thanh Hoá, Nghệ An) .
Một số biện pháp kỹ thuật thâm canh quan trọng:
- Mật độ, khoảng cách trồng: Nên trồng với mật độ trung bình từ 500 - 600 cây/ha, tương đương với khoảng cách 4m - 5m. Trong điều kiện thâm canh cao, có thể trồng với mật độ 1.100 cây/ha, tương đương với khoảng cách trồng 3m - 3m.
- Kỹ thuật đốn tỉa: Biện pháp kỹ thuật đốn tỉa có tác động rõ rệt đến số lượng hoa/chùm, tỷ lệ đậu quả, từ đó dẫn đến có sự tăng năng suất rõ rệt so với không áp dụng kỹ thuật cắt tỉa. Áp dụng kỹ thuật cắt tỉa lộc kết hợp với tỉa hoa và tỉa quả cho năng suất thu hoạch cao hơn so với chỉ áp dụng từng khâu kỹ thuật đốn tỉa đơn lẻ.
Xử lý tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả: Sử dụng KClO3 làm tăng khả năng ra hoa của cây hoặc có thể xử lý cho nhãn ra hoa trái vụ. Để tăng khả năng ra hoa của cây, xử lý KClO3 với liều lượng 90 - 110 gam/cây vào thời điểm từ ngày 1 tháng 2 đến 15 tháng 2 bằng cách pha thành dung dịch và tưới trực tiếp vào vùng đất xung quanh gốc. Để xử lý cho nhãn ra hoa trái vụ, xử lý với liều lượng tương tự vào tháng 12 hoặc sau khi kết thúc nở hoa đối với các cây không ra hoa tự nhiên.
- Bổ sung dinh dưỡng qua lá: Sử dụng các loại phân bón lá: FITO, Bortrac, Kích phát tố hoa trái thiên nông, Bimix theo hướng dẫn được ghi trên bao bì của từng loại chế phẩm.
- Phòng trừ sâu bệnh hại: Bệnh sương mai và bọ xít là 2 đối tượng dịch hại gây hại chính cho cây nhãn, việc sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh đã làm tăng năng suất nhãn một cách đáng kể.
Trần Thảo (Nông thôn Việt Nam) |